Ung thư là bệnh lý ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa ngày càng cao hiện nay. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong. Cùng tìm hiểu về bệnh ung thư qua bài viết dưới đây nhé!
1Ung thư là gì?
Các tế bào trong các cơ quan đều được phân chia theo trình tự nhất định dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ thể. Nếu cơ chế này không được diễn ra bình thường sẽ dẫn đến những rối loạn trong cơ thể, trong đó có bệnh ung thư.
Ung thư là bệnh lý ác tính được đặc trưng bởi sự phân chia tế bào liên tục, không tuân theo cơ chế kiểm soát thông thường. Tế bào ung thư có thể tự tách ra khỏi mô ban đầu để di chuyển và gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể gọi là sự di căn.[1][2]
Ung thư là bệnh lý ác tính do các tế bào phân chia liên tục, mất kiểm soát
2Phân biệt khối u lành tính và ác tính
Không phải bất cứ khối u có sự gia tăng về kích thước nào cũng là bệnh lý ác tính hay được gọi là ung thư. Bạn cần lưu ý một số điểm sau để phân biệt giữa khối u lành tính và bệnh ung thư:[3]
- Khối u lành tính: có tốc độ tăng trưởng chậm, không xâm lấn sang các mô xung quanh và không di căn. Khối u lành tính thường có bề mặt nhẵn, ranh giới rõ và di động nên có thể được loại bỏ hoàn toàn.
- Khối u ác tính: thường tăng sinh mạnh, có khả năng xâm lấn và gây hoại tử tổ chức lân cận. Các khối ung thư có bề mặt xù xì, không phân biệt được ranh giới và có thể di căn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, dễ tái phát.
3Các bệnh ung thư thường gặp
Mọi tế bào và cơ quan, bộ phận của cơ thể đều có thể xuất hiện khối ung thư. Vì vậy, hiện nay đã thống kê được đến 200 loại ung thư khác nhau. Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân thường gặp một trong số những loại ung thư dưới đây: (Theo Globocan 2020)[4][5]
- Ung thư vú: là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, chiếm 24.5%.
- Ung thư phổi: chiếm tỷ lệ cao ở cả hai giới (11.4%) và là bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu thế giới (chiếm 18%).
- Ung thư gan: là bệnh ung thư hàng đầu ở nam giới và đứng thứ 5 ở nữ giới Việt Nam (chiếm 14.5% tổng số bệnh nhân mới).
- Ung thư đại tràng, ung thư trực tràng: là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên thế giới. Mỗi năm, có khoảng 10% bệnh nhân là ung thư đại trực tràng mới.
- Ung thư cổ tử cung: khá phổ biến và chiếm 6.5% trường hợp ung thư ở nữ giới.
- Ung thư tuyến tiền liệt: đứng thứ 2 trong số các bệnh lý ung thư ở nam giới, chiếm khoảng 14.1% trường hợp.
Ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở cả 2 giới
4Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư
Ung thư là bệnh lý xảy ra dưới tác động của nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau từ vật lý, hóa học đến sinh học. Một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến bệnh ung thư gồm:[6][7]
Tác nhân hóa học
Những chất hóa học độc hại trong môi trường khi xâm nhập và cơ thể có thể gây ra những biến đổi trong vật chất di truyền dẫn đến bệnh ung thư. Các chất hóa học có thể gây bệnh gồm:
- Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật.
- Amiăng trong các vật liệu xây dựng không đạt chuẩn.
- Nicotin, benzen, formaldehyde trong khói thuốc lá.
- Radon trong không khí gây ung thư phổi.
- Các kim loại nặng như asen, thủy ngân và chất phóng xạ có nồng độ cao trong nguồn nước bị ô nhiễm.
Khói thuốc lá là tác nhân hóa học có thể gây ra ung thư
Tác nhân vật lý
Một số yếu tố vật lý có thể tác động sâu vào trong tế bào gây ra những đột biến gen và làm rối loạn quá trình phân chia dẫn đến hình thành khối ung thư như:
- Các bức xạ ion hóa tự nhiên hoặc nhân tạo như tia X, tia alpha hoặc beta.
- Tia cực tím (UV).
Tác nhân sinh học
Một số loại virus khi xâm nhập vào tế bào có thể tự chèn vật chất di truyền của nó vào bộ gen của con người. Từ đó tạo ra những đột biến có hại dẫn đến bệnh ung thư như:
- Virus Epstein - Barr: không những gây viêm họng, viêm amidan mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư vòm họng, ung thư trong khoang miệng.
- Virus HPV: có thể gây ra ung thư cổ tử cung, buồng trứng và ung thư vú ở nữ giới.
- Virus viêm gan B: vừa gây viêm gan B, xơ gan cũng như dẫn đến ung thư gan nguyên phát.
Dinh dưỡng
Mối liên hệ giữa bệnh ung thư và dinh dưỡng thường thể hiện qua 2 khía cạnh. Đầu tiên là sự xuất hiện của một số chất có nguy cơ gây ung thư trong các loại thực phẩm.
Thứ hai là sự có mặt của những hoạt chất giữ vai trò quan trọng làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, khẩu phần ăn bị mất sự cân đối cũng là lý do gây ung thư.
Các yếu tố nguy cơ khác
Ngoài những nguyên nhân trên, bạn có thể dễ mắc bệnh ung thư nếu xuất hiện một số yếu tố nguy cơ sau:
- Người lớn hơn 65 tuổi do sự tích lũy số lượng đột biến có thể tăng dần theo thời gian dẫn đến hình thành khối u ác tính.
- Người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia.
- Tiền sử gia đình có người bị ung thư.
- Người làm nông nghiệp, công nhân nhà máy hạt nhân hay phải tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc tia phóng xạ.
- Môi trường sống bị ô nhiễm, dùng nguồn nước không an toàn hoặc thường xuyên ăn dưa cà muối với nhiều chất oxy hóa không tốt.
5Bệnh ung thư phát triển như thế nào?
Ung thư là bệnh lý tiến triển từ từ theo thời gian với sự tăng dần về kích thước khối u, khả năng xâm lấn các mô xung quanh và di căn đến các cơ quan ở xa khối ung thư ban đầu. Ung thư thường được chia thành 4 giai đoạn chính:[8]
- Giai đoạn 1: hay còn gọi là giai đoạn đầu với số lượng tế bào ung thư còn ít, kích thước khối u nhỏ và được khu trú trong cơ quan nguyên phát, chưa xâm lấn hạch bạch huyết và các cấu trúc xung quanh.
- Giai đoạn 2: kích thước khối u bắt đầu tăng lên, có sự lan tỏa của tế bào ung thư sang các tổ chức lân cận nhưng chưa xâm nhập vào hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 3: các tế bào ung thư đã tách ra khỏi khối u ban đầu và xâm nhập vào hạch bạch huyết khu vực nhưng chưa di căn đến các cơ quan khác.
- Giai đoạn 4: hay còn được gọi là giai đoạn cuối với sự di căn của tế bào ung thư theo đường máu, bạch huyết đến các vùng khác và hình thành khối u ác tính ở khắp cơ thể.
6Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ung thư
Bệnh ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm nếu người bệnh quan tâm và theo dõi sát sức khỏe của mình. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư bao gồm:[9]
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
- Sút cân nhanh chóng nhưng không rõ nguyên nhân.
- Sốt nhẹ khoảng 37.5 đến 38 độ C trong nhiều ngày.
- Ho khan, đau tức ngực và khó thở.
- Thay đổi thói quen đại tiện, thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy hoặc chướng bụng.
- Sờ thấy khối u cục bất thường trên cơ thể.
- Nổi hạch bạch huyết tại vùng dưới hàm, cổ, nách hoặc bẹn.
- Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ.
- Bí tiểu ở nam giới nếu có bị ung thư tuyến tiền liệt.
Sút cân nhanh chóng là một trong những dấu hiệu của ung thư
7Bệnh ung thư có thể chữa khỏi không?
Hiện nay, với các phương pháp điều trị hiện đại, các bác sĩ đã có thể chữa khỏi được nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Ngoài ra, các kỹ thuật tiên tiến cũng có thể kéo dài được thời gian sống và cải thiện khả năng sinh hoạt cho nhiều bệnh nhân.[10]
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh ung thư đều có thể điều trị được hiệu quả, việc này phụ thuộc lớn vào vị trí ung thư cũng như giai đoạn bệnh. Do đó, người bệnh cần được phát hiện và điều trị bệnh sớm để có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
8Biến chứng của bệnh ung thư
Mỗi loại ung thư ở giai đoạn cuối của bệnh đều có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau. Một số biến chứng thường gặp nhất của ung thư gồm:[11]
- Đau dữ dội: cơn đau thường do khối ung thư di căn đến xương hoặc gây tổn thương, chèn ép thần kinh tạo ra. Cơn đau sẽ ngày càng nghiêm trọng và ít đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
- Tràn dịch đa màng: thường gặp khi tế bào ung thư di căn gây kích thích các màng trong cơ thể. Người bệnh có thể gặp tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng hoặc tràn dịch màng tim.
- Chèn ép tủy sống: các tế bào ung thư di căn xương có thể chèn ép vào tủy sống và giảm khả năng dẫn truyền thần kinh khiến người bệnh bị liệt hai chân, tiểu tiện không tự chủ hoặc táo bón kéo dài.
- Huyết khối tĩnh mạch: một số tế bào ung thư khi di chuyển trong lòng mạch máu có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu phổi.
- Nhiễm trùng: ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh, khiến họ dễ chịu sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus hoặc nấm, từ đó gây nên các bệnh lý nhiễm trùng.
Bệnh ung thư ở giai đoạn cuối có thể gây ra tràn dịch màng phổi
9Cách chẩn đoán ung thư
Một số biện pháp chẩn đoán có thể được dùng để xác định chính xác loại ung thư, vị trí và phân độ giai đoạn ung thư cũng như các biến chứng của bệnh. Bác sĩ sẽ phải kết hợp nhiều kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng với nhau để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Tiền sử bệnh
Hỏi tiền sử bệnh của bản thân và gia đình cũng như các yếu tố nguy cơ có thể giúp bác sĩ định hướng đến một số bệnh ung thư cụ thể. Do đó, bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin như:
- Bố mẹ hoặc anh chị em có phát hiện bệnh ung thư nào không?
- Các bệnh do nhiễm virus như viêm gan B, viêm đường hô hấp trên của bản thân người bệnh.
- Tính chất nghề nghiệp có thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại không?
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt của người bệnh và gia đình.
Khám lâm sàng
Căn cứ vào các dấu hiệu khó chịu của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám từng cơ quan và toàn thân để chẩn đoán bệnh như:
- Đánh giá tình trạng thể chất, tinh thần của người bệnh.
- Quan sát kỹ cơ quan có tổn thương để phát hiện sự thay đổi về màu sắc da, u cục hoặc những vận động bất thường.
- Sờ nắn để phát hiện tính chất của khối u và hệ thống hạch bạch huyết lân cận nhằm phân biệt khối u lành tính hoặc ác tính.
- Nghe tim và phổi để chẩn đoán biến chứng tràn dịch nếu có.
Thăm khám lâm sàng có thể giúp bác sĩ phát hiện vị trí khối u và biến chứng của bệnh
Cận lâm sàng
Các kỹ thuật cận lâm sàng có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán phân biệt ung thư với các bệnh lý u lành tính khác và phân độ giai đoạn bệnh tương đối hiệu quả. Một số phương pháp cận lâm sàng thường được bác sĩ chỉ định gồm:[12]
- Chẩn đoán hình ảnh (CT, MRI): nhờ chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) bác sĩ có thể quan sát được khối u nằm sâu trong các cơ quan và mức độ xâm lấn tổ chức.
- PET - CT: với kỹ thuật chụp ghi hình cắt lớp positron (PET), bác sĩ có thể đánh giá mức độ di căn sớm của tế bào ung thư.
- Sinh thiết: bác sĩ có thể sử dụng thiết bị đặc biệt nhằm lấy một lượng mẫu nhỏ từ tổ chức nghi ngờ ung thư để phân biệt với các khối u lành tính.
- Giải phẫu bệnh: mẫu tế bào sinh thiết sẽ được nhuộm màu và quan sát dưới kính hiển vi để chẩn đoán thể ung thư. Trong giải phẫu bệnh, bác sĩ có thể làm xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học, hoá mô miễn dịch...
- Xét nghiệm sinh học phân tử: kỹ thuật này giúp bác sĩ xác định được vị trí gen xuất hiện đột biến dẫn đến bệnh ung thư. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng dựa vào kết quả này để lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp.
- Chất chỉ điểm u (Tumor Maker): có thể cung cấp bằng chứng xác thực ở những bệnh nhân có kết quả gợi ý về một loại ung thư cụ thể. Hầu hết các chất chỉ điểm u này không được chỉ định như xét nghiệm sàng lọc thường quy trừ những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Kỹ thuật chụp PET có thể giúp phát hiện sớm các khối u di căn
10Khi nào cần gặp bác sĩ
Dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường có tiên lượng khá tốt. Do đó, người bệnh cần đến khám bác sĩ sớm nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường như:
- Sút cân nhanh dù không ăn kiêng để giảm cân.
- Sờ thấy các khối u dưới da.
- Nối hạch bạch huyết trên cơ thể.
- Người mệt mỏi, chán ăn.
Nổi hạch bất thường trên cơ thể là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
Nơi khám bệnh
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh ung thư, bạn nên đến thăm khám ở các bệnh viện chuyên Khoa ung bướu hoặc các bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai.
11Phương pháp điều trị ung thư
Tùy vào từng loại ung thư và giai đoạn bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định những phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân. Một số phương pháp phổ biến được dùng trong điều trị ung thư hiện nay:[13]
- Hoá trị: là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng việc truyền vào tĩnh mạch những hóa chất có khả năng hủy hoại tế bào đang phân chia liên tục. Phương pháp này thường được dùng trong giai đoạn khối u xâm lấn, di căn hoặc tái phát.
- Xạ trị: bác sĩ sẽ sử dụng tia bức xạ với những cường độ khác nhau để chiếu vào tế bào ung thư giúp loại bỏ hoặc thu nhỏ kích thước khối u.
- Phẫu thuật: thường được áp dụng đối với những khối ung thư kích thước nhỏ và còn khu trú tại cơ quan ban đầu. Bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u và nạo vét hạch bạch huyết lân cận đề phòng ngừa tái phát.
- Liệu pháp hormone: bác sĩ có thể sử dụng các thuốc làm thay đổi hoạt động của một số hormone giúp giảm kích thước khối u. Phương pháp này thường được dùng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
- Liệu pháp miễn dịch: thông qua việc sử dụng các loại thuốc giúp kích thích hệ miễn dịch như bạch cầu lympho T hoặc đại thực bào tăng cường khả năng nhận diện và phá hủy tế bào ung thư.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc có khả năng liên kết đặc hiệu với tế bào ung thư để tiêu diệt chính xác tế bào ác tính mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào lành xung quanh.
- Liệu pháp tế bào gốc: thường được chỉ định với các bệnh lý ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết nhờ việc cấy những tế bào gốc vào cơ thể.
Hóa trị là một phương pháp phổ biến trong điều trị bệnh ung thư
12Biện pháp phòng ngừa
Bệnh ung thư có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu bạn áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:[7]
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có hại như tia UV, hoá chất bằng việc đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ khi ra ngoài hoặc lúc làm việc.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia giúp ngăn ngừa ung thư phổi, ung thư dạ dày cũng như ung thư gan.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học với đa dạng các chất dinh dưỡng từ thịt, hải sản, trứng, các loại hạt, rau xanh và trái cây.
- Hạn chế ăn quá nhiều đồ ăn chế biến sẵn có chứa các chất bảo quản thực phẩm.
- Tập thể thao và rèn luyện sức khỏe hàng ngày để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine như viêm gan B, HPV.
- Khám sức khỏe và tầm soát định kỳ mỗi 6 tháng/lần giúp kịp thời phát hiện bệnh.
Tiêm phòng vaccine HPV có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở nữ
13Tầm soát ung thư để phát hiện sớm mầm bệnh
Tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư là việc thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để phát hiện bệnh sớm, trước khi có biểu hiện lâm sàng.
Nhờ vậy, người bệnh thường được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu khiến việc điều trị có hiệu quả và ít tốn kém chi phí hơn.
Tầm soát ung thư có thể giúp phát hiện bệnh sớm nhờ các xét nghiệm phù hợp
Tầm soát ung thư ở đâu?
Nếu có nhu cầu tầm soát bệnh ung thư, bạn có thể tham khảo một số cơ sở sau. Tuy nhiên với mỗi cơ sở, thời gian trả kết quả cũng như giá thành tầm soát sẽ khác nhau tùy theo thời điểm
- Tầm soát ung thư ở TP. HCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh… với giá dao động từ 4 - 6 triệu VNĐ.
- Tầm soát ung thư ở Hà Nội: Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội… với giá dao động từ 2 - 3 triệu VNĐ.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả. Hãy chia sẻ thông tin này đến với tất cả bạn bè và người thân của bạn nhé!