Nuôi biển là xu hướng tất yếu
Giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng thủy sản trên biển là hướng đi được ngành thủy sản coi là một giải pháp giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển, phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi biển, phát triển quy mô nuôi công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu. Ngành thủy sản Bình Thuận cũng đang theo xu hướng đó khi Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, tình hình nuôi biển trong tỉnh phát triển khá mạnh tập trung ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Phú Quý và TP. Phan Thiết. Những khu vực nuôi này chủ yếu nằm ở ven bờ, ven đảo là những eo nhỏ, được che chắn gió bởi các mũi nhỏ nhô ra biển. Toàn tỉnh hiện có 7 khu vực biển đang triển khai nuôi trồng thủy sản, với tổng số 135 bè/3.029 lồng. Đối tượng nuôi chủ yếu ở tỉnh là các loại cá biển như: cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè quỵt, cá bè đưng và các loại tôm hùm, với tổng sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 500 tấn cá tôm. Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nhu cầu tiêu thụ thủy sản nuôi trồng ngày càng tăng, chủ trương nhà nước về phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai, nên nuôi biển sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế các nguồn lực như nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất… còn hạn chế. Trong khi đó, tình hình môi trường tại các khu vực nuôi biển trong tỉnh luôn biến động, thiếu ổn định và một số thời điểm môi trường nuôi không thuận lợi. Đặc biệt, lồng bè nuôi của người dân đơn giản, theo kiểu truyền thống bằng vật liệu gỗ nên khi gặp bão, áp thấp nhiệt đới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, quy hoạch nuôi biển vẫn chưa được hoàn thiện, tại Mũi Né vùng nuôi đang bị chồng lấn lên các dự án phát triển du lịch, cạnh tranh với các ngành khác như du lịch biển và nông nghiệp. Lao động nuôi biển chưa được đào tạo, tập huấn mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi biển của tỉnh còn hạn chế, chưa áp dụng được hoàn toàn.
Gỡ điểm nghẽn chính sách
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 9 cơ sở ương dưỡng các loại giống cá biển: cá mú, cá bớp tại các huyện Hàm Thuận Nam (2 cơ sở), Hàm Tân (6 cơ sở) và Tuy Phong (1 cơ sở). Ngoài ra, còn có 128 cơ sở/760 trại đang sản xuất giống tôm nên có nhiều thuận lợi, tiềm năng để chuyển đổi sang sản xuất giống cá biển rất lớn. Tình hình chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ nuôi biển những năm qua cũng dần ổn định. Toàn tỉnh có 218 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản trong đó có 31 doanh nghiệp chế biến được xuất khẩu trực tiếp với tổng sản lượng chế biến khoảng 64.800 tấn/năm. Gần đây, ngư dân cũng có nhu cầu chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển, trong đó các nghề thường được người dân lựa chọn để chuyển sang như nghề câu, lưới vây và lưới rê; hoặc khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì người dân chủ yếu lựa chọn nghề nuôi lồng bè trên biển. Tuy nhiên, một trong những khó khăn cho các hộ gia đình khai thác là thiếu vốn, thiếu lao động có chuyên môn.
Do đó, theo đề án phát triển nuôi biển của tỉnh, sẽ phát triển nuôi biển theo chiều sâu với hình thức nuôi tập trung, công nghiệp và nuôi sinh thái. Phát triển nuôi đa loài trong khu vực nuôi nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và giảm nguy cơ dịch bệnh, trong đó ưu tiên những loài có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn. Đặc biệt, sẽ hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Đồng thời, phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, chiến lược phát triển ngành thủy sản và quy hoạch tỉnh. Theo đó, vùng nuôi biển tỉnh Bình Thuận được chia thành 2 vùng: Vùng hải đảo xã Tam Thanh - huyện Phú Quý, phát triển nuôi cá lồng bè như: cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm... và nuôi thủy sản khác như tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc... Thứ 2 là vùng ven biển huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam. Phát triển nuôi cá lồng bè và các đối tượng nhuyễn thể như vẹm xanh, hàu, ốc hương.
Tại hội thảo “Giải pháp phát triển nuôi biển bền vững” được tổ chức tại Bình Thuận mới đây, PGS - TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết: “Hiện nay, 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể, tự phát, manh mún. Công nghệ lạc hậu và thiếu chuỗi liên kết. Hiện trên cả nước chỉ có dưới 10 doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp. Về xu hướng nuôi biển thời gian tới, tỉnh cần tính toán tích hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, điện gió mà Phú Quý hiện nay rất phù hợp để áp dụng mô hình”.
Ngoài ra, ông Dũng nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất hiện nay cần được tháo gỡ là vướng mắc thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. “Luật Thủy sản 2017 quy định thời hạn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản đến 30 năm, gia hạn đến 20 năm. Luật có rồi nhưng đến nay chưa nơi nào được thực hiện. Các chính sách phát triển nuôi biển Việt Nam có gần như đầy đủ nhưng chưa được thực thi đồng bộ ở các địa phương” - ông Dũng nói.
Nhiều giải pháp được Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra để thực hiện đề án như: Giải pháp về đất đai, mặt nước nuôi biển; Giải pháp về cơ chế chính sách; về vốn đầu tư; về phát triển nguồn nhân lực; về chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi biển… Trong đó, cố gắng thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về nuôi biển vào đầu tư trên địa bàn tỉnh: Công ty Australis, Tập đoàn Mavin nuôi lồng công nghệ Na Uy với các đối tượng cá biển, nhằm triển khai nhân rộng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.