Nghề dịch vụ được ví như “Làm dâu trăm họ” và nhân viên phục vụ bàn cũng không phải là ngoại lệ. Làm sao để “sinh tồn” được trong môi trường đó không phải là điều ứng viên nào mới vào nghề cũng biết. Hãy đón đọc 5 “bí quyết sinh tồn” khi làm nghề phục vụ bàn mà Hoteljob.vn chia sẻ sau đây.
Là một nhân viên phục vụ bàn nhà hàng, bạn cần phải di chuyển rất nhiều để phục vụ khách. Do đó, nếu không chọn đôi giày thích hợp thì sau mỗi ca làm việc, bạn sẽ cảm thấy chân mình vô cùng nhức mỏi. Lời khuyên cho bạn là nên chọn những đôi giày có đế mềm hoặc sandal để dễ di chuyển nhanh và đỡ đau chân hơn. Nếu chọn mang giày thể thao dạng như sneaker thì bạn nên chọn những đôi giày lớn 1 cỡ chân 1 size để bàn chân không bị bó chặt, vẫn tạo được cảm giác thoải mái khi bạn di chuyển nhiều.
Lúc mới vào nghề, có khả năng bạn sẽ bị những “ma cũ” sai vặt khá nhiều, đôi lúc sẽ có cảm giác như bị “đè đầu cưỡi cổ”, bị chèn ép, tủi thân. Để nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc và đối phó với tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”, bạn cần chủ động trò chuyện nhiều hơn với người hướng dẫn mình, các anh chị đồng nghiệp đã vào làm trước. Bạn đừng tự làm mọi việc theo ý mình, thay vào đó hãy hỏi thật kỹ trước để tránh sai sót, thể hiện mình là người ham học hỏi, cầu thị và nhiệt tình.
Tìm hiểu thêm: Waiter Là Gì? Waitress Là Gì? 6 câu hỏi phỏng vấn Waiter/ Waitress bằng tiếng Anh thường gặp ứng viên cần biết
Nếu xác định chọn nghề phục vụ, bạn phải chấp nhận thời gian của mình bị xáo trộn khá nhiều. Có hôm làm ca ngày, bữa làm ca đêm, chuyện làm thêm giờ và chưa kể vào những dịp lễ tết nếu khách đông thì rất có khả năng bạn sẽ không được nghỉ. Đó là tính chất công việc đặc thù của nghề phục vụ. Để thích ứng với điều đó, bạn phải thật sự xem nhà hàng bạn làm việc là ngôi nhà thứ hai của mình - đó là nơi đem lại niềm vui, giúp bạn hỏi thêm nhiều điều bổ ích, mới lạ chứ không phải là nơi bạn đem trao đổi sức lao động chân tay để nhận tiền. Bên cạnh đó, để thời gian mỗi ngày không trôi qua một cách vô nghĩa, đi làm - về ăn - rồi ngủ, bạn cần phải lập thời gian biểu hàng tuần căn cứ vào ca làm việc, lên kế hoạch sẽ làm những gì vào thời gian rỗi. Nếu không tập thích nghi được với điều này thì bạn không thể theo được nghề phục vụ nhà hàng.
Khi mới “chân ướt chân ráo” vào nghề phục vụ, gặp quản lý nhà hàng khó tính hay tiếp xúc với nhiều khách hàng khó ưa, nhiều lúc có thể sẽ khiến bạn dễ nổi nóng. Nhưng điều bạn cần nhớ là muốn theo được nghề này, bạn cần phải luyện tập cho mình tính kiên nhẫn, biết tiết chế những thái độ, cảm xúc tiêu cực. Để làm được điều này, trong mọi tình huống xảy ra, khi đưa ra quyết định phải đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, hành động thực hiện phải bảo vệ được uy tín, hình ảnh của nhà hàng. Thêm vào đó, lối suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực nhất sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Ví dụ, khi di chuyển bê chồng đĩa thức ăn của khách vào rửa, bạn vô tình làm rơi bể 1 chiếc dĩa, đừng nghĩ về giá tiền phải đền bù mà hãy nghĩ may rằng cả chồng đĩa không bị bể hết.
Trong quá trình phục vụ khách trong nhà hàng, đôi khi bạn sẽ gặp phải những thực khách khó tính: khách chê món ăn mặn - nhạt, quá nguội… không đúng yêu cầu. Trong khả năng phục vụ của nhà hàng, bạn cần phải đáp ứng những yêu cầu nhanh nhất cho khách hoặc đưa ra những lời giải thích hợp tình hợp lý để khách thông cảm. Trong những tình huống này, nếu chưa quen việc hay không có nhiều kinh nghiệm xử lý bạn sẽ cảm thấy vô cùng bối rối. Nếu cảm thấy không xử lý được, hãy yêu cầu sự giúp đỡ từ quản lý cấp trên. Chính việc trò chuyện nhiều, kết thân với các anh chị đã làm việc lâu trong nhà hàng, bạn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu để xử lý tốt các trường hợp khách hàng khó tính.
Xem thêm: 4 tình huống phục vụ bàn trong nhà hàng thường gặp nhất và hướng xử lý cho bạn
Ms.Smile
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/kinh-nghiem-lam-boi-ban-a42734.html