Đây là nhóm đèn có gần như trên tất cả các xe máy, cả xe ga và xe số hiện đại. Nhóm đèn này bao gồm đèn báo xi-nhan trái phải, đèn báo hệ thống chiếu sáng trước ở dạng chiếu gần hay chiếu xa, đèn báo số ở xe máy số, đèn báo sắp hết xăng.
Hệ thống đèn này vừa báo vừa nhắc nhở để người lái xe biết là đang sử dụng chức năng nào trên xe hoặc tình trạng xăng còn lại. Với nhóm đèn tín hiệu cơ bản thì khi nó không sáng mới là vấn đề (trừ đèn báo gần hết xăng) còn khi sử dụng chức năng mà sáng thì là điều bình thường. Thông thường nếu sử dụng chức năng nào đó mà đèn không sáng có thể do hỏng bóng đèn báo hoặc dây dẫn điện bị chập, đứt.
Trên một số xe, khi gần hết xăng đèn cảnh báo này sẽ sáng hoặc nhấp nháy
Nhóm đèn cảnh báo nguy hiểm
Đây là nhóm đèn mà người sử dụng xe cần phải lưu tâm khi nó bật sáng hoặc nhấp nháy trong quá trình vận hành xe. Tùy từng loại xe mà có các hệ thống đèn khác nhau, nhưng tựu chung lại có một số đèn cảnh báo mà người dùng nên biết như sau:
+ Đèn cảnh báo áp suất dầu động cơ
Trên các dòng xe đèn báo áp suất dầu có thể nằm riêng lẻ hoặc tích hợp vào màn hình điện tử trên bảng đồng hồ thường có hình là cái bình rót nằm ngang và có giọt nước ở phía trước vòi bình. Đèn báo dầu động cơ hoạt động dựa trên cảm biến áp suất dầu, khi mực dầu bị cạn hơn so với quy định đèn báo này sẽ bật sáng. Khi đèn báo dầu bật sáng thì cần dừng xe lại càng sớm càng tốt và đưa xe vào cửa hàng uy tín để kiểm tra, thay dầu hoặc sữa chữa.
Đèn cảnh báo dầu sẽ bật sang khi lượng dầu còn lại trong xe ít hơn mức cho phép
Nguyên nhân chính làm cho đèn báo dầu động cơ bật sáng là lượng dầu còn lại trong xe ít hơn mức cho phép. Điều này có thể xuất phát từ chất lượng dầu thay vào không đúng với tiêu chuẩn của nhà sản xuất khuyến cáo, dầu kém chất lượng khi xe hoạt động nhiều sẽ nhanh hao dầu hơn. Tắc lọc dầu khiến dầu không bơm lên được, bị rò rỉ ở rốn xả dầu hoặc lúc thay dầu người thợ đổ thiếu (ví dụ dung tích đủ là 1,1L thì lại chỉ đổ có 0,8L) cũng khiến đèn báo dầu bật sáng. Đây là lý giải cho việc đèn báo dầu động cơ bật sáng dù người sử dụng mới thay dầu chưa được bao lâu.
Trong trường hợp này, bạn cần thay dầu đúng chủng loại khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc dầu chất lượng tốt thì đén báo sẽ tắt. Một số trường hợp do hỏng cảm biến hay chạm chập cũng cần được kiểm tra. Cũng cần phân biệt với đèn báo thay dầu (Oil Change) trên các dòng xe Honda Sh. Đây là đèn báo nhắc nhở người dùng thay dầu, nó hoạt động dựa trên số ki-lô-mét đã đi (được cài đặt trước), ví dụ bạn đi được 2.000km đèn sẽ bật sáng để báo là cần phải thay dầu.
Chị em lưu ý dầu máy dành cho xe ga khác với xe số nhé
Cũng cần chú ý là khi thay dầu xong mà đèn vẫn bật sáng thì bạn cần reset lại thì đèn mới tắt. Ví dụ trên các dòng xe Honda Sh nhập khẩu, sau khi thay dầu cần tắt bật chìa khóa điện lên, giữ nút chỉnh giờ trên bảng đồng hồ khoảng 3 giây thì đèn báo dầu sẽ tắt…
+ Đèn cảnh báo lỗi động cơ
Đèn cảnh báo lỗi động cơ sẽ bật sáng khi có lỗi xảy ra trong IC điều khiển, cảm biến hỏng hoặc quá bẩn. Tùy loại xe và lỗi mà đèn báo này sẽ nhấp nháy hoặc sáng liên tục, thông thường khi cảm biến quá bẩn thì đèn sẽ nhấp nháy. Khi đèn báo này bật sáng thì nên dừng xe lại và đưa vào cơ sở uy tín để kiểm tra và khắc phục lỗi. Một số chuyên gia kỹ thuật cho biết khi đèn báo bật sáng mà động cơ vẫn hoạt động bình thường không có tiếng gì khác lạ thì có thể đi được thêm một đoạn nữa để tìm nơi sửa xe chứ không cần phải dừng lại ngay lập tức.
Khi đèn này bật sáng hoặc nhấp nháy, bạn nên đưa xe vào gara uy tín để kiểm tra
Kiểm tra tình trạng bằng cách nối bộ IC với máy tính, các lỗi sẽ được hiện ra trên phần mềm chuyên dụng. Ngoài ra cũng cần xem các dây dẫn tới các cảm biến xem có bị đứt hay chập không, reste lại IC thì sẽ hết báo lỗi động cơ.
+ Đèn báo ngắt động cơ tạm thời
Đèn báo này có hình chữ A có vòng tròn với mũi tên bao quanh, xuất hiện trên các dòng xe đời mới của Honda (Sh, Lead, Air Blade) được trang bị chức năng ngắt động cơ tạm thời. Khi bật chức năng này, động cơ sẽ tạm thời bị ngắt khi xe bạn dừng quá 3 giây (dừng chờ đèn đỏ…) sau đó bạn chỉ cần tăng ga là xe lại hoạt động bình thường mà không cần khởi động lại xe.
Đèn báo hệ thống ngắt động cơ tạm thời (trên) và báo đến kỳ thay dầu
Trong một số trường hợp đèn này cũng sẽ nhấp nháy hoặc bật sáng liên tục trong quá trình di chuyển. Điều này có thể xuất phát từ lỗi trong IC điều khiển hoặc để ga-răng-ty quá lớn cũng làm đèn này sáng. Khắc phục bằng cách reset lại IC và điều chỉnh ga-răng-ty đúng.
+ Đèn báo nước làm mát
Đèn cảnh báo này chỉ có trên các xe được làm mát bằng dung dịch. Tùy thuộc vào từng loại xe mà chỉ có đèn báo hoặc có thêm đồng hồ báo mức nhiệt độ của nước làm mát. Đèn báo này sẽ bật sáng hoặc kim đồng hồ nước làm mát lên gần vạch đỏ (gần chữ H) khi nhiệt độ nước làm mát nóng quá quy định cho phép hoặc thiếu nước làm mát. Lúc này bạn cần dừng xe lại càng sớm càng tốt, để nguội máy và kiểm tra tình trạng nước làm mát.
Khi kim đồng hồ chỉ về gần vạch chữ H thì cần dừng xe và đưa vào gara để kiểm tra ngay
Nếu thiếu nước làm mát cần bổ sung hoặc thay thế khi đã dùng quá thời gian quy định. Một số trường hợp hết nước làm mát do chuột cắn dây dẫn, thủng két nước, quạt gió làm mát hỏng, xe vận hành quá tải khiến động cơ nóng quá mức… Tùy thuộc vào nguyên nhân nào khiến đèn bật sáng mà có cách khắc phục tương ứng.
Khuyến cáo
Người sử dụng xe ga đời mới cần chú ý bảo dưỡng định kỳ để kỹ thuật viên kiểm tra tình trạng các cảm biến, nước làm mát, dầu động cơ, hệ thống điện hay các vấn đề khác của xe từ đó ngăn ngừa các nguy cơ hỏng hóc.
Như đã nói ở trên, khi một trong các đèn thuộc nhóm cảnh báo nguy hiểm bật sáng thì bạn nên dừng xe lại càng sớm càng tốt để kiểm tra và sửa chữa tại nơi uy tín. Một số trường hợp phải làm lại máy khi đèn báo dầu động cơ hoặc nước làm mát bật sáng mà vẫn cố đi khiến hư hỏng pít-tông, xéc-măng, tay biên…
Bài và ảnh: Trần Giáp
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/cac-ky-hieu-tren-dong-ho-xe-may-a66096.html