Hiện nay, Bưu chính đang nổi lên như là ngành hậu cần cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, với mạng lưới rộng khắp cả nước phục vụ mọi ngóc ngách của cuộc sống với rất nhiều cơ hội để phát triển bứt phá và trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, đặc biệt cho TMĐT thông qua con đường chuyển đổi số (CĐS). Các công ty bưu chính truyền thống với thế mạnh là mạng lưới rộng khắp, cơ sở hạ tầng lớn và đội ngũ nhân viên đông đảo đang đồng hành trên thị trường cùng các công ty khởi nghiệp với thế mạnh về công nghệ, sự năng động và tham vọng phát triển nhanh khi sử dụng nền tảng kinh tế chia sẻ để tham gia cung ứng dịch vụ.
Thị trường bưu chính ở Việt Nam đang chứng kiến cái CŨ và MỚI hoạt động đan xen, cạnh tranh với nhau và tương lai sẽ có những cuộc soán ngôi rất ngoạn mục. Các công ty bưu chính với cách thức cung ứng dịch vụ truyền thống, chậm đổi mới đang mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN công nghệ còn non trẻ về kinh nghiệm nhưng sớm ứng dụng nhiều công nghệ, nền tảng vào cung ứng dịch vụ bưu chính.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã hình thành nên những gã khổng lồ về công nghệ, sở hữu các nền tảng xuyên biên giới hiện diện tại nhiều nước trên thế giới. Thị trường Việt Nam đang trở thành đấu trường của các nền tảng số xuyên biên giới với sự có mặt của những gã khổng lồ công nghệ. Để có thể trụ lại trong cuộc chiến này, không có cách nào khác, bưu chính phải chuyển mình thành một mạng lưới cung ứng số (Digital Supply Network), chuyển giao giá trị vật chất của xã hội, sẵn sàng phối hợp để bảo đảm an ninh quốc gia.
Tỷ lệ doanh nghiệp bưu chính phân theo khu vực cung cấp dịch vụ TMĐT
Theo khảo sát của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) năm 2017, 93% bưu chính các nước (116/125 nước tham gia khảo sát) đang cung cấp dịch vụ bưu chính số. Bưu chính có đầy đủ điều kiện thuận lợi để cung cấp các dịch vụ điện tử, TMĐT và tài chính điện tử tới mọi tầng lớp người dân trên toàn cầu.
Cũng theo khảo sát của UPU, 62% các DN bưu chính cho biết các chính sách của Chính phủ như chính phủ điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và chính sách lĩnh vực số đã giao cho ngành bưu chính cung cấp dịch vụ điện tử. Bên cạnh đó, trong năm 2018, Hội nghị Chiến lược cấp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực bưu chính tại Addis Ababa đã khẳng định vai trò ngày càng lớn của bưu chính trong Chương trình Phát triển bền vững 2030 nhằm hỗ trợ các DN và người dân trong lĩnh vực số hóa, kết nối, giải pháp tài chính toàn diện và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quốc gia.
Tỷ lệ DN bưu chính phân theo khu vực cung cấp dịch vụ bưu chính điện tử và CPĐT
Theo công bố chính thức của UPU trong Lễ kỷ niệm Ngày Bưu chính Thế giới được tổ chức trực tuyến ngày 8/10/2021 và đăng tải trên website chính thức của UPU (www.upu.int/uputv), năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020) trong Bảng xếp hạng 2IPD [3]; là một trong 04 nước khu vực ASEAN lọt vào top 50 các quốc gia trên thế giới.
Với mạng lưới trên 21.600 điểm phục vụ đến tận cấp xã trải dài từ Mèo Vạc tới Cà Mau cùng lực lượng gần 600 DN, ngành Bưu chính giờ đây không còn là gánh nặng phải duy trì mà đã là tài sản to lớn, là lợi thế không phải lĩnh vực nào cũng có được để thích nghi, nắm bắt các cơ hội mới. Gần 100.000 lao động bưu chính đang ngày đêm vận hành khai thác để nhu cầu chuyển phát khối lượng đồ sộ hàng TMĐT với chất lượng ngày càng cao, bảo đảm dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu trong kỷ nguyên số cũng như bảo đảm cung cấp các dịch vụ bưu chính phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước an toàn, an ninh, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.
Thế giới càng “ảo” bao nhiêu thì nhu cầu tiếp xúc ngoài đời càng hạn chế bấy nhiêu. Khi đó, gần 100.000 lao động bưu chính sẽ là "sứ giả" mang niềm tin đến cho 26 triệu hộ gia đình trên cả nước thông qua những "thông điệp" về chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như sự đa dạng, phong phú của các dịch vụ mới trên nền tảng số đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, khi các thiết bị thông minh được phổ cập thì hạ tầng bưu chính (cùng với hạ tầng viễn thông và hạ tầng thanh toán điện tử) sẽ là cầu nối để hỗ trợ hoạt động TMĐT phát triển trên cơ sở nền tảng địa chỉ số Việt Nam để mở rộng thị trường bưu chính, trong đó chú trọng đẩy mạnh TMĐT ở địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/nganh-buu-chinh-cua-nuoc-ta-hien-nay-a65369.html