Trong buổi lễ tốt nghiệp mới đây, bà DeFauw (90 tuổi) trở thành sinh viên tốt nghiệp cao tuổi nhất của ĐH Northern Illinois (bang Illinois, Mỹ). Được biết bà DeFauw là sinh viên của ĐH Northern Illinois vào năm 1951. Học được hơn 3 năm thì bà kết hôn và sinh con nên việc học bị dở dang kể từ năm 1955.
Bà DeFauw được bảo lưu kết quả học tập trong suốt 68 năm
Vào năm 2019, được sự động viên của con cháu, bà DeFauw quay trở lại ĐH Northern Illinois, với tấm thẻ sinh viên in màu đen trắng năm xưa để tiếp tục việc học bị dở dang cách đây 68 năm trước. Bà tìm được hồ sơ và bảng điểm cũ nộp vào trường và nhà trường xác định bà chỉ cần học thêm 10 môn (tức 30 tín chỉ) để hoàn thành chương trình cử nhân.
Theo tiến sĩ Phan Hồng Đức, giảng viên ĐH RMIT Melbourne, Úc, việc “lifelong learning” (học tập suốt đời) ở các nước phát triển rất được khuyến khích và hệ thống giáo dục của các quốc gia này tạo mọi điều kiện để người học có thể quay lại trường ĐH bất cứ lúc nào.
Tiến sĩ Đức cho hay: “Tại Úc, mọi người được khuyến khích đi học không phân biệt độ tuổi. Rất nhiều người dân Úc, sau một khoảng thời gian dài gián đoạn việc học, thất nghiệp, nếu chọn đi học lại, sẽ được chính phủ trợ cấp trong suốt thời gian học. Họ cũng không bị giới hạn về thời gian quay trở lại trường. Bất kỳ lúc nào họ muốn học thì đều có thể liên hệ với bộ phận tuyển sinh của các trường để được tư vấn”.
Qua chia sẻ từ tiến sĩ Đức, người dân Úc (thường trú nhân hoặc công dân Úc) sẽ được trợ cấp của chính phủ để học lên cao hơn, trợ cấp này xem như thay thế thu nhập mà họ có thể kiếm được khi đi làm.
“Đồng thời ở Úc, không có kỳ thi tuyển sinh, mà dựa vào xét tuyển ATAR. Những người lớn tuổi không có ATAR vì không học theo chương trình của Úc thì tùy trường xét duyệt hồ sơ. Người lớn tuổi muốn đi học sẽ không gặp phải bất cứ rào cản nào, chỉ là họ có đủ quyết tâm không thôi”.
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận tinh thần học tập suốt đời của người Việt hiện đang bị vướng nhiều vấn đề do chưa được tạo điều kiện tối đa và chưa có cơ chế bảo lưu tốt nhất. Cụ thể, quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép thời gian tối đa để hoàn thành khóa học là không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa. Ví dụ nếu chương trình ĐH là 4 năm thì người học có thể bảo lưu kết quả trong 8 năm.
Cụ Nguyễn Văn Tấn 72 tuổi thi đậu vào chương trình cử nhân trực tuyến Trường ĐH Mở TP.HCM năm 2021
h.a
Đối với người tốt nghiệp trình độ đào tạo khác muốn liên thông hoặc học văn bằng 2 thì thời gian bảo lưu chỉ tối đa trong vòng 5 năm.
“Việc khống chế về thời gian khiến cho người học phải thi tuyển sinh đầu vào như một thí sinh, nếu như quay lại trễ. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể điều chỉnh được, chỉ cần Bộ tạo ra một cơ chế mở để các trường có thể linh hoạt xây dựng quy chế cho phù hợp. Ví dụ các em đang học nhưng muốn tạm dừng để đi làm, hoặc phải dừng do điều kiện hoàn cảnh riêng, thì cho các em quay lại học mà không cần phải thi đầu vào và sẽ cho chuyển đổi kết quả học tập trước đó nếu như kết quả này còn phù hợp. Người học chỉ cần tiếp tục tích lũy thêm để hoàn thành chương trình”, tiến sĩ Thanh nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Miền Đông, cho rằng có thể Bộ GD-ĐT lo ngại người học dừng lâu quá sẽ không đáp ứng được yêu cầu đầu vào, lúc đó sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập, nên quy định thời gian như vậy và yêu cầu phải thi đầu vào nếu nghỉ quá lâu.
“Theo tôi, bất cứ bậc học nào, tuổi tác không phải là tiêu chí, nên khuyến khích những người ham học có tinh thần học tập suốt đời. Người lớn tuổi đi học ĐH cũng sẽ là tấm gương truyền cảm hứng và tinh thần học tập suốt đời cho thế hệ trẻ”, tiến sĩ Trọng cho hay.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, nêu nguyên nhân: “Ở các nước phát triển, nền giáo dục của họ có tính hệ thống, ổn định và hầu như không có sự thay đổi nào, nên việc học tập suốt đời của họ cũng rất dễ dàng. Nhưng ở ta, tuyển sinh cứ vài năm lại thay đổi một lần, còn chuẩn đầu ra thì mỗi trường lại xây dựng theo một chuẩn riêng. Mọi thứ không có tính hệ thống và ổn định, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập suốt đời của người dân”.
Tiến sĩ Thanh cho rằng hiện nay học tập suốt đời là xu hướng của thế giới, các nước hầu hết quan tâm tới đầu ra chứ không làm khó người học ở đầu vào. Việt Nam lại đang gần như ngược lại, tổ chức thi cử, xét tuyển gắt gao, chú trọng đầu vào, chưa phù hợp với thực tiễn và xu hướng thế giới.
Ở các nước trên thế giới như Mỹ và Anh, việc sinh viên đã ngừng học giữa chừng nhưng muốn trở lại trường cũ hoặc sang trường mới để hoàn thành chương trình cử nhân sẽ được tạo điều kiện tối đa.
Mỗi trường có chính sách riêng, nhưng đa số khuyên sinh viên liên hệ với phòng công tác sinh viên để được hỗ trợ và tư vấn về việc chuyển đổi tín chỉ học tập, theo trang về giáo dục Degree Planet.
Như vậy, sinh viên muốn quay lại trường cũ thường không cần phải bắt đầu lại từ đầu mà chỉ cần hoàn tất những tín chỉ còn lại theo yêu cầu của chương trình. Nếu chuyển sang trường mới, sinh viên cần nộp bảng chứng nhận tín chỉ những học phần đã học tại trường cũ để được xem xét chuyển đổi.
Thậm chí, có những trường áp dụng cả chính sách tính “tín chỉ kinh nghiệm làm việc trong thực tế” để giúp sinh viên chuyển đổi tín chỉ.
Trong một trường hợp cụ thể, bà Joyce DeFauw hôm 11.12 nhận bằng tốt nghiệp đại học ngành nghiên cứu tổng hợp tại ĐH Northern Illinois (Mỹ) ở tuổi 90 sau 68 năm gián đoạn.
Phúc Duy
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/dai-hoc-bao-nhieu-tuoi-a60861.html