Trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo về một tình trạng bệnh lý nào đó đang diễn ra với trẻ. Nếu không được phát hiện kịp thời, chẩn đoán và điều trị đúng cách, thì việc bé đi ngoài ra phân có máu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe.
Cảnh giác khi trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu
Khi trẻ sơ sinh dưới 12 tuần đi ngoài ra máu và chất nhầy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý vì đây là dấu hiệu nguy hiểm. Trong khi đó, khi tình trạng này xảy ra ở những em bé lớn hơn mà bé vẫn phát triển khỏe mạnh và hoạt động vui vẻ, cha mẹ chưa cần phải lo lắng quá nhiều.
Để chẩn đoán chính xác và hạn chế tối đa các biến chứng ở trẻ, các bậc phụ huynh hãy liên hệ bác sĩ nhi khoa để nhận được sự tư vấn nếu con có một trong các dấu hiệu sau:
- Quấy khóc, cáu kỉnh;
- Không chịu ăn hoặc uống bất thực phẩm hay đồ uống nào;
- Tiêu chảy và nôn mửa;
- Bị sốt;
- Tình trạng đi ngoài ra máu diễn ra trong nhiều ngày, lượng máu trong phân tăng dần theo thời gian;
- Máu trong phân có thêm chất nhầy.
Nguyên nhân và cách điều trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu
Máu có thể xuất hiện trong phân của bé dưới những dạng sau:
- Các vệt màu đỏ trong phân;
- Có máu nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà cần phải xét nghiệm phân trong phòng thí nghiệm.
Khi bé gặp tình trạng chảy máu trong dạ dày, máu của trẻ có thể bị tiêu hóa, làm cho phân có màu đen. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng dạ dày hoặc dị ứng. Các bác sĩ có thể căn cứ vào hình thức máu xuất hiện trong phân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ em đi ngoài ra phân có máu lẫn chất nhầy và cách điều trị cho từng trường hợp:
Nứt hậu môn khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu
Tình trạng nứt hậu môn xảy ra khi niêm mạc bên trong hậu môn bị rách, làm cho bé đi ngoài ra máu tươi. Nếu tình trạng này kéo dài, cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ ngay.
Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, khi con bị đi ngoài phân lỏng quá thường xuyên có thể làm cho lớp niêm mạc nhạy cảm ở hậu môn bị mài mòn. Điều này dẫn đến tình trạng nứt hậu môn, làm cho phân có lẫn máu.
Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh bị táo bón, phân sẽ cứng lại, tựa như những viên đá nhỏ. Việc gắng sức tống phân ra ngoài có thể khiến hậu môn của bé bị kéo căng quá mức, gây nứt hậu môn nghiêm trọng.
Trong đa số các trường hợp, những vết nứt hậu môn nhỏ ở trẻ sẽ tự lành. Nếu tình trạng bệnh trở nặng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc mỡ bôi ngoài da cho bé.
Trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu khi bị nhiễm trùng
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng. Rất nhiều bệnh nhiễm trùng hệ tiêu hóa đều có thể dẫn đến tình trạng trẻ đi tiêu ra máu.
- Nếu trẻ bị ra máu đi kèm với tiêu chảy, rất có thể bé bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn Salmonella. Shigella hoặc Campylobacter. Các loại vi khuẩn này làm tổn thương ruột, dẫn đến những vết nứt vỡ nhỏ, từ đó máu thoát ra ngoài theo phân.
- Trẻ nhiễm vi khuẩn Streptococcus có thể bị lây lan sang các vùng da quanh hậu môn, gây tình trạng viêm nhiễm, nứt hậu môn, khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu.
- Một số trường hợp bị tiêu chảy nhiễm trùng, phân của trẻ cũng có thể có màu xanh kèm theo các vết máu. Máu có thể do tình trạng nhiễm trùng gây ra, trong khi phân có màu xanh do dịch mật của trẻ bị phân hủy không đúng cách. Tình trạng này có thể dễ gặp ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
Trong các trường hợp này, trẻ cần được sử dụng các loại thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để làm giảm tình trạng nhiễm trùng và các triệu chứng khó chịu ở trẻ.
Viêm đại tràng khiến trẻ đi ngoài ra nhầy máu
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc bên trong ruột kết (ruột già) của trẻ bị tổn thương. Lúc này, ruột già của bé có những vết loét nhỏ, bé có thể bị đau hoặc không, nhưng khả năng cao bé sẽ bị đi ngoài ra máu.
Viêm ruột hoại tử cũng có thể gây nên tình trạng trẻ đi tiêu ra nhầy máu. Trẻ sinh non thường có hệ miễn dịch kém nên các cơ quan trong cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Điều này tạo kẽ hở cho vi khuẩn xâm nhập thành ruột. Khi những loại vi khuẩn này thoái hóa, chúng gây nên tình trạng viêm nhiễm, khiến bé đi ngoài ra máu.
Trong các trường hợp này, bác sĩ sẽ kê cho bé các loại thuốc chống viêm và thuốc kháng sinh. Các loại thuốc này sẽ giúp làm tăng khả năng miễn dịch cho trẻ.
Trẻ bị đi ngoài ra máu do bệnh Crohn
Gần tương tự như viêm đại tràng, viêm Crohn xảy ra khi thành trong của ruột non và ruột già bị viêm loét. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân cụ thể của căn bệnh này. Tuy nhiên, căn bệnh này có liên quan đến các yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc chứng viêm Crohn, nguy cơ trẻ bị bệnh này rất cao.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, các bác sĩ sẽ kê cho trẻ một số loại thuốc để hỗ trợ kiểm soát tình trạng viêm loét. Trong một vài trường hợp, phẫu thuật chính là cách hiệu quả nhất giúp ngăn triệu chứng kéo dài theo thời gian.
Dị ứng thực phẩm khiến trẻ đi tiêu ra nhầy máu
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu là do dị ứng với thực phẩm như sữa (sữa bò, sữa công thức), lúa mì, lúa mạch, yến mạch,… Dị ứng thực phẩm có thể gây ra viêm đại tràng hay hội chứng viêm ruột do phản ứng với các loại protein trong thức ăn. Những tình trạng này khiến trẻ bị nôn mửa và đi tiêu ra nhầy máu.
Tình trạng dị ứng thực phẩm khó chữa dứt điểm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được kiểm soát với những loại thuốc do bác sĩ chỉ định.
Một số loại thực phẩm làm phân của trẻ có màu đỏ
Trong một số trường hợp, thực phẩm sau có thể khiến phân của trẻ có màu từ đỏ đến đen, làm cho cha mẹ hiểu lầm rằng trẻ đi ngoài ra máu:
- Rễ củ cải;
- Nham lê (nam việt quất);
- Cà chua;
- Thanh long ruột đỏ;
- Gelatin đỏ.
Bên cạnh đó, sau khi được bổ sung sắt, phân của trẻ cũng có thể có màu đỏ đen hoặc màu đen tương tự hắc ín. Ngoài ra, một số loại thuốc như Cefdinir cũng có thể là yếu tố làm đổi màu phân của bé.
Phụ huynh cũng cần lưu ý ở một số trẻ sơ sinh, các vấn đề về dạ dày thường được chẩn đoán do máu ẩn. Do đó, không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy máu trong phân của trẻ mắc các bệnh liên quan đến dạ dày.
Biện pháp hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu
Để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài ra máu, phụ huynh cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Tăng cường cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ là thức ăn có lợi nhất dành cho trẻ, đặc biệt trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ còn chứa một số kháng thể giúp bé nâng cao khả năng kháng lại bệnh nhiễm trùng và cải thiện hệ miễn dịch.
- Thường xuyên kiểm tra hậu môn của trẻ xem có bị rách hoặc trầy xước không. Nếu có biểu hiện bất thường, phụ huynh hãy đưa bé tới gặp bác sĩ ngay.
- Quan sát các triệu chứng dị ứng của trẻ. Nếu phát hiện trẻ bị dị ứng, cha mẹ hãy kiểm tra và đảm bảo cho trẻ tránh những tác nhân đó.
Với bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã mang đến cho bạn một số nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy máu. Bài viết cũng đã gợi ý một số biện pháp hạn chế tình trạng này. Cha mẹ nên cẩn trọng trước các bất thường về tiêu hóa ở trẻ.
Xem thêm:
- Mẹ nên ăn gì và kiêng gì khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy?
- Bé đi ngoài có sợi máu do nguyên nhân gì và điều trị ra sao?