Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Diệu Linh (SN 1996, quê Sầm Sơn, Thanh Hóa) tiếp tục theo học thạc sĩ ngành tài chính tại Đại học Tài chính Kinh tế Trung Ương ở thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc).
Với Linh, đó là những tháng ngày... không thể quên.
"Lần đầu tôi đặt chân tới Trung Quốc vào tháng 9/2019, một năm học tiếng sau khi nhận được học bổng. Vừa tới chưa được mấy tháng, đại dịch Covid-19 bùng phát nên tôi bị mắc kẹt và phải ở lại. Trước tình hình này, tôi quyết định xin học bổng thạc sĩ, đến tháng 6/2022 sự nghiệp học hành kết thúc", Linh nhớ lại.
Nếu như tại một số quốc gia, sau khi du học sinh tốt nghiệp sẽ có một khoảng thời gian ở lại tìm việc, thì ở Trung Quốc có sự khác biệt.
Linh tốt nghiệp tháng 6 thì cuối tháng 7 đã hết hạn visa. Bởi vậy, muốn ở lại Bắc Kinh làm việc, cô gái Việt Nam phải tìm việc trước khi tốt nghiệp. Nhờ lên kế hoạch ngay từ đầu và chủ động mọi việc nên cô gái Việt Nam đã tìm được công việc ưng ý.
Du học sinh tại Trung Quốc không thể đi làm thêm nhưng được phép đi thực tập dưới hình thức đổi visa từ du học sang visa du học - thực tập. Vì thế ngay từ năm thứ nhất thạc sĩ Linh đã chủ động xin phỏng vấn online (trực tuyến) ở nhiều công ty để tích lũy kinh nghiệm.
Năm nhất kết thúc, ngay khi lệnh phong tỏa tại Bắc Kinh được nới lỏng, cô được nhận làm thực tập. Quãng thời gian vừa học, vừa đi thực tập khá vất vả vì ban ngày Linh tới công sở làm việc, đêm về lại lọ mọ ngồi viết luận văn.
"Rất may tôi tốt nghiệp đúng thời gian quy định và vừa kịp được nhận làm nhân viên chính thức tại công ty đã thực tập trước khi visa hết hạn", Linh nhớ lại.
Có cơ hội làm việc tại Bắc Kinh mang lại cho cô gái Việt Nam rất nhiều kiến thức và trải nghiệm.
Tại đây, cô được tận mắt chứng kiến mô hình làm việc 996 (9h sáng làm tới 9h tối, làm 6 ngày liên tục trong một tuần). Mô hình này được coi là chế độ làm việc vắt kiệt sức người lao động, nhưng rất hay bắt gặp tại các công ty trong lĩnh vực công nghệ ở "quốc gia tỷ dân".
Đến nay, luật pháp Trung Quốc chưa thể quy kết mô hình 996 là bóc lột sức lao động bởi nó nằm trong "thỏa thuận mở rộng" giữa chủ sử dụng lao động và người làm. Cụ thể, người lao động có thể làm tăng ca tới 21h với mức lương cao hơn hoặc ra về lúc 17h cùng thu nhập cơ bản. Bên cạnh đó, nếu công ty cơ cấu lại nhân sự thì những cá nhân làm việc chăm chỉ sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến.
Vào tháng 3/2022, chính phủ Trung Quốc đưa ra sáng kiến nhằm hạn chế văn hóa 996. Trong đó, Bộ An sinh Xã hội vào cuộc để kiểm tra việc tuân thủ luật lao động.
Linh nhận thấy, hiện mô hình này đang có xu hướng giảm nhẹ khi các công ty bắt đầu thực hiện chế độ nghỉ 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên vẫn còn nhiều công ty công nghệ tại quốc gia này vẫn áp dụng 996.
"Sau một thời gian đi làm, công ty tôi cũng áp dụng chế độ được nghỉ 2 ngày cuối tuần so với thời gian ban đầu nên mọi thứ dễ thở hơn. Tuy vậy, thời gian đi làm và ở công ty chiếm từ 13 đến 15 tiếng mỗi ngày nên tôi không có nhiều thời gian cho bản thân", cô gái Việt chia sẻ.
Dù làm việc trong môi trường công sở nhiều áp lực nhưng bản thân Linh nhận thấy đây là quãng thời gian giúp mình trưởng thành, tự lập hơn. Cô được học hỏi những phong cách làm việc từ nước khác, qua đó chọn lọc và áp dụng phù hợp với bản thân.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi 16 đến 24 thuộc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang ở mức 14,9% vào tháng 12/2023. Tới tháng 2/2024, giữa bối cảnh thị trường làm việc ảm đạm, tỷ lệ thanh niên không tìm được việc làm đã lên tới 15,3%.
Tuy nhiên, con số kỷ lục 11,79 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp trong năm 2024 dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn tìm kiếm công việc tại "quốc gia tỷ dân".
Giữa bối cảnh này, với kinh nghiệm vài năm làm việc tại Trung Quốc và tham gia tuyển dụng không ít ứng viên, cô gái Việt phát hiện ra nhiều "quy tắc ngầm" trong quá trình tuyển dụng tại nước này.
Linh cho biết, trước tình trạng thất nghiệp đang ở mức rất cao, nhiều công ty lựa chọn chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp thuộc các trường ở 211 (dự án về các trường Đại học và Cao đẳng tổng hợp trình độ cao do Bộ Giáo dục Trung Quốc khởi xướng vào năm 1995) hoặc 985 (39 trường Đại học thuộc dự án 985 do Quốc Vụ viện Trung Quốc đề ra vào năm 1998 để xây dựng những trường mang đẳng cấp thế giới), học vị thạc sĩ trở nên hoặc du học sinh từ nước ngoài trở về.
Dưới áp lực tìm việc rất lớn, nhiều bạn trẻ Trung Quốc buộc phải nâng cao trình độ học vấn bằng cách thi tuyển lên cao học. Kỳ thi cao học tại nước này được đánh giá cũng là kỳ thi khó nhằn với áp lực cạnh tranh cực lớn không kém gì kỳ thi cao khảo (thi Đại học).
Ngoài ra, nhiều công ty có "nguyên tắc ngầm" không tuyển dụng lao động nữ đã kết hôn nhưng chưa sinh con. Các công ty Trung Quốc rất coi trọng trạng thái hôn nhân của ứng viên. Họ thường từ chối ngay ứng viên nữ đã kết hôn nhưng chưa sinh con vì lo ngại các lao động nữ sau khi nhận việc sẽ mang thai và hưởng chế độ thai sản.
"Trong quá trình lao động nữ mang thai, sinh con và cho con bú, các công ty không được phép sa thải", Linh tiết lộ.
Bên cạnh đó, nhiều công ty lựa chọn sa thải lao động ở độ tuổi 35, thường áp dụng với lao động nam. "Quy tắc ngầm" này không phải vì tình hình kinh doanh của công ty sút kém, mà do họ muốn tuyển dụng đội ngũ nhân viên trẻ tuổi có sức cày tốt nhưng chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều so với lực lượng lao động có thâm niên.
Mặc dù làm việc trong môi trường áp lực cao, Linh nhận thấy các công ty sẽ có những chế độ đãi ngộ tương đối tốt với nhân viên. Ví dụ, làm việc tại công ty và nhân viên được sử dụng phòng tập thể hình, bể bơi miễn phí, uống trà chiều, nhận quà vào dịp lễ Tết.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/viec-lam-tai-trung-quoc-a60747.html