Cùng Phượt - Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1500m. Được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, nằm giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi… Du lịch Sìn Hồ du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương …
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 60 km về phía Tây. Phía Đông Bắc giáp huyện Phong Thổ; phía Đông giáp thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường; phía Đông Nam giáp huyện Than Uyên; phía Tây giáp huyện Nậm Nhùn; phía Nam giáp huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La); phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Khí hậu huyện Sìn Hồ mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão. Thời tiết quanh năm chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh và mưa ít, mùa hè nóng mưa nhiều và ẩm ướt. Lượng mưa bình quân năm ở mức tương đối cao khoảng 2.604 mm/năm và phân bố không đồng đều. Lượng mưa của các xã vùng cao ở mức 2.600 - 2.700 mm/năm, lượng mưa ở các xã vùng thấp và các xã dọc sông Nậm Na ở mức 2.480 - 2.750mm/năm. Lượng mưa cao nhất là vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm chiếm tới 70% lượng mưa trung bình của cả năm. Độ ẩm trung bình trong năm từ 80 - 86 %, tháng cao nhất là tháng 7 dao động từ 85 - 90%, tháng thấp nhất vào tháng 3 dao động từ 70 - 80%. Tổng số giờ nắng trong năm trung bình từ 1.850 - 1.900 giờ.
Sìn Hồ có mạng lưới sông, suối khá dày đặc, đa dạng, trong huyện có 02 sông chính chảy qua là sông Đà và sông Nậm Na ngoài ra còn các dòng suối với trữ lượng nước lớn như: Suối Nậm Mạ, suối Nậm Múng, suối Nậm Tăm, suối Phiêng Ớt. Đặc biệt, huyện có 08 xã nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La. Điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn, sông ngòi thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và phát triển du lịch sinh thái, thắng cảnh và nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó huyện còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, hang động, núi đá tự nhiên nổi tiếng như: Núi Đá ô, Động Quan âm, Cổng trời… Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Thái, Dao, Lự, H’Mông… với bản sắc văn hoá riêng, có những lời ca, tiếng hát, say sưa trong điệu xòe của người Thái, điệu múa và tiếng khèn ngân nga của người H’Mông. Hàng năm vào các dịp lễ Tết quý khách còn được chiêm ngưỡng lễ hội Gầu Tào, một lễ hội truyền thống của người H’Mông.
Sìn Hồ còn là nơi nổi tiếng bởi ẩm thực đặc sắc của người Thái, Mông như: Rêu đá cộng với lá cây rừng, món cá nướng, lạp thịt, gỏi cá đượm vị cay của ớt, thơm nồng của “mắc khén”, hạt tiêu rừng, xả, gừng, canh măng chua… sẽ không thể quên sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ vùng Tây bắc và trong mỗi các món ẩm thực còn thấm đậm trữ tình.
Sìn Hồ là một vùng núi khá cao, thời tiết mát mẻ nên các bạn có thể đến nghỉ dưỡng ở Sìn Hồ vào giữa những ngày hè oi nóng. Chỉ cần lên Sìn Hồ nghỉ ngơi, ở homestay và khám phá một số địa điểm thú vị ở quanh Sìn Hồ. Ngoài ra nếu các bạn muốn lên Sìn Hồ săn mây, thời gian khoảng tháng 3-4 đầu năm sẽ khá hợp lý.
Vào mùa đông, nếu muốn lên Sìn Hồ tắm lá thuốc người Dao cũng khá hay ho, có điều vùng này cũng là một trong những địa phương thường có rét đậm, rét hại và đôi khi còn có cả tuyết rơi nữa nên các bạn cần chú ý theo dõi thời tiết để đảm bảo sức khỏe.
Từ Hà Nội các bạn có 2 lựa chọn để đi đến Lai Châu. Phương án thứ nhất đi qua đường 32 đi Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Than Uyên rồi đến Lai Châu. Hãy lựa chọn phương án này nếu các bạn có kế hoạch khám phá Nghĩa Lộ hay ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải. Lựa chọn phương án này quãng đường sẽ xa hơn (khoảng 420km) và thời gian sẽ lâu hơn. Phương án thứ hai là sử dụng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sau đó lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ để sang Lai Châu. Phương án thứ hai này quãng đường di chuyển sẽ giảm khoảng 40-50km, thời gian giảm khoảng 4 tiếng do chặng Hà Nội - Lào Cai đi hoàn toàn trên cao tốc.
Nếu sử dụng phương tiện công cộng, các bạn có thể bắt các tuyến xe giường nằm đi Lai Châu từ Mỹ Đình để đến trung tâm Tp Lai Châu. Từ đây các bạn có thể sử dụng các tuyến xe đi các huyện để tới Sìn Hồ, mỗi ngày thường có 2 chuyến xe khách xuất phát từ bến xe trung tâm Lai Châu đi huyện vùng cao này vào lúc 6h và 13h30.
Ngay trung tâm huyện Sìn Hồ cũng có sẵn một số khách sạn nhà nghỉ với chất lượng tương đối để các bạn lựa chọn. Các khách sạn này tuy không quá xịn nhưng cũng đầy đủ các tiện nghi tối thiểu, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Sìn Hồ (Cập nhật 11/2024)
Homestay là hình thức đi du lịch dành cho những du khách muốn khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương, du khách có thể ăn, nghỉ, tham gia các sinh hoạt cùng gia chủ để cảm nhận rõ hơn về văn hóa bản địa. Hiện nay Sìn Hồ cũng có một vài điểm du lịch
Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Sìn Hồ (Cập nhật 11/2024)
Để đến được Sìn Hồ, các bạn sẽ đi qua Tp Lai Châu và huyện Tam Đường, đây cũng đều là những nơi có rất nhiều thắng cảnh đẹp mà các bạn không nên bỏ lỡ trên đường. Hãy kết hợp những địa điểm này lại để sắp xếp thành một cung hoàn chỉnh nhé.
Chỉ cách thi trấn Tam Đường khoảng 9km, Cọn Nước Bản Bo và Cọn nước Nà Khương là điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Lai Châu về sự độc đáo và cảnh quan tuyệt đẹp. Sải bước qua chiếc cầu treo nằm trên con suối Nậm Mu và lang thang trên các con đường nhỏ uốn lượn, Bạn sẽ bước vào 1 cánh đồng lúa chín tuyệt đẹp nằm lọt thỏm giữa các đồi núi bao quanh. Vào tháng 11, mùa nước cạn, dân bản sẽ dựng khoảng 25 - 30 Cọn nước để đưa nước từ suối vào các cánh đồng qua các ống tre dẫn nước. Chúng tôi tới đây khi mới chỉ có 3 -4 Cọn nước được dựng xong nhưng vẫn cảm thấy trầm trồ trước sự độc đáo này.
Trên đường trở lại thành phố, Bạn đừng quên ghé thăm đồi chè bản Bo, nơi có thể ngắm nhìn các ruộng lúa, đồi chè xanh ngắt tuyệt đẹp trong ánh chiều tà hoàng hôn.
Nhờ cảnh đẹp hoang sơ cùng với các giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ lại, bản Nà Luồng, xã Nà Tăm, Tam Đường đã trở thành điểm du lịch thu hút khách đến thăm quan.
Theo lời giải thích của người dân địa phương nơi đây, dịch theo nghĩa của tiếng dân tộc Lào thì từ “Luồng” có nghĩa là “con rồng”, “Nà” có nghĩa là “ruộng”. Tương truyền, nơi đây là mảnh đất trù phú, địa hình bằng phẳng có núi non xanh biếc lại có dòng Nậm Mu trong vắt, hiền hòa chảy quanh năm, thuận lợi cho việc cấy lúa, trồng ngô. Cảnh sắc thơ mộng con người lại chân thật, giàu lòng mến khách, nên rồng thường xuống tắm và nằm nghỉ trên bãi ruộng…
Hiện nay bản Nà Luồng có 94 hộ gia đình, hơn 400 nhân khẩu, 100% dân tộc Lào sinh sống. Nhờ chú trọng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc nên các phong tục tập quán dường như còn nguyên vẹn không bị đổi thay theo thời gian. Vì vậy, đến với nơi này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các ngôi nhà sàn có kiểu kiến trúc 4 mái đặc trưng, hít thở bầu không khí trong lành, được tận hưởng cảm giác bình yên, êm ả nơi núi rừng Tây Bắc và đặc biệt là được giao lưu trò chuyện, hàn huyên tâm sự với những con người chân chất, tấm lòng đơn sơ nhưng nồng hậu. Từ trên cao nhìn xuống, Nà Luồng ẩn khuất trong vạt rừng xanh bát ngát, có mây núi mênh mang, có những thửa ruộng lúa chín vàng óng đẹp đến mê hồn. Khi buổi bình minh, tiếng chim hót vui réo rắt, rồi sau mỗi buổi chiều tà cảnh ấm cúng, sum họp lại rộn ràng trong các ngôi nhà gỗ thưng hữu tình nơi miền sơn cước này.
Đến nay, cuộc sống của người dân bản địa phần lớn còn mang tính tự cung, tự cấp. Các món ăn chủ yếu được chế biến từ những sản phẩm của nhà làm ra như: rau rừng, cá suối nướng, cơm lam… Tuy cách trung tâm huyện lỵ chừng 10km, nhưng rất lâu rồi bà con đã tự trồng rau ăn phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và góp phần vào việc phát triển du lịch cộng đồng.
Để giữ gìn các làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là điệu múa xòe và lăm vông; đã hơn 10 năm nay, người dân trong bản thành lập đội văn nghệ với sự đóng góp công sức của 20 thành viên, thường xuyên mang lời ca tiếng hát để động viên, cổ vũ tinh thần lao động, cầu cho mưa thuận gió hòa, xây dựng cuộc sống văn hóa ở bản làng.
Các điệu múa xòe, múa trống cùng với việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống dân gian như: Trống, chiêng, khèn bè, sáo thường xuyên được tổ chức, đặc biệt là vào dịp Lễ hội Bun Vốc Nặm (còn gọi là Lễ hội Té nước). Để có hàm răng đen bóng, chắc khỏe, mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ phụ nữ Lào lại dùng bột cây “mày tỉu” - một sản phẩm từ rừng được hơ nóng và chà lên răng. Bên cạnh đó, người phụ nữ dân tộc Lào còn duy trì tục lệ ăn trầu.
Nằm cách thành phố Lai Châu 20km, trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc, đường đi thuận lợi cộng với nguồn tài nguyên du lịch nhân văn độc đáo, Bản Hon đang dần trở thành một điểm du lịch cộng đồng ở Lai Châu ưa thích của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bản Hon nằm trên xã Bản Hon gồm Bản Hon 1 có gần 90 hộ và Bản Hon 2 có gần 70 hộ sinh sống. Đây là nơi cư trú của cộng đồng dân tộc Lự và Mông, trong đó, dân tộc Lự chiếm 90%. Điểm đặc trưng ở Bản Hon là nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc, tiêu biểu là kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục và nghề thủ công truyền thống của đồng bào Lự.
Với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng nhưng không làm mất đi nét đẹp văn hóa bản làng truyền thống, du lịch văn hóa cộng đồng Bản Hon được hình thành hy vọng sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước ở Lai Châu.
Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải xã Hồ Thầu cách trung tâm huyện Tam Đường chừng 6 km, nằm ở độ cao 1400m, là nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân với 100% là người Dao đầu bằng sinh sống. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với những phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây, bản Sì Thâu Chải đã trở thành một điểm đến hấp dẫn ở Tam Đường
Cách thành phố Lai Châu chỉ 3km, Nùng Nàng hiện ra sau con dốc uốn lượn. Đây là xã gần như 100% đồng bào Mông sinh sống thuộc huyện Tam Đường, vẫn giữ được nét hoang sơ về cảnh quan cũng như phong tục tập quán. Ngay từ trung tâm xã bạn đã có thể cảm nhận 1 thế giới đối lập với cuộc sống phồn hoa đô thị, những nếp nhà đơn sơ, những sắc váy thổ cẩm, những bờ dậu đá rào quanh những nương cải vàng, nương ngô, ruộng lúa. Nếu muốn khám phá những nơi hoang sơ hơn bạn hãy vào trường học hoặc hỏi thăm người dân đường đi vào những điểm bản nằm sâu trong núi đá tai mèo bên rừng già nguyên sinh vô cùng lãng mạn.
Tác Tình” từ xưa đến nay vẫn được người dân gọi bằng cái tên thân thương như vậy, nó gắn liền với đời sống vật chất cũng như văn hoá bản địa thường ngày của đồng bào. “Tác Tình” không chỉ đơn giản là tên một con thác mà còn là một truyền thuyết mang âm hưởng tình ca của một đôi trai gái yêu nhau
Không biết từ bao giờ tên gọi “Tác Tình” đã hình thành và tồn tại trong tiềm thức của từng cư dân người Dao nói riêng và tất cả mọi người dân nơi đây nói chung.Theo tiếng Dao thì tác có nghĩa là nước từ trên cao đổ xuống, tình có nghĩa là nước từ trên thác đổ xuống tạo thành một vũng nước trên mặt đất (giống như một hồ nhỏ).
Truyền thuyết kể lại rằng “Xưa kia, từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ vào thời gian nào, tại một bản người dân tộc Dao dưới chân thác có một nàng Lở Lan xinh đẹp, vẻ đẹp của nàng được ví như những đoá Lan rừng - đẹp và ngào ngạt hương thơm. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong bản, cả hai thương nhau và quấn quýt như con hươu, con nai trên rừng bên nhau sớm tối. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu thì tai hoạ đã ập xuống đầu hai người, tình yêu của họ đã gặp muôn vàn trắc trở, trông gai vì bị kẻ gian âm mưu hãm hại chia cách, không thể nên duyên chồng vợ. Để giữ trọn tình yêu thuỷ chung của mình và lời thề ước giữa hai người, nàng Lở Lan đã trẫm mình xuồng dòng thác. Cảm phục trước hành động của cô gái trẻ, người dân nơi đây đã đặt tên cho ngọn thác là thác Tác Tình để tưởng nhớ đến cô cùng với mong ước tác hợp cho chuyện tình của hai người”
Động Tiên Sơn nằm gần kề trên quốc lộ 4D, thuộc địa phận xã Bình Lư, Tam Đường. Nói đến quần thể động là nói đến một chuỗi liên hoàn có tên động xưa là “Đà Đón” hiểu theo tiếng phổ thông là Hang Đá Trắng vì ngay cửa động có vách đá màu trắng, động gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng đi vào sâu thì cung càng lớn, trong động có nhiều thạch nhũ với những hình thù khác nhau, điều đặc biệt là trong động có dòng suối trong vắt chảy qua, uốn lượn quanh trong lòng động tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái.
Đây là địa bàn cư trú của khoảng 70 hộ gia đình người Giáy với những nét văn hóa đậm đà bản sắc. Lối kiến trúc cảnh quan lạ, hấp dẫn với hàng rào đá bao quanh, bản San Thàng 1 là một điểm đến không thể bỏ qua mỗi khi du khách đến với thành phố Lai Châu. Đến với San Thàng vào thứ 5 và chủ nhật, du khách sẽ được tham gia vào phiên chợ đặc trưng của vùng cao - Chợ phiên San Thàng. Không chỉ là nơi trao đổi mua bán các nông sản vật của bà con nhân dân mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình cảm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố Lai Châu.
Là một quần thể gồm nhiều hang động nằm trên hệ thống núi Pu Sam Cap có độ cao từ 1.300m đến 1.700m so với mực nước biển, trên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thành phố chừng 05 km bao gồm 3 hang động lớn là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Vẻ đẹp nguyên sơ của nó khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Theo tiếng bản địa, “Sìn Hồ” là nơi tập trung nhiều con suối. Ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cao nguyên Sìn Hồ được ví như nóc nhà của tỉnh Lai Châu. Nơi đây khí hậu khá giống với thị trấn Sa Pa, quanh năm mát mẻ tạo điều kiện cho nhiều giống hoa, quả ôn đới như mận, đào, lê… phát triển.
Trong vài năm gần đây, tại khu 2 thị trấn Sìn Hồ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách, đó là dịch vụ tắm lá thuốc, xoa bóp và bấm huyệt do người dân địa phương cung cấp. Dung dịch để ngâm tắm là một loại nước có màu đen sánh được nấu từ 10 loại cây thuốc hái từ trên núi, trong đó có gừng và sả là có thể trồng ngay tại vườn nhà. Khách sẽ được mời vào một căn phòng nhỏ, trút bỏ xiêm y rồi ngồi ngâm mình ngập đến tận cổ trong dung dịch nước thuốc nóng chừng 40º, được chứa trong một chiếc thùng gỗ, có mùi thơm nồng ngai ngái.
Núi đá Ô là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, nằm trên địa phận xã Tả Phìn huyện Sìn Hồ, gắn với sự tích của người Dao Khâu kể về Ông Tiên xuống hạ giới du ngoạn để quên cái ô, qua thời gian cái ô hóa thành đá. Núi Đá Ô là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con dân bản, nơi mà người dân thường thắp hương cầu nguyện đặt các lễ vật để dâng cúng cầu mong mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh…nằm gần khu vực Núi Đá Ô là Động Ông Tiên, động có nhiều thạch nhũ với hình thù kỳ lạ được hình thành do kiến tạo địa chất từ hàng nghìn năm.
Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Nậm Nhùn (trước đây thuộc Sìn Hồ) cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc. Dù địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao khá phù hợp cho những ai đam mê khám phá những vùng đất mới.
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.
Cái tên lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao. Mỗi con chừng 10-15kg, con nào to cũng chỉ khoảng 20kg. Ăn thịt lợn “cắp nách” chẳng khác nào ăn thịt thú rừng mà không phạm pháp, bởi vì loài lợn này được thả vào trong rừng từ khi mới đẻ, tự kiếm ăn để sống.
Chính vì không được nuôi dưỡng nên lợn lửng thuộc loại siêu chậm lớn, mỗi năm chúng chỉ tăng tối đa là 10kg, sau đó hầu như không tăng nữa. Chính vì ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có một tý mỡ thì cũng không ngấy.
Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (loại cây này chỉ có ở miền núi). Cây Khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi chút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi. Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở Lai Châu, cây Khẩu cắm dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Nếu có dịp đến với các phiên chợ như chợ Dào San, chợ Sìn Hồ, hay chợ San Thàng… du khách sẽ ấn tượng với hình ảnh những cô gái dân tộc gùi những gùi xôi xuống chợ bán, quanh mình tỏa ra mùi thơm dẻo của gạo nếp nương và đặc biệt là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Thư thái ngồi bên bếp lửa thưởng thức xôi tím với cá nướng Pa pỉnh tộp hay miếng chả quế, thực khách sẽ cảm nhận được cả dư vị của núi rừng.
Bánh đen được làm từ gạo nếp và cây màng tang, nhân bánh sử dụng thịt ba chỉ được trộn với thảo quả và mắc khén, tất cả được gói bằng lá mây.
Theo quan niệm của người Mông bánh dày là biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của vũ trụ bao la. Bên cạnh đó chiếc bánh còn là biểu tượng của sự trong trắng, lòng chung thủy, son sắc của người phụ nữ Mông như một vòng tròn khép kín. Người Mông thường làm bánh dày vào dịp tết và các lễ hội. Dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của mình, với ước mong các đấng linh thiêng phù hộ cho đôi chân to khỏe, để có thể vượt núi, chèo đèo, phát nương làm rẫy. Phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi thưởng thức người ta cắt thành từng lát bánh, sau đó đem dán bằng mỡ lợn. Chiếc bánh được dán phồng lên, cũng là lúc mùi thơm của gạo nếp nương, hòa quyện mùi thơm dịu của trứng gà, mùi ngậy béo của mỡ lợn lan tảo khắp gian bếp nhỏ, tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Bánh chưng đen (Rùa Chía). Bánh chưng của người Dao gói tròn, dài khoảng 30cm, có thể dùng gạo nếp trắng hoặc nếp cẩm để gói, khi gói bánh chưng người ta thường trộn than cây màng tang giã nhỏ để có vị thơm ngon đặc sắc. Nhân bánh là dải thịt mỡ thái dài dính với bột thảo quả, để khi bánh chín mỡ ngấm đều vào bánh khi ăn có vị béo ngậy rất ngon miệng.
Món lòng lợn nhồi gạo nếp (tùng càng nhảng). Món này trộn tiết sống lẫn với thảo quả giã nhỏ, luộc chín tới vớt ra ăn ngay hoặc để ăn dần trong mấy ngày tết. Ở Sìn Hồ tiết trời xuân se se lạnh, món này để lâu cũng không bị hỏng. Khi ăn luộc chín lại cho nóng.
Dưa mèo là cách gọi thông thường của người dân ở Lai Châu về một loại dưa do người dân tộc Mông ở nơi “cuối trời Tây Bắc” này trồng, thu hái và đưa xuống chợ, ven đường bán “chơi” với giá 10.000 đồng/1kg. Bên ngoài và bên trong quả dưa mèo giống quả dưa chuột. Tuy nhiên quả dưa mèo to, dài hơn quả dưa chuột. Quả dưa mèo to nhất nặng đến hơn 1kg, quả nhỏ nhất cũng nặng tới chừng gần nửa cân. Vỏ quả trơn bóng, có màu xanh sáng xen lẫn những viền xanh mờ. Ruột quả màu trắng, cùi dày, nhiều hạt mềm…
Được xem như là đặc sản của vùng núi cao Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng, hạt dổi rừng là một trong những loại gia vị đặc biệt thơm ngon và quý hiếm của người dân vùng cao. Dổi là loại cây thân gỗ, mọc thẳng đứng ưa ánh sáng, rất ít cành và là cây lâu năm. Có nhiều loại, loại chỉ lấy gỗ làm nhà thường được gọi là dổi tẻ có hạt rất cứng và mùi hắc không ăn được, còn loại mà cho hạt thơm là dổi nếp hay được bà con vùng dân tộc dùng làm gia vị thì ít và hiếm hơn.
Hạt óc chó vốn được biết đến là thần dược cho não. Óc chó Sìn Hồ quả không được đều tăm tắp như của Trung Quốc, nhiều hạt do quá trình phơi chưa làm sạch được hết vẫn còn dính chút thịt quả nhưng mà chất lượng hạt thì khá bùi và ngậy.
Ngày 0 : Hà Nội - Sapa
Đi tàu hoặc xe khách giường nằm từ Hà Nội lên Sapa, bạn có thể lựa chọn mang xe máy từ Hà Nội hoặc lên đến Sapa thì thuê xe tại Sa Pa để di chuyển tiếp sang Lai Châu.
Ngày 1 : Sapa - Tp Lai Châu - Phong Thổ (120km)
Chạy xe máy từ Sapa đi theo quốc lộ 4D đi Lai Châu, trên đường đi có thể tham quan một số địa điểm như Thác Bạc, Đèo Ô Quý Hồ
Tới Thị xã Lai Châu có thể đi thăm một số bản du lịch cộng đồng, thăm quần thể hang Pu Sam Cáp. Qua Thị trấn Tam Đường vào tham quan thác Tác Tình
Đi dọc quốc lộ 4D đến Thị trấn Phong Thổ thì chuyển sang Quốc lộ 12 lên cửa khẩu Ma Lù Thàng, xin phép Biên phòng để tham quan cụm mốc từ 64 - 66 ở khu vực xã Ma Ly Pho
Tối quay về ngủ tại Thị trấn Phong Thổ
Ngày 2 : Phong Thổ - Sìn Hồ
Từ Thị trấn Phong Thổ đi theo quốc lộ 12 về Sìn Hồ. Qua khu vực xã Nậm Ban và Pa Tần của Sìn Hồ có thể liên hệ với đồn biên phòng gần nhất để hỏi đường tham quan các cột mốc từ 51-54 (nếu có thời gian)
Tắm thuốc người Dao và nghỉ ngơi 1 đêm tại Sìn Hồ
Ngày 3 : Sìn Hồ - Lai Châu - Sapa - Hà Nội
Từ Sìn Hồ đi ngược về Tp Lai Châu, tiếp tục qua đèo Ô Quy Hồ về Sapa, dạo chơi quanh Sapa. Trả xe máy rồi lên ô tô hoặc tàu hỏa về Hà Nội
Ngày 1 : HN - Bắc Hà (295km):
7h45, ăn sáng ở Vĩnh Yên.
11h30 - 12h, dừng ăn trưa ở 1 điểm bất kỳ tùy vào tốc độ của đoàn.
13h - 13h30, tiếp tục hành trình
15h30, tham quan Bắc Hà
Ngày 2: Bắc Hà - Sa Pa - Sìn Hồ (206km)
6h30, chào buổi sáng
7h, đi ăn sáng & chơi chợ, lúc này người dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng… từ khắp nơi đang đổ về chợ Bắc Hà tạo ra cảnh sắc tuyệt đẹp.
10h, rời Bắc Hà về Sa Pa (96km), ăn trưa ở Sa Pa
13h30, rời Sa Pa đi Ô Quý Hồ, dừng chân ăn đồ nướng ở Trạm Tôn, chụp ảnh ở đèo Ô Quý Hồ.
14h30, đi Sìn Hồ
17h30, đến Sìn Hồ, nhận phòng nghỉ ngơi tại Sìn Hồ , đi tắm lá thuốc kiểu đế vương.
Ngày 3: Sìn Hồ - Mường Lay - Tuần Giáo - Sơn La - Mộc Châu (330km)
7h, chào buổi sáng
7h30, rời Sìn Hồ - Mường Lay (55km)
8h30, dừng nghỉ ở Mường Lay
9h rời Mường Lay đi Tuần Giáo (91km), đây là cung đường hoa dã quỳ đẹp nhất Tây Bắc (nếu đi vào mùa dã quỳ khoảng tháng 12)
11h đến Tuần Giáo, mua đồ ăn rùi lên đèo thứ 3 trong “Tứ đại đỉnh đèo”: “Pha Đin - nơi giao nhau giữa trời và đất” , ăn trưa ở đỉnh đèo.
13h rời Pha Đin đi Sơn La (60km)
15h, dừng nghỉ ở Sơn La
15h30 rời Sơn La đi Mộc Châu (115km)
18h sẽ đến Mộc Châu.
19h, Ăn tối & nghỉ ở Mộc Châu.
Ngày 4: Mộc Châu - HN (190km)
7h xuất phát về HN, ăn sáng trên đường về nhé.
Chúng ta đi QL 6 từ Mộc Châu về Mai Châu sau đó về đến Yên Phong (Hòa Bình) thì rẽ theo hướng đi Kim Bôi, đến gần Kim Bôi thì rẽ về Khăm rồi về lại QL6 ở đoạn Lương Sơn (Hòa Bình)
Dự kiến khoảng 12h sẽ có mặt ở HN
Tìm trên Google:
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/du-lich-sin-ho-a68731.html