Cây Đa lông có tên khoa học là Ficus drupacea Thunb, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây còn có tên gọi khác là Tân di thụ. Cây Đa lông có vị nhạt, tính mát, có tác dụng lơi tiểu, làm ra mồ hôi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đặc điểm, công dụng cũng như cách dùng cây thuốc.
1. Giới thiệu chung về cây Đa lông
1.1. Mô tả dược liệu
Cây to, cao 10 - 15m hay hơn. Cành mập, lúc đầu có lông dài, sau nhẵn. Lá mọc so le, phiến mỏng, hình bầu dục hoặc trái xoan, gốc tròn, đầu hơi nhọn, lúc non có lông dày ở cả hai mặt, sau nhẵn. Cuống lá dài 0,7 - 1,5cm, có lông, sau nhẵn, lá kèm dài 1cm, có lông dày màu vàng.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá đơn độc hoặc đôi một, hình trứng, tổng bao gồm những lá bấc nhỏ. Hoa đực có cuống và lá bấc kèm theo. Hoa cái không cuống hoặc có cuống rất ngắn.
Mùa hoa: vào tháng 4 - 5. Mùa quả: vào tháng 6 - 7.
1.2. Phân bố, sinh thái
Ficus L là một chi lớn trong họ Moraceae, gồm các cây gỗ lớn, gỗ nhỏ, bụi và cả dây leo, phân bố rộng khắp các vùng nhiệt đới Nam và Bắc bán cầu. Các nước vùng Đông Nam và Nam châu Á là nơi tập trung nhiều loài nhất.
- Trên thế giới: Loài Đa lông có vùng phân bố tương đối, từ Ấn Độ, Srilanca đến Malaysia, các nước Đông Dương, đảo Salomon và vùng Queensland ở Australia.
- Ở Việt Nam: Đa lông là loại cây gỗ lớn, khi nhỏ có thể sống bám theo kiểu phụ sinh. Cây mọc rải rác ở các vùng rừng núi trung du hoặc đồng bằng. Cây còn được trồng ở đỉnh chùa, hoặc làng xóm lấy bóng mát. Cây có thể trồng bằng cành, sinh trưởng nhanh và có tuổi thọ hàng trăm năm.
1.3. Bộ phận dùng
Lá và búp lá.
2. Công dụng của cây Đa lông
Đa lông có vị nhạt, tính mát, có tác dụng lơi tiểu, làm ra mồ hôi, hạ sốt, giảm phù thũng.
Ở Việt Nam, lá Đa lông được sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Danh y Tuệ Tĩnh đã dùng lá thảo dược phối hợp với lá vảy ốc ( lượng bằng nhau) sắc uống vào lúc đói để chứa chứng khí hư. Theo tài liệu nước ngoài, Đa lông cũng như một số loài khác còn được dùng chữa vết thương, mụn nhọt, bong gân, đau lưng.
>> Có thể bạn quan tâm: Cây bông ổi: Cây thuốc mang màu sắc cầu vồng
3. Các bài thuốc có chứa cây Đa lông
Theo kinh nghiệm dân gian lá Đa lông được dùng trong những trường hợp sau:
3.1. Chữa vàng da
Lá Đa lông 100g, rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, sắc nước làm thang. Nhân trần 160g, Thần khúc 40g, phơi khô, sao giòn, tán nhỏ, rây thành bột mịn, uống với nước sắc lá Đa lông. Người lớn mỗi lần uống 1 thìa café bột, ngày 3 - 5 lần. Trẻ em tùy tuổi, dùng lượng ít hơn, có thể uống riêng nước sắc lá Đa lông để phòng bệnh.
3.2. Chữa phù thũng
Lá Đa lông 40g, Thương truật, Trạch tả, Trư linh, Bạch linh mỗi vị 12, Mộc thông, Trần bì, Hậu phác, Quế tâm, Xa tiền mỗi vị 8g, Cam thảo 4g. Sắc nước uống.
3.3. Chữa đau đầu, viêm xoang mũi, ngứa mũi, chảy nước trong
Búp lá đa lông, hoa cây tỳ bà, lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g với rượu nhạt. Hoặc búp lá đa lông 20g (sao vàng), rễ dâu 40g (dùng sống), quả kê đầu ngựa 20g, cây vòi voi 15g (sao). Sắc uống sau bữa ăn.
3.4. Chữa ho ra máu
Lá hoặc búp đa lông 20g (sao cháy), mạch môn 20g (sao), cỏ nhọ nồi 15g. Sắc nước uống sau bữa ăn.
Tham khảo thêm bài viết: Cam thảo dây: Ranh giới giữa thần dược và độc dược
3.5. Chữa sốt rét
Lá đa lông và lá cối xay, lượng bằng nhau 30g, thái nhỏ, sao vàng, sắc nước uống.
Ngoài ra, tua rễ đa 20g, phối hợp với rau dừa nước, tỳ giải, mỗi vị 15g, sắc nước uống chữa tiểu tiện không thông, đái ra dưỡng trấp.
Bài viết đã cung cấp nhiều thông tin về đặc điểm, công dụng và cách dùng của cây Đa lông. Quý độc giả trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến chuyên gia để đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy cùng đón đọc các bài viết bổ ích và thiết thực về các dược liệu quý trên trang thông tin YouMed.
Bác sĩ Phạm Thị Linh