Xế chiều, dân bản đi nương lục tục về. Tiếng nhí nháu ngoài suối làm cho cơn khát vùng vẫy trong tôi sau cả chặng đường trường đầy nắng gió. “Nhà báo đi tắm đi!”. Trưởng bản Đặng Văn Phúc mời, tôi gật đầu ngay tắp lự. Dòng suối Hang mát lạnh, trong vắt nhìn rõ cả những hòn sỏi đen xám, những chú cá suối bé xíu, mình mỏng hằn rõ cả mạch máu. Tất cả mọi người, từ già trẻ, lớn bé cả trăm người của bản đều đang “tắm tiên” dưới dòng nước mát đó. Đàn ông, phụ nữ đều trần truồng phô ra những bộ ngực trắng ngần, tròn lẳn.
Ráng chiều vàng rực, hắt ánh lên những thân thể hây hẩy sức sống khiến cho các cô gái trông cứ như những bức tượng Hy Lạp xưa. Thấy khách lạ mọi người cười ré lên, té nước ào ào: “Ôi cái ông này đi tắm mà còn mặc quần này”. Bản Cỏi hồi đó không có đường, không có điện lưới, đêm đêm chỉ lờ mờ thứ ánh sáng của đèn điện nước, tiếng cối giã gạo bằng nước thì thụp điểm canh.
Ông trưởng bản rắc một ít thóc dụ lũ gà trên núi về rồi tung chài, lần tìm một con to nhất đãi khách. Chính vì thấy nó có nhiều ngón chân thừa nên tôi mới liên tưởng đến con gà chín cựa trong truyền thuyết vua Hùng kén rể liền nhờ ông Lý Phúc Lâm ôm con gà trống mào cờ ngồi bên tảng đá để chụp ảnh rồi viết một bài. Ai ngờ từ đó mà gà nhiều ngón chân thừa đã trở thành gà chín cựa trong đời thật.
Bản Cỏi giờ đây đường ô tô đã vào tận nơi, không còn phải gửi lại ở xóm Lấp rồi đi bộ vào như trước. Đập vào mắt tôi là cái cổng ốp đá lớn, giăng ngang trên đó là tấm biển: “Bản văn hóa Cỏi- Xuân Sơn”. Nhìn từ xa chỉ còn nhận ra hai cây chò cổ thụ là dấu vết của bản xưa, còn lại là nhà tầng, nhà gác, mái lá, mái tôn, mái fibro xi măng nằm san sát giữa rừng già. Chật chội, lộn xộn đến bức bối. Một nhà ai đang khởi công xây, dàn cột bê tông lõi thép tua tủa vươn lên như chọc nát trời chiều. Con suối Hang năm nào là nơi “tắm tiên” của cả bản thì giờ chảy một cách khó nhọc qua khoảng 20-30 cái lán dựng lên để đón khách du lịch, qua mấy ngôi nhà xây sát bờ.
Triệu Văn Minh là người đầu tiên trong bản mở homestay Triệu Minh với phòng riêng giá 400.000đ/đêm, phòng cộng đồng giá 80.000đ/đêm. Minh kể, trước đây dân toàn đi nương, làm rẫy, săn bắt, hái lượm tận những cánh rừng giáp ranh với Phù Yên, tỉnh Sơn La, khoảng 50 năm trước mới hạ sơn xuống đây, 30 năm trước một số nhà như trưởng bản, bí thư, công an viên mới bắt đầu khai phá đất, làm ruộng bậc thang. Năm 2007 nhà anh cũng khai hoang được ít đất làm ruộng bậc thang để cấy một vụ lúa nhưng không đủ ăn, toàn phải độn thêm ngô, sắn.
Thi đỗ đại học sư phạm nhưng anh không đi vì nhà nghèo, khó xin việc nên trở về làm nông. Những khi nhàn rỗi, anh thường cùng các thanh niên trong bản chơi trốn tìm. Để trốn kỹ hơn, anh làm bè vào tận sâu hang Cỏi đến 200-300m.
Tới năm 2012, 2013 có những đoàn khách du lịch kéo đến thì anh và bố mới tổ chức những chuyến đưa họ lên bè vào thăm hang Cỏi, lúc đầu ai cho bao nhiêu tùy ý, giờ thì cố định 20.000đ/người. Số tiền đó để vừa trả tiền điện, tiền công, vừa trông coi, bảo vệ nguồn nước và tổ chức cúng thần hang vào dịp Tết hay rằm tháng năm.
Năm 2016 lượng khách đến đông, hang Cỏi không tải được. Nghĩ đến nguồn nước lạnh chảy ra từ cửa hang vào giữa hè, anh bàn với gia đình đắp đập, kè đá, nạo bùn, tạo thành một bãi tắm rộng khoảng 600m2. Cũng thời điểm đó, anh cắm sổ đỏ vay ngân hàng được 200 triệu đồng để mua 1 cái nhà sàn về làm homestay dù người Dao không ở nhà sàn như người Mường. 6 năm sau, hoàn vốn, anh đầu tư xây thêm 2 cái bungalow khép kín.
Gia đình có 4 lao động là bố mẹ và vợ chồng anh tham gia vào các hoạt động du lịch như kéo bè cho khách vào hang, thuê phao cho khách tắm, nấu các món ăn từ gà chín cựa, lợn cắp nách, cá suối, ốc đồi, cua đá, rau rừng cho khách ăn. Trong khoảng 4 tháng mùa hè có khách, cả nhà thu được cỡ 100 triệu đồng, tính ra được khoảng hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh khoản thu còn khá khiêm tốn đó, họ còn có 5 ha rừng, 5 sào ruộng, 1 ha nương ngô, sắn.
“Khách đến đây thường chê đường xấu, không có gì để chơi, không có gì để tiêu. Lên bản để trải nghiệm cùng đồng bào mà thấy toàn nhà xây mái bằng, mái tôn, mái ngói nên nhanh chán…Khi em đầu tư làm homestay, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng có tư vấn, hỗ trợ cho hệ thống đèn trang trí cùng một ít bàn ghế. Tuy nhiên, để phát triển được du lịch em đang gặp khó khăn về vốn nên đầu tư còn chắp vá. Nếu vay được tiền thì em sẽ làm thêm 6 cái bungalow và tạo tiểu cảnh, trồng nhiều hoa”, Minh tâm sự.
Homestay thứ hai ở bản Cỏi là Hương Giang do anh Đặng Văn Quyết- Phó Bí thư xã Xuân Sơn làm chủ. Nhìn anh tôi lại thấy phảng phất bóng dáng của người trưởng bản năm nào, hóa ra đó chính là cháu ruột của ông. Anh cho biết, cả ông Phúc lẫn ông Lâm đều đã về trời, cách nhau chỉ một hai năm khi mới ngoài 60 tuổi.
Năm 2020 anh mở homestay với 1 ngôi nhà sàn ngủ cộng đồng và 4 phòng khép kín, tổng hơn 300 triệu đồng thì dính ngay Covid phải đóng cửa, mãi mới đây gượng dậy. Doanh thu từ du lịch mỗi vụ 4 tháng được khoảng 45 triệu đồng thì với 3 người tham gia, tính ra chỉ được cỡ 4 triệu/người/tháng. Tối hôm ấy, anh Quyết mổ gà, làm cá, hấp cua đồi, nướng măng rừng, dọn thịt chua, nộm củ nâu ra đãi tôi. Món nào cũng ngon, món nào cũng ân cần gắp. Khách đến có thể ngày đi đắp khẹt bắt cá, đi làm ruộng cùng chủ, tối đi quăng chài bắt cá suối, cua suối rồi về làm bữa cùng chủ, rất hòa đồng.
Bản giờ đã có 91 hộ trong đó còn trên 10 hộ nghèo, có những nhà vẫn còn đứt bữa như vợ chồng ông Lý Văn Ơn hay anh Đặng Văn Cẩm. Trước đây, khi đoàn của Sở Văn hóa về khảo sát còn nức nở khen bản Cỏi giữ nếp nhà đất vách gỗ truyền thống, giữ phong tục tập quán của người Dao tiền, hễ một nhà có việc là cả xóm cùng tham gia. Khi dân làm nương rẫy chỉ đủ ăn thì thế nhưng mươi năm gần đây đi làm thợ xây, có tiền họ tự xây lấy nhà theo kiểu đổi công nên 60% hộ đã chuyển sang nhà mái bằng, nhà tầng, nhà gác.
Thấy được nguy cơ mất bản sắc, 23 đảng viên đã chia nhau đi vận động bà con giữ nếp nhà truyền thống để làm du lịch cộng đồng. Anh Quyết là một thành viên của đoàn: “Tôi đi tham quan nhiều nơi làm du lịch cộng đồng rồi, Sở Văn hóa cũng cũng khen bản mình có nhiều nhà truyền thống, cần phải giữ gìn để làm du lịch cộng đồng”. Họ trả lời: “Nếu nhà nước cho tiền thì tôi giữ nhà gỗ, còn không thì tôi xây vì đến đời con cháu ở cũng không phải sửa chữa”.
Bàn Xuân Thắng là người mở đầu phong trào này, ngót 10 năm trước đã dựng lên cái nhà hai tầng nhưng không đủ tiền làm mái, trát, làm cửa phải lấy tấm liếp nứa để thay. Hai vợ chồng thế hệ 8x đi làm thuê mỗi người mỗi ngả, để ngôi nhà như một nhà hoang. Chẳng biết vì lý do gì mà người vợ cứ biền biệt mãi, chẳng về khiến cho người chồng thỉnh thoảng lại vào ra như một chiếc bóng.
Anh Quyết thống kê, giờ cả bản chỉ còn khoảng 25 ngôi nhà đất, vách gỗ. Những phong tục như cấp sắc, lễ cưới, quần áo truyền thống in hoa văn bằng sáp ong vẫn còn nhưng hát páo dung giao duyên đã mất khoảng 20 năm nay, tục ngủ thăm đã mất, nghề thêu sắp mất do thế hệ trẻ không chịu học, còn người già dần tối mắt không nhìn rõ, dạy chữ Dao chẳng ai chịu theo. “Chúng tôi trăn trở nhất là chuyện mất bản sắc, phá vỡ mất cảnh quan mà không bao giờ có thể làm lại được. Cái người dân bản Cỏi cần bây giờ là nhà nước hỗ trợ vốn để cho dân vay làm phòng đón khách, huấn luyện dân kỹ thuật phục vụ khách"...
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/ban-coi-a66727.html