1. Khái quát về điều trị viêm gan B
Khi bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B mạn tính thì bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để để hạn chế rủi ro biến chứng do viêm gan B gây ra. Dựa trên các yếu tố dưới đây bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định sử dụng thuốc điều trị viêm gan B:
- Hệ miễn dịch của người bệnh không đủ kháng thể để kiểm soát và tiêu diệt virus viêm gan B;
- Bệnh nhân đã bắt đầu có những tổn thương gan do virus.
Ở giai đoạn đầu bệnh viêm gan B thường không có biểu hiện rõ ràng
Tuy rằng thuốc điều trị viêm gan B có thể không giúp loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan B ra khỏi cơ thể nhưng thuốc sẽ hỗ trợ kiểm soát được số lượng virus và ngăn chặn không để bệnh diễn tiến xấu. Trên thực tế cũng có những trường hợp bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị viêm gan B suốt đời. Dưới đây là 2 nhóm thuốc chính thường được sử dụng trong điều trị viêm gan B:
- Thuốc peginterferon alfa-2a: dành cho bệnh nhân chức năng gan vẫn còn hoạt động khá tốt, thuốc có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus và chỉ cần tiêm 1 lần trong 48 tuần. Tuy nhiên trong quá trình thuốc phát huy tác dụng bệnh nhân có thể sẽ gặp các triệu chứng giống cúm như đau cơ, sốt, đau khớp nhưng các dấu hiệu này sẽ dần biến mất sau đó;
- Thuốc kháng virus: đối với những trường hợp chức năng gan suy giảm hoặc không thể dùng thuốc peginterferon alfa-2a thì sẽ sử dụng thuốc kháng virus để thay thế. Thuốc được bào chế theo dạng viên nén và có thể gây nôn mửa, mệt mỏi, chóng mặt cho người bệnh.
Bài viết sẽ tập trung vào phân tích chi tiết hơn về các loại thuốc kháng virus viêm gan B đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, áp dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
2. Một số loại thuốc kháng virus viêm gan B dùng cho người lớn
Hiện có khoảng 5 loại thuốc kháng virus được cấp phép để điều trị cho người lớn bị viêm gan B mạn tính. Những thuốc này được điều chế theo dạng viên nén, uống 1 lần/ngày dùng trong 1 năm, có khi là lâu hơn thậm chí là cả đời phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Các thuốc này bao gồm:
- Tenofovir disoproxil (Viread): đây là thuốc chỉ định đầu tay cho những người nhiễm viêm gan B mạn tính. Thuốc có ưu điểm là tính kháng thuốc rất thấp;
- Entecavir (Baraclude): cũng là một loại thuốc điều trị viêm gan B được chỉ định đầu tay tương tự như Tenofovir disoproxil;
- Telbivudine (Tyzeka hoặc Sebivo): là phương án lựa chọn thay thế nếu bệnh nhân không đáp ứng hiệu quả với loại thuốc trên;
- Adefovir Dipivoxil: đây là một loại thuốc kháng virus viêm gan B cũng thuộc nhóm thuốc điều trị hàng thứ hai. Tuy nhiên nhược điểm của thuốc là bệnh nhân cần phải được kiểm tra chức năng thận thường xuyên trong quá trình dùng thuốc;
- Lamivudine: loại thuốc này hiện đã không còn được dùng phổ biến do tác dụng kháng virus kém hơn so với các loại khác.
3. Những thuốc điều trị viêm gan B cho trẻ em
Phần lớn trẻ nhỏ bị nhiễm virus viêm gan B đều ít bộc lộ triệu chứng rõ rệt. Trẻ em bị viêm gan B vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường nhưng đều cần phải theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa. Trung bình trẻ sẽ cần phải khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần, bao gồm kiểm tra thể trạng tổng quát, xét nghiệm máu, siêu âm gan, chụp CT,...
Hiếm gặp hơn cũng có trường hợp trẻ em hoặc thanh thiếu niên phải can thiệp và điều trị y tế vì đã có những bằng chứng về tổn thương gan ở những bệnh nhân này. Do vậy bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng thuốc điều trị viêm gan B nhằm ngăn chặn những di chứng nguy hiểm.
Dưới đây là 3 thuốc kháng virus thường dùng cho trẻ nhỏ trong điều trị viêm gan B:
- Tenofovir disoproxil (Viread): là thuốc được chỉ định đầu tay cho trẻ từ 12 trở lên, thuốc có ít tác dụng phụ và phải uống trong vòng ít nhất 1 năm, thậm chí là lâu hơn;
- Entecavir (Baraclude): tương tự như Tenofovir disoproxil, đây cũng là thuốc điều trị đầu tay cho trẻ bị viêm gan B trong độ tuổi từ 12 trở lên;
- Lamivudine: thuốc cũng có tác dụng giống với 2 loại nêu trên nhưng lại là thuốc thế hệ cũ. Hiện thuốc này ít được sử dụng phổ biến do tình trạng kháng thuốc cao nên chỉ được cân nhắc là phương pháp điều trị bậc hai.
Có nhiều loại thuốc khác nhau được sử dụng trong điều trị viêm gan B
4. Một số lưu ý về quá trình điều trị viêm gan B
Những người bệnh đã được chẩn đoán mắc viêm gan B và dùng thuốc kháng virus thì cần phải thực hiện thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cảnh của mỗi người. Trong mỗi lần tái khám, bệnh nhân đều phải thực hiện các phương pháp kiểm tra như sau:
- Khám tổng quát thể trạng và kiểm tra chức năng gan mật, hệ tiêu hóa;
- Xét nghiệm chỉ số men gan (ALT/AST) có trong huyết thanh;
- Xét nghiệm vi sinh trong máu;
- Xét nghiệm máu nhằm tầm soát nguy cơ mắc ung thư gan;
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: siêu âm gan, chụp CT,...
Mục đích cho việc thăm khám định kỳ đó là để theo dõi và kiểm tra tình trạng tiến triển của bệnh, sớm phát hiện nguy cơ biến chứng suy gan, xơ gan hay ung thư gan do virus gây ra. Nếu bệnh nhân tuân thủ tốt lịch thăm khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì sức khỏe có thể hồi phục như người bình thường.
Bệnh nhân cần thăm khám để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị viêm gan B hiệu quả
Bên cạnh đó việc thăm khám và điều trị cũng cần áp dụng cho bạn tình hay các thành viên khác trong gia đình có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân. Tốt nhất những đối tượng này nên được tiêm phòng đầy đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về các loại thuốc điều trị viêm gan B. Người bệnh khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B thì cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị do bác sĩ hướng dẫn và chỉ định để tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng thành những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn đang có nhu cầu được chẩn đoán, tầm soát bệnh viêm gan B thì có thể đến khám tại Chuyên khoa Gan mật của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hoặc liên hệ theo hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.