Học sinh chế pháo nổ: Làm gì để ngăn chặn?!

Cách đây ít ngày, Công an thị trấn Hương Khê phối hợp Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Hương Khê phát hiện, bắt giữ nhóm học sinh ở Hương Khê và Thạch Hà vì hành vi chế tạo, vận chuyển hơn 800 quả pháo nổ. Điều đáng nói, các em hầu hết đều ở độ tuổi từ 15 - 16, thậm chí có em mới 12 tuổi (như em N.T.S. sinh năm 2012, trú tại xã Hà Linh). Tại cơ quan công an, nhóm học sinh này khai nhận lên mạng internet đặt mua các nguyên liệu để tự chế tạo pháo nổ.

Nhóm học sinh khai nhận lên mạng internet đặt mua các nguyên liệu để học cách chế tạo pháo nổ.
Nhóm học sinh khai nhận lên mạng internet đặt mua các nguyên liệu để học cách chế tạo pháo nổ.

Sự việc này khiến nhiều người liên tưởng tới hàng loạt vụ việc học sinh tự chế pháo nổ diễn ra vào dịp này của năm 2023. Tối 17/11/2023, dư luận hết sức bàng hoàng khi các trang thông tin đồng loạt đưa tin về một vụ nổ xảy ra tại thôn 8, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) làm 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Kết quả điều tra sau đó cho thấy, vụ nổ do 3 thanh thiếu niên có hành vi tự chế pháo.

Mặc dù hậu quả vụ nổ hết sức nghiêm trọng và các cơ quan truyền thông đã cảnh báo liên tục, ngành chức năng vào cuộc quyệt liệt hơn trên tất cả các địa bàn, tuy nhiên, sau đó, tình trạng học sinh tự chế pháo lại liên tiếp xảy ra.

Cụ thể như: đầu tháng 12/2023, cụ thể vào ngày 1/12, Công an xã Sơn Phú (Hương Sơn) phát hiện 4 học sinh (đều SN 2009) có hành vi mua các tiền chất trên mạng xã hội về chế tạo pháo nổ; thu giữ 1.200 gram tiền chất thuốc nổ, 6 quả pháo tự chế, 3m dây cháy chậm. Tiếp đó, ngày 15/12/2023, Công an xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) phát hiện học sinh B.Đ.C. (SN 2010, trú tại xã Cẩm Vịnh) có hành vi nổ pháo trái phép tại tuyến đường thuộc địa phận thôn Bình Vinh. Mở rộng điều tra, Công an xã Cẩm Bình đã phối hợp Công an xã Cẩm Vịnh phát hiện tại nhà L.D.T. (SN 2009, trú tại xã Cẩm Vịnh) có 20 quả pháo tự chế và 5 hộp nhựa chứa các chất bột có trọng lượng khoảng 1 kg là nguyên liệu chế tạo pháo.

Công an xã Thạch Ngọc đã phối hợp với nhà trường yêu cầu học sinh viết tường trình và cam kết không tái phạm về việc tự chế pháo nổ (năm 2023).
Công an xã Thạch Ngọc đã phối hợp với nhà trường yêu cầu học sinh viết tường trình và cam kết không tái phạm về việc tự chế pháo nổ (năm 2023).

Tại Thạch Hà - nơi xảy ra vụ việc đau lòng trước đó, vào ngày 16/12/2023, Công an xã Việt Tiến đã làm rõ 25 học sinh trên địa bàn (gồm 16 học sinh lớp 7, 5 học sinh lớp 8, 4 học sinh lớp 9) mua các tiền chất trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ và sử dụng. Lực lượng chức năng đã thu giữ 1,8 kg tiền chất (S, KClO3) dùng để chế tạo pháo nổ; đồng thời yêu cầu các em viết bản tường trình và hứa không tái phạm. Trong 2 ngày sau đó (18 - 19/12/2023), quá trình tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, công an các xã: Thạch Đài, Tân Lâm Hương (Thạch Hà) phát hiện 2 vụ, 3 học sinh (trong đó có 2 em 11 và 12 tuổi) có hành vi sử dụng pháo trái phép, gồm: N.Đ.H (SN 2008, trú tại xã Nam Điền), T.M.S (SN 2012) và N.H.Đ.K (SN 2011, cùng trú tại xã Tân Lâm Hương).

Cùng với những dẫn chứng trên, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thống kê: trong vòng 1 tháng từ 18/11 - 18/12/2023, toàn tỉnh phát hiện 94 học sinh vi phạm về hành vi tự chế pháo nổ. Những con số đó cho thấy, mặc dù hậu quả rất rõ, ngành chức năng, đặc biệt là công an các địa phương vào cuộc rất quyết liệt nhưng tình trạng học sinh tự chế pháo vào năm 2023 vẫn xuất hiện rất nhiều.

Đến năm này, dù hơn 2 tháng nữa mới đến tết Nguyên đán, nhưng nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng học sinh tự chế pháo nổ.

Cũng tại thời điểm này, theo dõi các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các quảng cáo bán vật liệu chế pháo nổ cùng các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ. Một số status trên Facebook đã viết rất công khai rao “giá” vật liệu: “Tết đến đít rồi ae ơi, dây 2mm vừa zin lỗ bi nha. Vẫn là 12k 1 khúc”; “Hàng cối, ai cần ib”… Một số khác lên mạng xã hội hỏi mua, hỏi cách chế tạo: “Cần tìm mua vỏ bi dày”; “Em mới chơi pháo mà chưa biết công thức làm, cần có những gì mọi người cho e xin ít”; “Có ai bán thuốc chế sẵn rồi không?; “Cần kiếm dây cháy chậm và thuốc”; “Công thức ngày rằm mồng 1 tết cho em anh đây”… Cùng với các câu hỏi là những trạng thái bình luận cùng các lời giao ước “inbox”.

Một status rao bán vật liệu chế tạo pháo nổ.

Đặc điểm của mạng xã hội là “không biên giới”, trong khi rao bán tiền chất, vật liệu chế tạo pháo diễn ra công khai, vì vậy, việc mua bán các vật liệu này xảy ra ở nhiều địa bàn và không dễ kiểm soát. Mới đây, vào lúc 21h30 ngày 23/11/2024, trong lúc tuần tra, Công an phường Long Bình, TP Biên Hoà (Đồng Nai) phát hiện 4 học sinh THCS trên địa bàn tàng trữ, chế tạo pháo, thu giữ 2 quả pháo đã chế tạo xong, 1 chiếc kéo, 1 cuộn băng keo, 2 chai keo 502, 1 bịch thuốc để chế pháo. Qua làm việc, các em khai nhận đã lên mạng xã hội tìm mua hoá chất ký hiệu rồi trộn theo tỷ lệ để chế tạo pháo.

Lứa tuổi học đường ngày nay rất thành thạo kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh, trong đó, nhiều em được bố mẹ cho sử dụng smartphone riêng. Cùng đó, độ tuổi học trò, đa số các em thường có tâm lí hình thành nhóm hội nên dễ bị lôi kéo, kích thích. Cũng bởi vậy, đa số học sinh mua tiền chất để chế tạo pháo thường hành động theo nhóm và việc chế tạo, tụ tập để nổ trộm cũng thường diễn ra theo hợp tác nhóm. Thực tế này cho thấy, việc quản lý học sinh của các nhà trường, đặc biệt là các phụ huynh còn rất nhiều bất cập. Đây cũng là một trong những lí do cơ bản dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều học sinh tự chế pháo, nổ trộm pháo “cấm”.

bqbht_br_p123.jpg
Những hình ảnh, video về nguyên liệu, sản phẩm pháo đã hoàn thành và châm nổ... được đưa công khai trên mạng xã hội.

Cùng với công tác quản lý, một thực tế chi phối tới các em học sinh, là nhiều năm gần đây, tình trạng nổ pháo lậu diễn ra rất nhiều nơi, nhất là trong dịp tết, mà rộ nhất là đêm giao thừa.

Mới đây, dịp tổ chức đại đoàn kết toàn dân, nhiều cụm dân cư trên địa bàn tỉnh xuất hiện rất nhiều hành vi nổ pháo bi, bắn pháo hoa lậu được sản xuất tại Thái Lan, Trung Quốc…

Nhiều học sinh mua trên mạng các hợp chất rồi tự trộn để chế pháo hết sức nguy hiểm.

Cảnh báo học sinh về hành vi mua tiền chất và tự chế pháo nổ là việc làm như “đến hẹn lại triển khai” và tập trung khá nhiều lực lượng, song song với nhiệm vụ ngăn chặn hành vi tàng trữ, sử dụng chất cấm (pháo lậu). Song, từ thực tế có thể thấy, nếu không tuyên truyền cảnh báo cao hơn, trên nhiều kênh, nhiều địa bàn và thường xuyên hơn, việc “nhắc nhở” về hành vi tàng trữ, sử dụng pháo nổ dễ bị sao nhãng.

Đặc biệt, nếu ngành chức năng, các địa phương không có giải pháp đồng bộ, nhất là sự phối hợp giữa công an địa phương với chính quyền, các đoàn thể, thôn, tổ dân phố, trường học, các hộ dân, các phụ huynh có con trong độ tuổi đi học… thì rất khó để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng học sinh tự ý mua tiền chất, chế tạo pháo nổ bất hợp pháp.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/khi-phat-hien-mot-nhom-thanh-nien-ban-phao-no-trong-truong-hoc-cua-minh-em-se-lam-gi-a68992.html