Tuy nhiên, mỗi người có một cách “đọc” riêng. Trên tinh thần đó, cùng với những phát hiện trong thời gian gần đây, bài viết này muốn nói về một biểu tượng trên trống, đó là hình ngôi sao cùng với cái được gọi là họa tiết hình lông công được trang trí xen giữa các cánh sao.
Trong ấn phẩm Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở VN xuất bản năm 1975 của Viện Bảo tàng lịch sử VN, hai tác giả Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh trong khảo tả về trống Ngọc Lũ đã gọi hình ở giữa mặt trống là ngôi sao. Còn họa tiết xen giữa các cánh sao hai tác giả đã khảo tả: “Chính giữa trống là hình ngôi sao 14 cánh. Xen giữa cánh sao là những họa tiết hình tam giác, thể hiện bằng hai đường thẳng bọc lấy một hàng chấm nhỏ giống như hình lông công. So sánh họa tiết này với hình trang trí xen giữa các cánh sao trên mặt trống Hữu Chung và nhiều trống khác, chúng tôi nhận thấy rất giống với hình lông công và gọi đó là họa tiết hình lông công” (ảnh 1).
Tư Liệu từ ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam
Hai nhà nghiên cứu còn chú thích thêm: H.Parmentier cho rằng hình này giống 2 con cá (H.Parmentier. Anciens tam-bours de bronze. BEFEO T.XVIII. Hà Nội 1918, P.5). Ông Đào Duy Anh còn cho đó là mặt nguyệt lông công (Đào Duy Anh. Văn hóa đồ đồng. Tr.33). Thế là, bắt đầu từ đây, ngôi sao và họa tiết lông công này được hai tác giả áp dụng trong khảo tả cho tất cả các trống, và hai tác giả dựa vào cách phân loại của F.Heger đã phân thành 3 nhóm trống chính là A, B, C, trong 3 nhóm này lại có các tiểu nhóm.
Tiếp đến là ấn phẩm Trống Đông Sơn của Viện Khảo cổ học, xuất bản 1987. Các tác giả là Phạm Minh Huyền - Nguyễn Văn Huyên - Trịnh Sinh, trong khảo tả về trống vẫn áp dụng cách gọi là ngôi sao và họa tiết lông công như đã nêu ở trên. Các tác giả cũng dựa vào cách phân loại của F.Heger nhưng lại phân thành 5 nhóm trống chính là A, B, C, D, Đ, trong đó cũng có các tiểu nhóm.
Đặc biệt, ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam của Viện Khảo cổ học hợp tác với Nhật xuất bản năm 1990. Tác giả là GS Phạm Huy Thông (chủ biên) không còn gọi là ngôi sao nữa mà ông khẳng định đó là mặt trời, còn họa tiết lông công cũng không được ông nhắc đến, mà chỉ gọi là hai kiểu họa tiết tam giác phủ gạch chéo và chữ V lồng. Trong ấn phẩm này, các tiêu bản được đem ra phân tích nghiên cứu với số lượng là 115 trống. Tác giả cũng phân loại thành 5 nhóm trống từ sớm đến muộn là A, B, C, D, Đ, trong đó cũng có các tiểu nhóm.
Nhận thấy hình tượng ngôi sao cùng với họa tiết lông công nêu trên có những biến chuyển theo thời gian, đã lộ dần từ ngôi sao thành hình mặt trời và từ lông công thành các cánh hoa.
Từ hình ảnh thực tế ở các trống, chúng được gọi là ngôi sao. Tuy nhiên, ở các trống thuộc nhóm muộn là D, Đ, đã không còn cho thấy là ngôi sao nữa mà là mặt trời, bởi nó được thể hiện thật rõ ràng với một hình tròn to có các tia bao quanh. Thực ra thì ngay ở nhóm trống A, B, C, một số trống đã cho thấy là hình mặt trời nhưng do được thể hiện thiên về các tia rất dài và mạnh mẽ nên có phần áp đảo hình tròn trung tâm.
Tôi xin thống kê các trống được thể hiện mặt trời từ khá rõ đến rõ trong ấn phẩm Dong Son drums in Viet Nam như sau:
Nhóm A: Có 8 trống (trong số 22 trống), là Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Miếu Môn, Pha Long, Bản Thôm, Phú Xuyên, Đồi Ro, Sơn Tây. Thể hiện khá rõ là hình mặt trời.
Nhóm B: Có 2 trống (trong số 52 trống), là Xuân Lập II, An Lão. Thể hiện mặt trời khá rõ.
Nhóm C: Có 3 trống (trong số 24 trống), là Đông Hiếu, Đông Hòa I, Thôn Mống.
Nhóm D: Có 1 trống (trong số 4 trống), là Tùng Lâm. Thể hiện mặt trời vô cùng rõ.
Nhóm Đ: Có 8 trống (trong số 13 trống), là Làng Vạc, Na Dương, Hà Giang, Hích, Đá Đỏ II, Mèo Vạc I, Mèo Vạc II, Mèo Vạc III. Thể hiện mặt trời rất rõ.
Về cái được gọi là họa tiết lông công, qua xem xét cho thấy đúng là có phần giống với lông công nhưng khác ở chỗ là hình chấm đó được bổ đôi (H.Parmentier cho là giống 2 con cá), trong khi ở lông công lại có hình gần như trái táo và hơn nữa hình trái táo đó còn nằm trong hình giống như chiếc lá khá to rồi mới đến các lông nhỏ như các tia. Tuy nhiên, ngay ở trống nhóm A cũng cho thấy có sự biến chuyển khá giống với cánh hoa, rồi càng ngày càng rõ nét ở các nhóm trống sau.
Nhóm A: Có 1 trống: Hoàng Hạ, họa tiết chuyển biến khá giống với cánh hoa.
Nhóm B: Có các trống: Định Công I, Đông Sơn IV, Vĩnh Ninh, Đá Đỏ, Hà Nội I.
Nhóm C: Các trống: Hữu Chung, Đông Hiếu, Nông Cống, Chợ Bờ, Phú Phương I, Phú Phương II, Yên Bồng I, Yên Bồng II, Đa Bút, Quế Tân, Lạc Long, Hàng Bún, Thanh Hóa. Trong các trống này thì tiêu biểu là trống Yên Bồng II, Lạc Long, Thanh Hóa. Phải nói là rất hiện thực về cánh hoa. Đặc biệt là trống Thanh Hóa, còn xen kẽ là một cành lá (ảnh 2).
Nhóm Đ: Có các trống: Làng Vặc, Mông Sơn, Na Dương, Hà Giang I, Hích, Đá Đỏ II. Điều thú vị là các cánh hoa còn được thể hiện rõ ba lớp (ảnh 3). Còn trống Na Dương thì ngoài giống mặt trời ra, còn cho thấy rõ là một hoa và trông như nó đang được núp sau mặt trời (ảnh 4).
Nếu những phân tích về hai loại hình nêu trên là đúng, thì đây là một cách thể hiện về sự liên quan mật thiết giữa hoa cúc và mặt trời không thể tách rời. Rất tiếc là ngay cả Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới tuy cho biết hoa cúc là biểu tượng của mặt trời rất được phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Nhật, VN, nhưng cũng không biết hiện tượng này có từ bao giờ. Tuy nhiên, với lối thể hiện vừa là mặt trời vừa là hoa cúc ở đây dù không có gì lạ bởi mô típ này xuất hiện rất phổ biến ở các triều đại quân chủ như Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn, nhưng đây sẽ là niên đại được biết sớm nhất ở VN đồng thời cũng là biểu tượng quyền lực của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc để rồi các triều đại quân chủ về sau kế thừa.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/hinh-trong-dong-a52636.html