Chóng mặt tiền đình kèm buồn nôn, nôn ói là bệnh lý không quá hiếm gặp hiện nay. Bên cạnh các thuốc thông thường, bác sĩ thường chỉ định thuốc Betaserc để điều trị tình trạng này.
1. Đặc điểm của thuốc Betaserc
Betaserc chứa hoạt chất Betahistine Dihydrochloride, được bào chế ở dạng viên nén, hình tròn, màu trắng, 2 mặt lồi, xiên góc và có khía ở một mặt. Mặt có khía của viên nén thuốc Betaserc có khắc số 267 ở một bên khía. Do có khía nên viên nén Betaserc có thể bẻ làm đôi để chia làm 2 lần sử dụng.
Bên cạnh thành phần chính là betahistine dihydrochloride, thuốc Betaserc còn bao gồm một số thành phần tá dược như Cellulose vi tinh thể, Mannitol, acid citric monohydrate, Silica khan dạng keo và bột talc.
2. Thuốc Betaserc có tác dụng gì?
Thuốc kê đơn Betaserc là một sản phẩm chống lại triệu chứng chóng mặt. Hiện nay, các nhà khoa học mới mới chỉ được hiểu một phần về cơ chế tác dụng của hoạt chất Betahistine. Một số giả thuyết đã được xác nhận thông qua kết quả các nghiên cứu thực hiện trên động vật và dữ liệu thu thập ở người, cụ thể như sau:
Betahistine có khả năng tác động lên hệ Histamin: Hoạt chất này có tác dụng đối kháng ở cả thụ thể histamin H1 và H3 ở các mô thần kinh, riêng thụ thể H2 thì hoạt tính không đáng kể. Do đó, Betahistine có thể kích thích tăng chuyển hóa và tăng bài tiết histamin nhờ phong bế các thụ thể H3 tiền synap, kết hợp thêm cả phản ứng điều hòa ngược ở thụ thể H3;
Betahistine kích thích tăng tuần hoàn đến vùng ốc tai và toàn bộ não bộ: Một số thực nghiệm trên động vật cho thấy betahistine có khả năng cải thiện sự lưu thông máu ở vân mạch của tai trong. Bên cạnh đó, Betahistine còn cho thấy khả năng gia tăng tuần hoàn máu não ở người;
Betahistine hỗ trợ điều chỉnh chức năng tiền đình: Hoạt chất trong thuốc Betaserc cho thấy tác dụng thúc đẩy hồi phục hệ tiền đình sau phẫu thuật thần kinh một bên ở động vật vì khả năng hỗ trợ bù chỉnh tiền đình trung ương. Ở người, Betahistine còn cho thấy tác dụng giảm thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt dây thần kinh;
Betahistine làm thay đổi dẫn truyền xung thần kinh ở nhân tiền đình: Cụ thể là tác động ức chế dẫn truyền xung điện thần kinh lên đuôi gai của nơron ở nhân bên và nhân giữa tiền đình.
Những kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy những lợi ích điều trị của Betahistine lên hệ tiền đình. Hiệu quả của thuốc Betaserc còn chứng minh trong các nghiên cứu ở những người mắc chứng chóng mặt và bệnh Ménière thông qua khả năng cải thiện tình trạng và giảm tần suất các cơn chóng mặt.
3. Thuốc Betaserc trị bệnh gì?
Chỉ định của thuốc Betaserc bao gồm:
Hội chứng Ménière thông qua giảm nhẹ các triệu chứng chủ yếu sau đây:
Chóng mặt: Bao gồm hoa mắt, chóng mặt kèm theo buồn nôn, nôn ói;
Giảm khả năng nghe hoặc mất thính giác;
Ù tai: Khả năng cảm nhận âm thanh bên trong tai không tương ứng so với âm thanh từ bên ngoài;
Thuốc Betaserc được chỉ định trong điều trị các triệu chứng do chóng mặt tiền đình, bao gồm cảm giác chóng mặt, thường kèm theo buồn nôn, nôn ói, xuất hiện ngay cả khi người bệnh đứng yên.
4. Liều dùng của thuốc Betaserc
Người bệnh cần sử dụng thuốc Betaserc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ, nếu có bất cứ thắc mắc nào cần trao đổi ý kiến với bác sĩ hoặc dược sĩ. Liều dùng thuốc Betaserc cụ thể như sau:
Người trưởng thành: Liều khởi đầu là 8 - 16mg, tối đa 24 - 48 mg/ngày, chia làm 3 lần uống mỗi ngày. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng theo đáp ứng của người bệnh, thông thường các triệu chứng chóng mặt có thể cải thiện sau 2 tuần và đôi khi chỉ đạt kết quả điều trị tốt nhất sau vài tháng sử dụng thuốc Betaserc. Một số người bệnh được chỉ định điều trị bằng thuốc Betaserc ngay từ giai đoạn khởi đầu của bệnh với mục đích hạn chế sự tiến triển bệnh hoặc ngăn ngừa tình trạng mất thính giác trong hội chứng Ménière;
Trẻ em: Thuốc Betaserc không khuyến cáo sử dụng cho người dưới 18 tuổi vì chưa đủ dữ liệu về mức độ an toàn và hiệu quả;
Người già: Dữ liệu về đối tượng này từ các nghiên cứu lâm sàng còn hạn chế nhưng vẫn cho thấy việc điều chỉnh liều thuốc Betaserc là không cần thiết;
Người suy thận và/hoặc suy gan: Không có các nghiên cứu lâm sàng cụ thể trên nhóm bệnh nhân này, nhưng theo kinh nghiệm việc điều chỉnh liều có thể không cần thiết.
Một số trường hợp không được sử dụng thuốc Betaserc trị, bao gồm:
Tiền sử dị ứng (quá mẫn cảm) với Betahistine hay bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc Betaserc;
U tuyến thượng thận (như u tế bào ưa crom).
5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Betaserc
Người bệnh có tiền sử mắc bệnh hen phế quản hoặc loét dạ dày (loét đường tiêu hóa) trước khi sử dụng thuốc Betaserc cần thông báo với bác sĩ để có kế hoạch theo dõi cẩn thận.
Một số tác dụng phụ không mong muốn của thuốc Betaserc: Các tác dụng sau được nghiên cứu về tần suất xảy ra khi chỉ định thuốc Betaserc trên bệnh nhân và có kiểm soát bằng giả dược: thường gặp (gặp từ 1 đến 10 trường hợp trong 100 bệnh nhân được điều trị):
Rối loạn hệ miễn dịch: Tình trạng dị ứng, bao gồm ở mức độ nghiêm trọng và có thể gây khó thở, sưng phù vùng mặt cổ, hoa mắt chóng mặt;
Bất thường về da và mô mỡ dưới da: Một số trường hợp rất hiếm gặp có hiện tượng phản ứng quá mẫn cảm ở da, khởi phát đột ngột sưng phù (phù thần kinh) ở cổ hoặc tay chân, mày đay, phát ban và ngứa.
6. Một số tương tác của thuốc Betaserc
Hiện nay các tương tác thuốc của Betaserc vẫn chưa được tiến hành nghiên cứu trên cơ thể sống. Các dữ liệu hiện có đều dựa trên cơ sở kết quả các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm (in vitro) và không nhận thấy sự ức chế hệ enzym cytochrom P450 trên cơ thể sống.
Nếu đang sử dụng thuốc ức chế Monoamine-oxidase (MAO) và thuốc điều trị trầm cảm hoặc Parkinson, người bệnh nên thông báo với bác sĩ.
Betahistine có cấu trúc tương tự như Histamin, do đó tương tác giữa thuốc Betaserc và thuốc kháng Histamin có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của cả 2. Vì vậy, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ nếu đang điều trị bằng các hoạt chất kháng Histamin trước khi dùng thuốc Betaserc.
7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Betaserc
Bảo quản: Không bảo quản thuốc Betaserc ở nhiệt độ trên 30°C;
Ảnh hưởng khả năng lái xe: Betahistine được chỉ định điều trị trong hội chứng Meniere và chóng mặt tiền đình. Cả 2 bệnh này đều có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến việc lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu lâm sàng để điều tra về ảnh hưởng của thuốc Betaserc đến khả năng lái xe và vận hành máy móc cho thấy loại thuốc này không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể;
Phụ nữ đang mang thai cần xin ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc Betaserc. Hiện nay các dữ liệu liên quan đến việc sử dụng thuốc Betaserc ở người mang thai vẫn chưa đầy đủ. Các nghiên cứu trên động vật chưa cho thấy hết các tác dụng của betahistine trong quá trình mang thai, những ảnh hưởng đến phát triển phôi thai, quá trình chuyển dạ và sự phát triển của trẻ sơ sinh. Do đó, không khuyến khích sử dụng thuốc Betaserc khi mang thai nếu không thật sự cần thiết;
Phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ khả năng bài tiết của thuốc Betaserc qua sữa mẹ, kể cả từ các nghiên cứu trên động vật. Theo khuyến cáo thì không nên dùng thuốc Betaserc trong suốt quá trình cho con bú. Để biết thêm thông tin, người dùng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về tầm quan trọng của thuốc, những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ bú mẹ;
Quá liều: Dữ liệu cho thấy có rất ít trường hợp dùng quá liều thuốc Betaserc. Một số có thể gặp các triệu chứng từ nhẹ tới trung bình như buồn nôn, buồn ngủ và đau bụng khi sử dụng đến 640mg betahistine. Những nguy cơ nghiêm trọng hơn (như co giật, biến chứng tim phổi) có thể xảy ra khi sử dụng có chủ ý quá liều cả thuốc Betaserc và nhiều loại thuốc khác. Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu với hoạt chất betahistine, do đó việc điều trị các trường hợp dùng quá liều chủ yếu là các các biện pháp hỗ trợ triệu chứng.