Bình Thuận là một vùng đất hấp dẫn lòng người, từ những cảnh đẹp mê đắm đến những lễ hội văn hóa đặc sắc, hay đơn giản là vì tình yêu của những con người hiền hậu, chân chất nơi đây. Không chỉ thế, nếu bạn là người thích khám phá sự đặc biệt của con số 1 trong các lĩnh vực khác nhau, thì hãy tham khảo những cái nhất của Bình Thuận trong bài viết này.
Bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam và vượt kỷ lục ra cả khu vực Đông Nam Á đang được lưu giữ tại dinh Vạn Thủy Tú, một điểm du lịch nổi tiếng tọa lạc trên đường Ngư Ông, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Theo truyền thuyết, sau khi Dinh được xây xong, có một Ông rất lớn trôi dạt vào bờ và được người dân trong vùng huy động để đưa Ông vào mai táng trong khuôn viên. Do Ông quá lớn nên phải mất đến hai ngày thì mọi người mới đưa được vào bờ mai táng long trọng.
Bộ xương Ông với chiều dài lên tới 22m, nặng 65 tấn và được phục dựng đặt trên khung inox kiên cố, bên trên mô hình con thuyền lớn đặt trang trọng trong Dinh như một lòng cảm ơn thành kính đối với tín ngưỡng của những người dân vùng biển.
Tháp nước Phan Thiết, một biểu tượng cho hơn 55 năm tình hữu nghị Việt - Lào, được khởi công xây dựng vào cuối năm 1937 và hoàn thành vào đầu năm 1938 do chính kiến trúc sư Hoàng thân Xuphanuvông của Lào (nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào) thiết kế. Tháp có chiều cao từ nền lên đỉnh là 32m, chia thành 2 phần: Phần lâu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5m, có đường kính 9m và Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 5m, có đường kính chân tháp là 10m.
Nằm bên dòng sông Cà Ty thơ mộng, Tháp nước kể từ khi được hoàn thành cho đến nay vẫn luôn sừng sững như tòa “pháp đài” kiên cố và luôn là một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi được mệnh danh là tháp nước đẹp nhất Việt Nam.
Hải đăng Kê Gà (hoặc Khe Gà) tọa lạc ở mũi Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Trong hơn 100 năm qua, sau khi được xây dựng, hải đăng Kê Gà đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn đường biển cho khu vực, trở thành “ánh lửa dẫn đường” cho mọi thuyền bè qua lại.
Hải đăng Kê Gà đã được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng bằng đá cao nhất (với 183 bậc thang xoáy trôn ốc có tổng chiều cao đến đỉnh đèn là 35m) và cổ xưa nhất Việt Nam (mở cửa vào năm 1897). Được biết chiều cao toàn bộ tính từ tầm ngọn đèn đến mặt biển tổng cộng là 65m.
Tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên núi Tà Cú được xem là biểu tượng văn hóa tâm linh của vùng đất Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị của “Thắng cảnh chùa Núi” cũng như thúc đẩy du lịch Bình Thuận phát triển.
Tượng Phật được xác lập kỷ lục Việt Nam vào ngày 2/1/2006 và vào ngày 2/3/2013 đã được tổ chức Sách kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Tượng Phật dài nhất nằm trên đỉnh núi”.
Đức Phật dài 49m tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8m cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m và cao từ vai xuống là 12,2m. Xung quanh pho tượng là nhóm tượng Di Đà Tam Tôn (phật A Di Đà, Quán Thế m và Đại Thế Chí) xếp hàng ngang.
Thuộc một phần bãi biển của xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong là bãi đá 7 màu nằm trong khu du lịch Cổ Thạch. Điều hấp dẫn nhất của bãi biển là những bãi đá lung linh sắc màu được hình thành một cách tự nhiên từ tác động của thủy triều, hải lưu, nước biển. Đá được đẩy từ lòng biển trồi nhô lên bờ với nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau.
Bãi đá đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam”. Sự hiện diện của bãi đá như một điểm hồng tâm kéo chân càng ngày càng nhiều du khách tìm đến khám phá sự tuyệt diệu của nơi đây.
Theo số liệu của Bộ Công Thương năm 2016, Bình Thuận có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất cả nước với khoảng 26.500 hecta, sản lượng thu hoạch trên 500 nghìn tấn mỗi năm, được trồng nhiều ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình.
Trong khi đó, theo Cổng thông tin Bình Thuận, quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển khoảng 30.000 hecta thanh long.
Cùng với đó, việc sở hữu hơn 52.000 ha bãi triều ngập mặn đã tạo điều kiện thuận lợi cho ao đầm nuôi tôm sú, đặt lồng bè nuôi cua, cá và đặc biệt là sò điệp chiếm 75% sản lượng khai thác cả nước, có giá trị cao về mặt kinh tế. Và nếu bạn chưa biết, nơi được mệnh danh thủ phủ của các loại sò điệp chính là địa danh bãi sò Chí Công ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Có thể kể đến các cuộc thi như: đua thuyền trên sông Cà Ty (mồng 2 Tết hằng năm), lướt ván - đua thuyền buồm hàng năm (Mũi Né), chinh phục núi Tà Cú, chạy việt dã vượt đồi cát Mũi Né và lễ hội rước đèn Trung thu (Phan Thiết) có quy mô lớn nhất dành cho trẻ em được ghi vào sách Kỉ lục Guinness Việt Nam.
Và Bình Thuận cũng có rất nhiều lễ hội được diễn ra xuyên suốt trong năm như :Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân, Lễ hội cầu ngư, Lễ hội Ka-tê (Phan Thiết), Lễ hội Dinh Thầy Thím (tháng 9 âm lịch hằng năm), Lễ hội tiết Thanh Minh ở Duồng (đầu tháng 4 dương lịch), Lễ hội ẩm thực đường phố Mũi Né (được tổ chức từ 6 đến 7 lần trong năm). Chi tiết các lễ hội, bạn có thể tham khảo tại đây: Các lễ hội ở Bình Thuận.
Nếu như năm 1996, Bình Thuận chỉ có vài khách sạn, nhà nghỉ nhỏ, cả năm chỉ đón được vài chục ngàn khách thì hiện nay, Bình Thuận đã sở hữu cho mình 114 resort, khách sạn, có khoảng 250 nhà nghỉ với 6000 phòng, có thể phục vụ cùng lúc cho hơn trên 10.000 khách. Công suất phòng 50%, có mùa đạt 70% trở lên. Và dĩ nhiên, Bình Thuận đã được thừa nhận như vương quốc resort vì chiếm 80/200 resort cả nước hiện nay.
Mỗi khách sạn, resort ở Bình Thuận đều cố gắng hòa mình với thiên nhiên sẵn có, cống hiến nhiều sáng tạo trong thiết kế, trang bị hiện đại tiện nghi, phục vụ chu đáo. Tất cả đều muốn cho du khách có những ngày nghỉ đáng nhớ, xứng đáng với danh hiệu “vương quốc resort” của Bình Thuận.
Bảo Tháp Linh Quang là ngôi tháp cao nhất trên các đảo ở Việt Nam, tháo cao 9 tầng và nằm trong khôn viên của Chùa Linh Quang, một ngôi chùa cổ giữa lòng biển đảo Phú Quý. Toàn bộ 9 tầng của tháp có chiều cao hơn 27 m. Khi đứng ở cảng Phú Quý, bạn cũng sẽ thấy rõ tháp mồn một từ xa.
Được biết khi đứng tại tầng cao nhất của tháp, bạn có thể ngắm toàn đảo Phú Quý một cách rõ nét nhất. Các địa điểm nổi tiếng trên đảo như Hòn Tranh, Hòn Chiên, Hòn Nhỏ, Hòn Bố, Hòn Trào hay núi Cao Cát, v.v. đều sẽ xuất hiện ngay trước mắt bạn như một bức tranh vô cùng đẹp nhất.
Có thể bạn không biết, Bình Thuận là tỉnh có chiều dài theo đường quốc lộ 1A dài nhất Việt Nam với chiều dài cụ thể là 178.5km.
Xét theo chiều dài đường bộ được tính theo QL1A thì Khánh Hòa và Hà Tĩnh sẽ lần lượt xếp thứ 2 và 3 sau Bình Thuận. Còn nếu tính theo đường Hồ Chí Minh, với tổng chiều dài 320 km, Quảng Bình được xem là tỉnh có hệ thống đường Hồ Chí Minh đi qua dài nhất Việt Nam.
Cung đường ven biển Hòa Thắng - Phan Rí với điểm nhấn là những đồi cát chạy dài tít tắp nối liền với những hoang mạc, thảo nguyên xanh mát và những cánh quạt gió khổng lồ xuyên xuốt cchặng đường được mệnh danh là cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.
Khám phá cung đường ven biển này bạn sẽ chết mê chết mệt với 08 điểm check-in sau đây: Hòn nghề, Hòn Hồng, Mũi Cá Chai (Mũi Dựng), Đồi cát trắng Bắc Bình, Mũi Yến, Bàu Trắng, Khu du lịch Thozoo và rừng hoa vàng keo lá tràm.
Được cộng đồng mạng ưu ái gọi là cây bằng lăng đẹp nhất Việt Nam, cứ mỗi năm đến khoảng tháng 5, tháng 6, cây bằng lăng hơn 20 năm tuổi ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận trở thành địa điểm được đông đảo bạn trẻ yêu mến và tìm đến để check-in.
Dù chỉ cao tầm ngang đầu người nhưng mỗi khi đến mùa, cây bằng lăng này trở nên rực rỡ vô cùng. Những đóa hoa tím phủ đầy từ ngọn cho đến mỗi nhánh mỗi cành tạo nên một vẻ đẹp hư ảo nao lòng làm say đắm ánh mắt biết bao du khách.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/binh-thuan-noi-tieng-ve-cai-gi-a68008.html