Dân tộc La Ha

1. Nguồn gốc lịch sử:

Người La Ha cư trú lâu đời ở khu vực Tây Bắc nước ta.

Người La Ha tự gọi mình là La Ha, Klá và Phlạo và được các tộc người khác gọi bằng các tên khác nhau như: Xá Khắc, Phlắc, Khlá Xá Cha, Xá Bung, Xá Khao, Xá Táu Nhạ, Xá Poọng, Xá Uống, Bủ Hà, Pụa... Người La Ha có 2 nhóm là La Ha Ủng - người La Ha ở nước (làm ruộng nước) và Khlá Phlạo hay La Ha Plạo - người La Ha ở cạn (làm nương rẫy).

2. Phân bố địa lý:

Theo các sách Thái cổ, vào thế kỷ 11,12, khi người Thái Đen di cư đến vùng Tây Bắc đã thấy người La Ha cư trú ở nhiều nơi và với nhiều tên gọi khác nhau.

3. Dân số, ngôn ngữ:

- Dân số: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân tộc La Ha có tổng số dân là 10.157 người (trong đó, nam: 5.186 người, nữ: 4.971 người)

- Ngôn ngữ: Hiện nay, phần lớn các tộc người ở nước ta, trong đó có người La Ha đều cư trú xen kẽ nhau theo kiểu “cài răng lược”, vì vậy, tình trạng sử dụng song ngữ và đa ngữ đã trở nên phổ biến.

Người La Ha sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp. Hệ quả là tiếng La Ha đã tiếp thu nhiều từ vựng của tiếng Thái Đen. Thêm vào đó, số lượng người biết nói tiếng Việt, nhất là thanh thiếu niên cũng ngày càng tăng. Do cư trú xen kẽ và quan hệ hôn nhân, một số người La Ha còn biết cả tiếng H’Mông, Dao và tiếng Mường.

4. Đặc điểm chính:

- Thiết chế xã hội truyền thống:Cũng như ở các tộc người khác, bản của người La Ha là đơn vị cư trú và xã hội.

Gia đình truyền thống của người La Ha là gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình, người chồng, người cha luôn đóng vai trò chủ hộ và có quyền quyết định các công việc quan trọng. Quyền thừa kế: Tài sản trong gia đình thuộc về các con trai. Các con gái khi đi lấy chồng chỉ được bố mẹ cho một ít của hồi môn.

Dân tộc La Ha ảnh 1 Nhà sàn kiên cố khá phổ biến ở các bản của người La Ha. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

- Nhà ở: Trong các thôn bản người La Ha vẫn tồn tại 2 kiểu nhà sàn khác nhau về cấu trúc, kích thước và tính kiên cố. Loại nhà sàn tạm vẫn được dựng bằng cột gỗ chôn, có 2 gian và 2 chái. Các gian này không có vách ngăn, một gian làm bếp và một gian để ngủ. Các gia đình phải thờ cúng thì có thêm cột thờ dựng ở gian bếp. So với nhà sàn tạm, kiểu nhà sàn tương đối kiên cố khá phổ biến ở các bản của người La Ha.

- Tôn giáo, tín ngưỡng: Giống như nhiều tộc người khác, người La Ha cũng theo tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”. Đồng bào có những kiêng kỵ và thờ cúng rất nhiều loại ma được gọi bằng những tên khác nhau, thí dụ như: cái dạ, kà dạ...

Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến ở đồng bào. Họ chỉ thờ cúng tới hai đời, nghĩa là chỉ thờ cúng ma bố mẹ đã mất.

Người La Ha có rất nhiều kiêng kỵ trong đời sống hằng ngày như không được tự do đi lại hay chơi đùa ở nơi thờ cúng ma, con dâu, con rể không được vào gian cuối, nơi ngủ của ông bà, bố mẹ, nơi thờ cúng, đặc biệt là vào những ngày cúng lễ và cửa sổ ma nằm ở phía đối diện với gian thờ.

Họ không bao giờ xâm phạm đến rừng ma (nơi chôn người chết của cả bản). Cụ thể là không được khai thác những cây đã đổ, không được săn bắn và thả gia súc,... trong rừng ma.

Dân tộc La Ha ảnh 2 Trang phục truyền thống của phụ nữ La Ha. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

- Trang phục: Phụ nữ La Ha thường mặc áo cóm có hàng khuy bạc, váy màu đen, có cạp và thắt lưng màu xanh. Họ đội khăn piêu có thêu hoa văn và búi tóc ngược lên đỉnh đầu khi đã lập gia đình giống như phụ nữ Thái

Trang phục của nam giới La Ha khá đơn giản gồm áo cánh ngắn, quần lá tọa và khăn đội đầu, tất cả đều được nhuộm chàm. Trẻ em La Ha không có trang phục riêng. Trước đây, nữ giới La Ha còn đeo các loại trang sức như: dây xà tích, hoa tai bạc, vòng cổ, vòng tay, trâm...

- Ẩm thực: Những biến đổi về kinh tế và môi trường cư trú đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn hằng ngày và trong các ngày lễ, tết của người La Ha.

Về ăn uống, lương thực chính của người La Ha là ngô và gạo nếp. Tuy nhiên, sắn và khoai sọ cũng chiếm một vị trí quan trọng. Gạo nếp thường được đồ lên bằng cái ninh xôi. Gạo tẻ cũng đã bắt đầu xuất hiện trong bữa ăn của đồng bào nhưng chỉ để đãi khách không ăn được cơm nếp... Hiện nay, đồng bào vẫn giữ thói quen ăn cơm nếp.

Rượu là đồ uống được đồng bào ưa chuộng, nhất là trong các dịp tiếp khách, lễ hội, cưới xin, ma chay. Đồng bào thường sử dụng rượu nấu để trong chai hoặc rượu cần ủ trong chum. Gia đình nào cũng ủ sẵn vài chum rượu cần trong nhà để mời nhau những khi rỗi rãi, vui vẻ hay vào những dịp lễ hội.

Dân tộc La Ha ảnh 3 Người La Ha bên mâm cơm đãi khách. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

- Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông chiếm 60,1%, tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học chiếm 102,7%, ở cấp trung học cơ sở là 91,9%, ở cấp trung học phổ thông là 35,1%.

5. Điều kiện kinh tế:

Tương tự như nhiều tộc người khác ở vùng miền núi phía bắc nước ta, đại bộ phận người La Ha vốn lấy canh tác nương rẫy làm sản xuất chính (trồng lúa nếp, sắn, ngô và bông), chỉ bộ phận nhỏ còn lại làm ruộng nước kết hợp với làm nương rẫy. Nghề đánh bắt cá, hái lượm cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của đồng bào. Vào những năm cuối của thế kỷ 20, nghề dệt của đồng bào tương đối phát triển và có kỹ thuật khá tinh xảo.

Đa số người La Ha đều sống cách xa các trung tâm xã và thị trấn nên việc mua bán, trao đổi hàng hóa thường diễn ra tại bản. Ngoài ra, đồng bào còn tới trao đổi mua bán tại các chợ huyện. Các chợ này thường được họp theo phiên, với nhiều mặt hàng, nổi bật là hàng nông sản, chăn nuôi và thủ công truyền thống của các tộc người trong vùng.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/trang-phuc-dan-toc-la-ha-a68954.html