Hà Nội đang sống trong những ngày tưng bừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Phố phườngcờ hoa rực rỡ, tấp nập những dòng người, không khí hân hoan rạng rỡ trên gương mặt mỗi người dân Hà thành và du khách. Mùa thu Hà Nội năm nay như đẹp hơn, xanh hơn...
Mùa thu chính là mùa nhớ của Hà Nội. Mùa này là sự giao thoa của thời tiết. Trong mấy tháng mùa thu ta có thể thấy cả dư âm của 3 mùa còn lại. Mùa thu, bắt đầu bằng những cơn gió mát mẻ dễ chịu, bầu trời trong xanh, khác hẳn với cái nóng gay gắt của mùa hè.
Mùa thu cũng vẫn có những ngày nắng hanh hao. Cuối mùa thu, nhất là vào ban đêm, cái lạnh sâu sâu, se sẽ cũng có khi chúng ta thấy rùng mình như thể đã sang đông.
“Xuân người ta ấm mà cần tình, thu người ta lạnh mà cần đôi”, thi sĩ Xuân Diệu đã nói về mùa thu như thế. Cái sẽ sàng ren rét “đã nghe rét mướt luồn trong gió” ấy luôn khiến tâm trạng con người cảm thấy nhớ nhung.
Mùa thu là lúc những người ở xa Hà Nội thèm được trở về để thưởng thức cái se sẽ lạnh tinh khôi mới mẻ ấy. Còn những người đang ở Hà Nội thì hòa mình vào không khí thu rất đặc trưng, trầm tư hơn nhưng cũng chính vì thế mà lắng đọng hơn.
Thu Hà Nội, ấy là lúc ngước lên vòm không, bắt gặp những quả sấu chín vàng ươm tư lự giữa những tán xanh rì. Thấp thoáng trong những đốm lửa phượng đã thấy những quả phượng vươn dài như chiếc lược non mướt.
Trên phố, khuất trong những con đường nhỏ, hoa sữa chỉ chờ không khí mát mẻ của mùa thu để bung nở.
Những cơn mưa thu cũng khiến phố phường trở nên sạch sẽ, tươi mới hơn.
Sáng mùa thu, phụ nữ vẫn phải giấu vẻ đẹp của mình trong lớp áo chống nắng và khẩu trang kín mít. Mới là đầu thu nên cốm chưa bán nhiều, chính vì thế mà khiến người ta háo hức, chờ đợi. Trên các con phố, thi thoảng thấy những bà, những chị đạp hoặc dắt chiếc xe nhè nhẹ, chở một chiếc thúng nho nhỏ, bên trên đậy lá sen, xung quanh giắt lá sen và rơm nếp, thế là thấy như chở mùa thu trên phố.
Còn gió heo may cũng chỉ mới mơn man, dường như chúng ta phải đợi mùa thu đến sâu hơn. Có lẽ phải đến khuya đêm, đi dạo trên những con phố thưa vắng bóng người, hay bên Hồ Tây may ra mới thấy cái không khí se lạnh mà nhiều người đi xa thấy thèm, thấy nhớ.
Cô bạn người TP Hồ Chí Minh, dân gốc Tiền Giang từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới đang ngồi sau xe tôi, tấm tắc chép miệng khen mãi chén chè cốm thơm, ngọt dịu mãi mà lại thanh tao dễ chịu. Màu cốm xanh non trong trẻo, điểm màu là những sợi dừa nạo trắng muốt, đựng trong chiếc chén nhỏ xinh để vừa ăn vừa thưởng thức chứ không phải ăn lấy no, lấy chán. Rồi cô bạn gật gù: “Đúng là người Hà Nội, những món ăn cũng đượm vẻ thanh lịch, tao nhã”.
Nghe bạn ngợi ca, tôi bất giác mỉm cười. Đất nào phong vị nấy, ẩm thực cũng chính là phản ánh một phần tâm hồn, tính cách con người nơi đó. Nếu sản vật miền Nam phong phú, món ăn đượm vẻ tiện ích khi tích hợp nhiều thứ rau sống, gia vị, thịt thà trong các món cuốn thì Huế lại sang trọng đài các, cầu kì kiểu cố đô. Còn Hà Nội, không chuộng ngọt như miền Nam, không cay nồng như miền Trung, Hà Nội ưa vẻ rành rẽ của các vị, mặn ra mặn, ngọt ra ngọt, chua ra chua, cay ra cay nhưng không kém phần tinh tế.
Dù Hà Nội vẫn hội nhập, mở cửa cho ẩm thực năm châu thì vẫn còn rất nhiều người gìn giữ những nét riêng của Hà Nội khi chú ý làm ra những thức quà chỉ riêng Hà Nội mới có. Một trong những món ăn ấy đã góp phần để mùa thu Hà Nội - mùa đẹp nhất trong năm trở nên đằm sâu hơn trong trái tim người Hà Nội cũng như bạn bè bốn phương đến với mảnh đất này.
Chén chè cốm dẻo bùi bạn tôi vừa thưởng thức chỉ là một trong những thứ được chế biến từ cốm, một thứ “thời trân” mà khi Hà Nội vào thu lại xôn xao như câu hát “Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”. Cốm - hạt ngọc của đất trời, nhưng chẳng phải cao xa cầu kì gì mà là từ đồng ruộng dân dã nên người ăn vừa nâng niu lại vừa như có cảm giác được về với cánh đồng mênh mông bát ngát.
Này nhé, dù là cốm ăn không hay cốm nấu chè hay cốm đồ với đỗ, với dừa nạo thành xôi thì trước hết bạn hãy cứ nâng lên bằng cả hai tay, khẽ khàng đưa lên mũi hít hà cái hương thơm dịu nhẹ tinh khiết như chứa đựng cả mùa thu trong đó. Rồi nhẩn nha thưởng thức hạt cốm dẻo quánh nơi chân răng, vị ngọt của đất trời hội tụ.
Nhà báo Phạm Thanh Hà, người nổi tiếng với những bức “Thư Hà Nội” gửi người phương xa, khi về hưu rất chăm chút cho những món ăn đậm hương vị cổ truyền Hà Nội.
Theo dõi trang facebook của bà, khi thấy những món ăn bà đưa lên, người ta thấy được cả sự cương quyết giữ gìn nét ẩm thực riêng biệt của Hà Nội để không bị trộn lẫn, pha tạp. Mua được gia vị đúng ý, nấu được một món ăn đúng như mẹ dạy ngày xưa là cả một niềm vui với bà.
Mùa thu với bà không thể thiếu những hạt cốm xanh nguyên bản gói trong lá sen ăn với những quả chuối trứng cuốc. Cầm gói cốm nhỏ trong tay, chấm quả chuối chín đúng độ, cắn một miếng, hai hương thơm và vị ngon lan tỏa trong khứu giác, nơi đầu lưỡi, ngon đúng kiểu Hà Nội.
Nhiều người cho rằng đó là cách ăn của… người già. Cô bạn tôi thì lại thích tất cả những thứ chế biến từ cốm hay hết hợp với cốm. Cô còn sà vào hàng sấu dầm, xuýt xoa cái vị chua ngọt có khi cháy đầu lưỡi mà cứ muốn ăn mãi không dừng.
Không hổ danh là người từng thưởng thức ẩm thực khắp năm châu, khách du lịch sành ăn luôn chọn những gì đặc trưng nhất của nơi mình đến. Khắp Hà Nội bây giờ, những hàng sấu dầm lúc nào cũng đắt khách. Cũng là chua cay mặn ngọt đấy nhưng tùy sở thích từng người, nếu ai không ăn được cay thì cô hàng sẽ bỏ bột ớt khô đi, ai thích ăn chua thì để nguyên chẳng cho thêm đường.
Quả sấu kết tinh nắng gió của cả mùa hè, sang thu chuyển sang vàng ươm, chua đấy mà ngọt đấy, giòn đấy mà dai đấy, khác hẳn vị của cóc, của xoài, cô bạn tôi bảo thế. “Nhất định khi vào Nam tôi phải mang theo vài kí sấu chín”. Nghe bạn nói vậy, tôi cũng hoang mang, bởi hình như bao nhiêu sấu chín các cô hàng đã mua cả rồi, chỉ họ mới biết ở đâu bán nhiều chứ các chợ nhỏ lẻ bây giờ hiếm lắm mới thấy mỗi hàng chỉ bán vài lạng.
Chở cô bạn chạy qua phố Thái Hà rồi vòng qua Nam Đồng, mặt bịt kín khẩu trang mà cô vẫn hếch mũi hít hà rồi rối rít hỏi tôi: Mùi gì thơm vậy? Giữa khói bụi ngột ngạt, một mùi hương dịu dàng lan tỏa, đích thị là mùi ổi chín. Những gánh ổi vàng ươm, quả nhỏ như trái bóng bàn bày bán ở phố Thái Hà, gần cổng Đài Truyền hình Hà Nội hay những quả “đặc” ổi vườn, phần cuống dài nhô lên như quả hồ lô luôn có mùi thơm nức rất dễ chịu.
Ổi ta, giá không đắt, vị cũng rất ngọt nhưng năm nào cũng thế, tôi thích mua về “để ngửi chứ không ăn” bởi giống ổi chín này chín thơm da diết. Chỉ cần một quả là khắp nhà tràn ngập mùi hương ngọt ngào. Chịu cô bạn tinh ý, mua cho cô vài cân rồi, tôi biết, ngồi sau xe tôi, giờ cô lại vừa tròn mắt ngắm phố phường Hà Nội vừa dí mũi vào một quả ổi chín nhất, đẹp nhất mà cô vừa chọn được từ gánh ổi. Hẳn cái mùi thơm diệu kỳ ấy được cô ủ trong bàn tay sẽ át đi mùi khói xăng đang phả ra đường ngùn ngụt và thơm mãi, thơm mãi cả trong.
"Hà Nội mùa này chỉ để yêu thôi". Mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm đang vào những ngày đẹp nhất của mùa.
Hà Nội những ngày này, mây trắng như từ ngàn năm bay về vờn đuổi nhau trên bầu trời xanh thăm thẳm. Người Hà Nội ngước lên trời nhìn gửi gắm vào từng áng mây nỗi khao khát được vui vẻ, tự do rong chơi, phiêu bạt khắp nơi.
Ai cũng muốn được chạy ùa ra phố đi bộ để cảm nhận làn hơi mát lành từ hồ Gươm thổi tới. Ai cũng muốn được dong xe dọc phố Nguyễn Du để đón hương hoa sữa đầu mùa. Còn rất nhiều người thèm khoảng mênh mông cùng ráng vàng hồ Tây đã trở thành điểm yêu thích khi mùa thu đến của Hà Nội.
Còn bao nhiêu, bao nhiêu điểm bạn muốn cùng người thân ùa đến cho thỏa nỗi nhớ mong? Hay bạn muốn một mình thả bước trên vỉa hè rêu phong khi đêm đã về khuya tĩnh lặng, nhặt một quả sấu chín vàng, nghe “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”? Hay bạn muốn đến hàng quán quen, nhấp một ngụm cà phê, thưởng thức hương vị quen thuộc lan đi trong không khí. Hay bạn sẽ ăn cho đã những món ngon mình đã trót “phải lòng”.
Bạn cứ từ từ. Mùa thu mới bắt đầu.
"Thu rất thật thu", Hà Nội mang trong mình dáng vẻ của một thiếu nữ lúc đỏng đảnh nắng nóng bừng lên hanh hao, lúc lại ưu tư sương khói mơ màng với nền trời ảm đạm, lúc lại bất chợt trận dỗi hờn - gió mùa kèm mưa về với cái lạnh sắt se nhưng nhanh chóng quên mau. Dù thế nào thì đây cũng là lúc cái nóng gay gắt của mùa hè đã qua, cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông chưa đến.
Hà Nội bao bọc bởi nhiều loài cây, vì vậy quanh năm có lá vàng rơi. Vừa Tết ra, khi có gió mùa, cuối xuân đầu hạ, cuối thu, cuối đông, cứ hễ thay đổi thời tiết là lại có loài cây trút lá, có khi nhuộm vàng óng cả phố. Mỗi dịp ấy là "sự kiện" với những người yêu thích sự lãng mạn, những tay săn ảnh, cả với những người lần đầu tiên được đến với Thủ đô. Đó là nỗi nhớ khắc khoải, là ước muốn nao nao được trở về Hà Nội, về nơi đã từng lưu giữ những kỉ niệm của một quãng đời vô cùng đẹp - đúng vào lúc thu sang.
Bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa nào Hà Nội cũng ấn tượng cả. Xuân thì muôn hoa đua nở, mưa bụi lâm thâm lất phất, vừa ướt vừa lạnh, vừa nồng vừa ẩm. Hạ thì nắng nóng gắt gao, nếu không có vị sấu chua thì khó chống chịu nổi. Đông thì rét buốt tê tái, nứt nẻ thịt da nhưng chỉ có mùa thu mới khiến người ta nhớ lâu nhất, bền nhất, thấm nhất.
Có lẽ, cái hiu hiu của gió heo may, chút lãng đãng hồ Tây, chút mờ cao của bầu trời xanh thẳm, sự dịu dàng, mong manh của thời tiết, của cây lá, của đất trời và cả con người nữa, cứ tự nhiên ngấm vào tâm hồn nhiều người, để những khi ấy, người ở xa thì muốn trở về, người sống ngay trong lòng Hà Nội thì muốn ra đường, muốn cùng bạn đi uống cà phê ngắm trời đất sang thu, muốn tìm một không gian âm nhạc để tâm hồn được reo vui cùng những cảm xúc âm nhạc mà các thế hệ nhạc sĩ đã tìm kiếm, thể hiện.
Hà Nội có ba mùa đầy gió, đầy mưa, đầy nóng, đầy rét buốt tái tê, nhưng chỉ riêng mùa thu là như hao khuyết, như một vùng lõm của kí ức, của cảm xúc. Vì thế, ai cũng chờ đợi cái màu lá vàng đầy nhớ nhung ấy sẽ đầy lên để lấp vào khoảng trống không gì có thể thay thế được trong lòng người xa Hà Nội.
Cái mùa thu kì diệu ấy, có thể mở rộng không gian ra tận Sài Gòn, tận Paris, London, tận Cairo, hay cả tận Bắc Cực nữa. Bất cứ nơi nào có người Hà Nội ở, nghĩa là nơi đấy có một mùa thu Hà Nội tràn về. Cũng để nhắc chính tôi rằng, mỗi sớm mỗi chiều, hãy đi chậm, sống chậm hơn chút nữa, để ngắm những bà những chị gánh những "trái na mở mắt nhìn ngơ ngác" đi dọc phố, những bông sen cuối mùa, những đài sen xanh ngắt và ngước mắt lên vòm xanh cao, chờ mùi hoa sữa đầu tiên bung hương theo gió.
Thu.
Thu về.
Thu đã về...
Đó là tiếng reo trong tâm hồn mỗi người khi mùa thu đã mang theo gió heo may, mang theo hương cốm mới chạm vào lòng Hà Nội.
"Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ…", một sáng phóng xe ra khỏi nhà, gặp cơn gió heo may se se lạnh khiến ta rùng mình đưa tay vòng lấy thân mình, ngẩng lên trời và trong lòng chợt ngân lên câu hát ấy. Thế là thu đã về, trời xanh ngăn ngắt và cao đến ngỡ ngàng...
Có phải mùa hè trời không xanh? Không, mùa hè bầu trời cũng xanh lắm chứ, nhất là những ngày nắng gắt. Nhưng cái xanh của bầu trời mùa hè nó tạo nên sự oi bức, váng vất, và mặt trời thiêu đốt dữ dội đến mức kéo đất và trời gần nhau hơn, chẳng ai muốn nhìn lên trời. Mùa hè, chỉ khi chiều về, nắng đã tắt và bóng chiều đổ xuống người ta mới ngước lên trời tìm chút hơi hướng dịu mát.
Còn khi trời đã sang thu, tất cả những cung bậc cao nhất của thời tiết, của nắng mưa, của bão bùng dường như đều giảm tông, bản đồ hình tháp của đất trời đã đi qua đỉnh điểm, bắt đầu xuống dốc bên kia, thong thả điểm những nhịp chậm rãi, bồi hồi khiến người ta tạm quên đi những cảm thức nội tại mà muốn hướng ra ngoài để tận hưởng sự dễ chịu ấy.
Chẳng dễ gì để cảm nhận bầu trời thu xanh hơn, xa hơn, thăm thẳm như một niềm hy vọng, như một sự chờ đợi, như một sự mời gọi tâm hồn con người hãy chắp cánh bay vút lên cái khoảng không diệu kỳ ấy. Thu xanh, phải chăng là do ban đêm sương đã lãng đãng tỏa mờ những con phố, hàng cây, ru giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Thu xa, phải chăng là do cơn gió heo may bắt đầu hòa quyện với sương sớm, thổi cái hơi mát của mùa thu xứ Bắc, đẩy bầu trời lên vút khỏi tầm mắt. Chỉ biết, như thoát khỏi sự bó buộc chật hẹp, cứ mùa thu đến, những con đường thênh thang hơn, bầu trời thênh thang hơn và lòng người thì cũng như muốn xanh mơn man trở lại.
Không hiểu sao, cứ thu đến, ta lại ước được đạp những vòng xe chậm rãi dưới vòm lá me xanh, phượng vĩ và hàng sấu già của những con phố Hà Nội. Cữ này, cây cối đang dồn nhựa để những phiến lá xanh đậm nhất, chuẩn bị cho cuối thu, chớm đông, khi gió mùa đông bắc tràn về, lá sẽ chuyển vàng, kết thúc một vòng đời cống hiến, nuôi dưỡng thân cây. Trong cơn gió heo may, lá me, lá phượng lả lả, heo heo, vừa dịu dàng lại vừa gợi cảm như bàn tay người con gái, ru ấp, vỗ về.
Sẽ thật tuyệt vời nếu ở một góc phố nào đó có phút tĩnh lặng hiếm hoi và một vài quả sấu còn sót lại chín, nhẹ nhàng buông mình xuống đầy thi vị. Những năm trước khi sấu Hà Nội còn chưa bị nhiều người thay nhau hái mang bán, cữ này hàng năm, đi dọc những phố sấu của Hà Nội như Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế và nhất là quanh hồ Gươm thể nào cũng nhặt được rất nhiều sấu chín rụng. Mặc dù chợ bán rất nhiều sấu chín, mặc dù sấu rụng bao giờ cũng bị vỡ bẹp, ăn chẳng được ngon nhưng mỗi lần nhặt được một quả sấu chín lại thấy quý giá vô cùng, như một món quà, như một bất ngờ, như một điều kì diệu mà vòm xanh kia ban tặng.
Theo đà của bánh xe, ta nên ghé qua hồ Gươm, nơi có người nhạc sĩ đã viết "Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội. Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh…". Thật lạ, nếu phân tích kỹ, cái màu xanh của nước mà mang so sánh với màu xanh của tóc thì thật là... kỳ dị nhưng ta vẫn mặc nhiên chấp nhận nó, thậm chí lại còn cho rằng đó là hình ảnh đẹp. Cũng là bởi khi mùa thu sang, cái màu xanh của đất trời đã làm ngời lên, kéo theo bao màu xanh khác. Dưới cái vầng quang phổ của màu xanh ấy thì nước xanh, tóc xanh, lá xanh, mắt xanh, tiếng cười xanh, tiếng nói xanh... cũng là điều dễ hiểu vô cùng.
Từ hồ Gươm, bánh xe chầm chậm tiến về lăng Bác, nơi thể nào ta cũng thấy trên bầu trời xanh đến nao lòng, những đám mây trắng lững lờ trôi như từ bốn phương hội tụ về đây, chia sẻ một mùa thu xanh lịch sử. Sau đó, xe lại lăn bánh đến hồ Tây, dọc theo con đường ven hồ, nghe sóng hồ xanh mướt vỗ vào bờ mang theo chút sương ngàn năm bảng lảng, cảm giác như mình đang rời xa những ồn ào của phố thị. Làng kiến trúc phong cảnh Võng Thị với những lối đi quanh co xanh mướt bóng cây, ngược lên Hoàng Hoa Thám lúc nào cũng nườm nượp người bán mua hoa cảnh, cây cảnh.
Tôi muốn kết thúc chuyến đi bằng việc thả bộ trên vỉa hè Cầu Giấy, ngắm những lá sen già xanh đậm thơm tinh khiết bọc lấy những hạt cốm xanh non thơm mùi sữa lúa, mùi sương tháng 9 và cả mùi nắng vàng đến tinh khôi. Lòng luôn tự nhủ, cầu mong cốm năm nay bớt... xanh đi một chút. Nghĩa là cốm cứ xanh cái màu xanh tự nhiên của đất trời, của bản thân mình chứ đừng bị nhuộm xanh bằng hóa chất cho đời cốm bớt xanh xao. Thế cũng là trọn vẹn một chuyến thưởng ngoạn thu xanh Hà Nội.
Tháng 10, đó là lúc cái nắng đổ lửa của mùa hè đã qua nhưng cái rét cắt da của mùa đông chưa tới. Tháng 10, cây vào độ đậm nhựa, lá vào độ xanh rì. Tháng 10 là lúc chúng ta có thể nhìn lại mình đã làm được gì trong năm. Trong khi đó, tháng 10 cũng chưa phải là lúc sự vội vã của cuối năm làm ta cuống quýt, vội vàng. Tháng 10 với Hà Nội cũng là lúc lắng đọng, vào mùa đẹp nhất trong năm.
Bài viết: Cẩm Tú
Đồ họa: Thành Trung, Lê Trang
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/mua-thu-ha-noi-dep-a68092.html