Cây vảy ốc hay còn gọi là cây trầu cổ, cây thằn lằn, cây dúi leo, đơn rau má, có tên khoa học là Picus phmila Linn, thuộc họ Thầu dầu. Ở nước ta, vảy ốc mọc ở vùng đồng bằng các tỉnh phía Bắc cho tới Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Cây vảy ốc đỏ được người dân dùng làm rau ăn.
Vảy ốc vốn là một loại cây mọc dại có thể tìm thấy ở mạn ven rừng, nương rẫy, lối vào rừng của các ngọn núi cao. Cây thường sống bám trên thân cây gỗ của các rừng thứ sinh hoặc bám ở vách đá… Nhiều gia đình còn trồng làm hàng rào. Loại rau này ưa ẩm mát, phát triển mạnh vào mùa thu và ít hơn vào các tháng mùa nắng trong năm.
Đây là một loại cây thảo bò khắp nơi, thuộc dạng dây leo bám, có thân dài 10-60m, màu lục nhạt, có góc. Lá xếp hai dãy, ngọn giáo hay thuôn, tù ở gốc, nhọn và có mủ ở đầu. Hoa ở nách lá gồm 1-2 hoa đực và 1 hoa cái. Quả nang, hình cầu, đường kính 3mm, màu vàng - nâu, hơi nhẵn khi chín.
Vảy ốc còn có tên khác là đơn rau má, cây thằn lằn leo, cây trầu cổ…
Trong ẩm thực, cây vảy ốc là nguyên liệu làm nhiều món ăn. Giống vảy ốc đỏ được người dân dùng nhiều nhất để ăn là loại cho quả tím, lá giống với rau má. Lá cây vảy ốc được thu hoạch để nấu canh, xào, sấy khô làm trà, ngọn rau non có thể ăn sống hoặc chế biến thành các món trộn, gỏi. Trái chín của cây vảy ốc được thu hoạch, bổ và lột ngược phần bên trong ra, phơi khô, hạt thu được sẽ là nguyên liệu làm món thạch Ái Ngọc rất nổi tiếng, còn được gọi là thạch hạt trắng.
Món thạch Ái Ngọc làm từ hạt của cây vảy ốc.
Theo mô tả của người dân bản địa, lá cây vảy ốc có vị hơi chua, hơi nhớt nhẹ, ăn rất mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Vào ngày nắng nóng, chị Thúy Vy (ở Lâm Đồng) đi rừng về thường hái một nắm lá rau vảy ốc mọc dưới chân núi để nấu một nồi canh. “Món này ngày xưa rừng già còn nhiều, ông bà mình rất hay hái về làm món rau trong bữa cơm dân dã, ăn rất mát và tốt cho sức khỏe. Bây giờ thi thoảng mình vẫn thấy cây mọc tự nhiên nên tiện tay hái, còn người ta cũng trồng rất nhiều để làm cảnh rồi”, chị Vy cho biết.
Lang thang tại các cơ sở rau rừng, rau sạch để tìm kiếm rau vảy ốc, anh Thiện Hùng (quận 5, TP. HCM) chia sẻ: “Gần đây thấy có địa chỉ bán thứ rau rừng này, tôi mua về để chế biến các món ăn, không chỉ vì đổi món cho lạ miệng mà còn thấy ngon, mùi vị đậm đà”. Khảo sát trên thị trường, đặc sản rau vảy ốc ngày càng dễ mua. Ở các chợ truyền thống như Bến Thành, Bà Chiểu, Bàn Cờ, Hoàng Hoa Thám đều có 1-2 sạp bán rau rừng này cùng với lá xông, trà xanh, măng rừng, bắp chuối... và khá đắt hàng.
Giá rau vảy ốc giao động từ 40.000-70.000 đồng/kg. Người bán cũng không quên dặn khách nên ăn ngay, không nên bỏ vào tủ lạnh vì dễ hư hỏng, giập nát. Theo chia sẻ của thương lái, các cơ sở bán rau vảy ốc không bán loại thu hái trong tự nhiên mà từ một trang trại ở Gia Lai trồng thử nghiệm các giống rau rừng.
Vảy ốc là loại cây dễ trồng, dễ chăm và dễ nhân giống, lại có tốc độ sinh trưởng rất cao nên ngoài bán rau, nhà vườn còn có thể nhân giống, giâm cành để bán cho người có nhu cầu trang trí hàng rào, mái nhà. Cây có nhu cầu dinh dưỡng ở mức trung bình, cần đất tơi xốp thoát nước tốt là có thể nhanh chóng phủ xanh mảng tường trống, trong quá trình chăm sóc có thể tạo dáng cây theo ý muốn của mình.
Một giống cây vảy ốc được bán làm cây cảnh.
Nhiều năm gần đây, vảy ốc được biết đến nhiều với tác dụng trong trang trí nhà cửa, công trình nhằm phủ xanh các bức tường thẳng đứng, làm mát tường nhà vì cây giữ nước rất tốt và có ý nghĩa tượng trưng cho sự trù phú, trường tồn. Cây còn có thể trồng thủy sinh trong nước để làm sinh vật cảnh.
Các giống vảy ốc trồng cảnh bao gồm vảy ốc cẩm thạch, vảy ốc lá dài… Một chậu cây vảy ốc đạt tiêu chuẩn xuất vườn có giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng/chậu, có thể dễ dàng tìm thấy ở các cửa hàng sinh vật cảnh, cây cảnh hoặc các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, vảy ốc còn là một loại thuốc đông y. Theo một số ghi chép, vảy ốc có tác dụng bổ khí huyết nên còn dùng thay vị hoàng kỳ trong một số đơn thuốc. Thân và rễ dùng chữa phong thấp tê mỏi, sang độc ung nhọt và kinh nguyệt không đều. Lá chữa viêm khớp xương, nhức mỏi chân tay, đòn ngã tổn thương, mụn nhọt, đinh sang ngứa lở.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/rau-vay-oc-a69183.html