Cúc vạn thọ (hoa vạn thọ) là loài hoa có xuất xứ từ Mexico, dạng thân thảo, mọc thẳng, thường phân thành nhiều nhánh để tạo ra những bụi có cành trải dài. Hoa cúc vạn thọ mọc đơn lẻ trên đỉnh ngọn và thường có 2 màu là vàng hoặc cam. Lá có dạng lá kép lông chim, mép hình răng cưa, thường mọc xen kẽ, đối xứng nhau.
Hoa cúc vạn thọ là biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu và bất diệt. Loài hoa này được trưng nhiều ở các công viên, cổng chào, vỉa hè để trang trí, nhất là vào dịp Tết. Nó còn ẩn chứa ý nghĩa mong ước về sự bình an, tấm lòng hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, ông bà. Những đoá cúc vạn thọ nở rộ tựa như ánh mặt trời ấm áp, thể hiện khao khát về một cuộc sống giàu sang, sung túc.
Tuy nhiên, có một thực tế khiến nhiều người thắc mắc: Cúc vạn thọ hoa đẹp, cái tên mang ý nghĩa tốt lành như vậy nhưng lại không được đặt lên bàn thờ để thắp hương.
Được dùng trưng Tết, trang trí làm đẹp cảnh quan ở cả nhà riêng và không gian công cộng nhưng cúc vạn thọ không được dùng làm hoa cúng vì một số lý do.
Hoa cúng dâng lên bàn thờ thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên, thần linh nên không chỉ phải đẹp, tên hay, ý nghĩa mà còn phải có hương thơm thanh khiết.
Trong khi đó, hoa cúc vạn thọ tuy đẹp nhưng lại có mùi hăng nồng, nếu đặt trong phòng sẽ thành mùi khó chịu. Do mùi đặc trưng này, cúc vạn thọ được cho là không phù hợp để thờ cúng. Nó thường chỉ được trưng bày ở hiên nhà, công viên, cổng chào - những nơi thoáng mát - để khoe sắc vàng rực rỡ.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng cúc vạn thọ là loài hoa gắn liền với các đám tang, xuất phát từ thực tế nó hay được sử dụng làm vòng hoa viếng hay trồng bên mộ. Vì thế, với họ, nó gợi liên tưởng đến đám hiếu, ma chay, sự mất mát. Đây có thể là lý do người ta kiêng đặt nó lên ban thờ.
Một số người cho rằng ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu của hai chữ "vạn thọ" cũng có thể dành cho người đã khuất nên nếu làm lễ vật dâng cúng sẽ không đem lại may mắn. Đó cũng là lý do tại sao cúc vạn thọ đẹp, tên ý nghĩa nhưng không được đặt lên bàn thờ.
Một số loài hoa đẹp thường bị kiêng để trên ban thờ
Những loại hoa sau tuy rất đẹp nhưng dân gian thường không dùng làm lễ vật dâng lên bàn thờ gia tiên, thần linh, xuất phát từ sự suy diễn ý nghĩa của cái tên, hoặc cho là đặc điểm của hoa không phù hợp:
Hoa dâm bụt: Có màu đỏ, hình dáng bông hoa rất đẹp nhưng thường mọc ở bụi bờ, được cho là không không mang tới may mắn; cái tên cũng bị cho là không thanh khiết. Do đó nó không được dùng để thờ cúng.
Hoa nhài: Không chỉ có mùi hương tuyệt vời, hoa nhài còn có màu trắng muốt tinh khiết. Tuy nhiên, dân gian lại cho rằng loài hoa này tượng trưng cho sự không đứng đắn, hay gặp nghịch cảnh.
Hoa phù dung: Đây là loài hoa có nhan sắc nổi bật nhưng mau tàn nên không được dùng trong việc thờ cúng tổ tiên và đặt lên ban thờ để tránh sự rủi ro.
Hoa phong lan: Chữ "phong" bị liên tưởng đến sự "phong tình, phóng túng" nên loài hoa này cũng không được nhiều người lựa chọn để dâng cúng.
Hoa ly: Nhiều người cho rằng cái tên này kém may mắn, gợi sự chia ly, ly tán.
Thật ra, sự kiêng kỵ này không cắt nguồn từ cơ sở khoa học nào mà thường bắt nguồn từ sự suy diễn của dân gian, và không phải người nào, địa phương nào cũng kiêng như vậy.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/hoa-cuc-van-tho-a56735.html