UX _ User Experience là một thuật ngữ thiết kế đã có từ khá lâu trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì vẫn chưa được các nhà phát triển web sử dụng nhiều.
Bản thân tôi cũng chỉ là một tester - chứ không phải một UX. Tôi muốn tìm hiểu và chia sẻ những vẫn đề cơ bản về UX .Với hi vọng, nó sẽ giúp chúng ta suy nghĩ theo hướng làm thế nào để user dễ sử dụng nhất, từ đó làm chủ sản phẩm.
1. Giới thiệu về UX _ User Experience
A. Khái niệm
UX là User experience, là trải nghiệm của người dùng về một sản phẩm, dịch vụ. Hiểu nôm na User Experience (UX) là tất cả về cảm nhận, mức độ hiệu quả, mức độ tiện dụng,… mà dịch vụ của bạn mang lại cho người dùng. Những trải nghiệm này mang tính đặc thù khác nhau dựa trên các yếu tố chi phối và khó có một chuẩn mực cụ thể.
B.Đánh giá một UX tốt
Một trải nghiệm được đánh giá tốt sẽ đảm bảo hai tiêu chí:
- Người dùng có thể làm việc mình muốn một cách hiệu quả như:
- Những việc người dùng phải lảm (có thể là mua hàng, đăng ký, đăng thông tin, tìm thông tin, etc.) có rõ ràng không?
- Những việc đó thường tốn bao nhiêu thời gian?
- Tỉ lệ bao nhiêu người hoàn thành việc đó?
- Cần qua bao nhiêu tap hay click?
- Những chức năng mới có dễ hiểu và dễ ghi nhớ không?
- Người dùng cảm thấy hài lòng về trải nghiệm:
- Hiệu quả chỉ là một phần của bức tranh về trải nghiệm. Ngoài hiệu quả và usability, mọi trải nghiệm đều tạo nên một cảm xúc gì đó cho người dùng.
- Những cảm xúc tốt có thể là vui khi có thể hoàn thành công việc nhanh chóng hoặc tự tin vì những người dùng khác thích profile hay sản phẩm của mình.
- Những cảm xúc không tốt có thể là sự bực mình vì không biết phải click vào gì, đi đâu tiếp theo hay sự thờ ơ vì không có tiến độ hay thay đổi
C. Mối quan hệ giữa UI và UX như thế nào ?
Trong thực tế, khá khó khăn để phân biệt hai khái niệm UI và UX vì chúng có mối liên quan mật thiết với nhau. Đã có nhiều cuộc tranh luận rằng UX quan trọng hơn UI và ngược lại. Song, tôi nghĩ rằng có thể dễ dàng nhận ra cả hai đều mang một mục đích chung đó là tạo sự thoải mái cho người dùng và theo tôi cả hai đều có vai trò quan trọng ngang nhau.
- Đối với UI:
- Là phương tiện kết nối giữa người dùng và sản phẩm công nghệ.
- Là “giao diện” hay là tiếp diện để giao tiếp với người dùng
- Là những gì người dùng “trực tiếp nhìn thấy” và “cảm nhận” khi sử dụng 1 sản phẩm
- Như vậy, UI là cách mà người dùng giao tiếp với hệ thống. Thông qua UI, người dùng biết họ phải làm gì.
- Đối với UX:
- Là bao gồm toàn bộ trải nghiệm của người dùng đối với một sản phẩm
- Là bao gồm cả tương tác UI nhưng ngoài ra, nó còn bao gồm những thứ mà người dùng không giao tiếp trực tiếp với sản phẩm. Ví dụ, trải nghiệm về trình mua hàng trực tuyến, hay mở gói một sản phẩm (un-pack), hỗ trợ kỹ thuật, chế độ bảo hành..v.v…
- Như vậy, UX là 1 quá trình nghiên cứu để giảm thiểu các thao tác “thừa” cho người dùng, giảm bớt những gánh nặng và những khó khăn mà người dùng gặp phải.
2. Triển khai suy nghĩ như một UX như thế nào ?
A. Phương châm
Người làm UX có trách nhiệm với cả hai bên: người dùng và công ty phát triển sản phẩm.
- Đối với người dùng: UX phải hiểu những suy nghĩ và giả định của mình luôn là góc nhìn chủ quan và không nhất thiết phản ánh đúng cách nhìn của người dùng sản phẩm. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm cũng như sự sâu sắc của chính UX
- Đối với công ty phát triển sản phẩm : đưa ra những quyết định giúp công ty dung hòa được nhu cầu của người dùng và mục tiêu của chính sản phẩm để đạt được mục tiêu kinh doanh. Đây cũng là một trong những quyết định khó khăn ngay cả với những Designer dày dạn kinh nghiệm.
B. Qúa trình tư duy để nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong UX bao gồm các bước
-
Bước 1: Nghiên cứu để hiểu được người dùng: Mục đích là giúp bạn hiểu được mô hình tâm lý và hành vi của người dùng trong việc sử dụng sản phẩm. có 2 phương pháp nghiên cứu được sử dụng:
- Nghiên cứu định tính: Giúp bạn hiểu sâu hành vi của một người dùng thông qua trò chuyện, quan sát, trải nghiệm thực tế. Đây luôn là bước đầu tiên trong việc phát triển sản phẩm. Bạn càng dành nhiều thời gian, những thông tin của bạn sẽ càng sâu, giá trị và có ích khi thiết kế.
- Nghiên cứu định lượng: Sau khi đã nói chuyện, đã quan sát, câu hỏi đặt ra là: “Liệu những điều bạn học được có đúng với những người dùng khác?” Định lượng giúp bạn kiểm chứng và đánh giá hành vi trên diện rộng. Vấn đề này thuộc về phân tích dữ liệu để xây dựng các quyết định trong thiết kế khi sản phẩm đã hoạt động.
-
Bước 2: Đưa ra ý tưởng và giải pháp có thể thương mại hoá để giải quyết vấn đề của người dùng: Từ nghiên cứu bước 1, Bạn sẽ phải xử lý các thông tin này, chuyển nó thành các tài liệu để phục vụ cho việc thiết kế
-
Bước 3: Thiết kế giải pháp này: Từ bước 2, bạn phải phải xây dựng được flow căn bản mà phần lớn người dùng sẽ trải qua. Các bước cơ bản bạn sẽ trải qua là:
- User flow
- Sketch
- Wireframe
- Prototype
-
Bước 4: Đưa giải pháp này vào thực tế rồi quan sát đo lường độ hiệu quả và chỉnh sửa cho phù hợp.
-
Bước 5: Cải thiện sản phẩm dựa trên sự quan sát và đo lường đó
C. Những kỹ năng cơ bản cần có ở UX
Để có thể trở thành một UX tốt hơn, chúng ta cần phải có những kỹ năng như:
- Kỹ năng giao tiếp: UX Designer phải giao tiếp với nhiều bộ phận khác nhau với các chuyên môn khác nhau, truyền đạt được thông tin một cách hiệu quả, cho dù đó là từ khách hàng đến bộ phận kỹ thuật hay marketing và kinh doanh.
- Hiểu biết về tâm lý học: hầu hết tất cả UX Designer, vào nhiều lúc trong sự nghiệp của mình, đều tìm hiểu và đào sâu vào các yếu tố và lý thuyết tâm lý.
- Kỹ năng thuyết phục: người UX Designer phải thuyết phục được không chỉ bản thân mà còn những người làm chung đội ngũ, những người làm kỹ thuật và product manager đi theo triết lý design và áp dụng những kết quả của mình.
- Kỹ năng thấu hiểu vấn đề: họ có thể nhìn qua được những biểu hiện bề mặt của vấn đề và xác định được đúng vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết.
- Kỹ năng thiết kế và prototype: bạn cần có khả năng tạo ra một sản phẩm mẫu trong thời gian ngắn để có thể nhanh chóng thử nghiệm và cải thiện sản phẩm đó. Bên cạnh đó, trong hầu hết các trường hợp, bạn phải tự mình hoàn thành một sản phẩm hoàn thiện. Vì vậy, trang bị chuyên môn về thiết kế đồ họa, giao diện, sản phẩm là cần thiết.
- Hiểu biết căn bản về kỹ thuật: một chút hiểu biết về kỹ thuật rất có ích. Nếu bạn có background kỹ thuật cũng rất tốt. Đây cũng là một lợi thế khi bạn hiểu những khả năng và giới hạn của công nghệ để xây dựng những giải pháp tốt.
- Kỹ năng phân tích dữ liệu kết hợp tư duy sáng tạo: phân tích dữ liệu là cần thiết khi bạn phải làm việc trong những dự án lớn hoặc đã ổn định. Tư duy sáng tạo, ngược lại, là một cái vui của nghề. Bạn có thể cập nhật xu hướng, vui với những tương tác nhỏ, tạo nên những điều thú vị riêng cho sản phẩm.
3.Kết luận
Như tất cả những yếu tố bên trên chúng ta đã nhận thấy tầm quan trọng của UX trong thời điểm hiện tại. Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng website của mình đã tốt theo cách bạn cảm nhận. Hãy nhờ người thân, bạn bè, đồng nghiệp của bạn cùng trải nghiệm và yêu cầu họ thẳng thắn đưa ra những nhận định về mặt tốt và cả mặt chưa tốt.
Đây cũng là cách tôi luôn cố gắng theo đuổi, kể cả đối với những dự án outsource mang nặng tính áp đặt từ yêu cầu khách hàng.