Dấu hiệu ung thư vòm họng dễ nhận biết, không nên bỏ qua

Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn sớm thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý mũi xoang khác dẫn đến phát hiện bệnh trễ, điều trị khó khăn.

dấu hiệu ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là gì?

Trước khi tìm hiểu về ung thư vòm họng, chúng ta cần sơ lược qua về giải phẫu của vòm họng.

Họng (hay còn được gọi là hầu) là cấu trúc hình ống bên trong vùng đầu cổ, bắt đầu từ phía sau mũi và kết thúc ở thanh quản. Thức ăn sẽ đi từ miệng qua đường ống này vào dạ dày. Không khí cũng đi từ mũi - miệng qua đường này để đi vào phổi. Để thức ăn không đi vào phổi, một cấu trúc tên gọi là nắp thanh môn sẽ đóng tạm đường thở lại khi chúng ta nhai, nuốt thức ăn.

Họng (hầu) được chia làm 3 phần (mô tả như hình phía dưới) :

Vòm họng nằm phía sau mũi, miệng họng nằm phía dưới vòm họng. Hạ họng nằm phía dưới miệng họng và phía sau vùng thanh quản (vùng thanh quản là nơi chứa dây thanh giúp phát âm, là đường luân chuyển của không khí từ ngoài vào phổi và ngược lại).

trị trí vòm họng dấu hiệu ung thư
Cấu trúc giải phẫu họng - miệng

Ung thư vòm họng là loại ung thư nằm ở vị trí giải phẫu kể trên. Loại ung thư này đặc biệt phổ biến ở các nước châu Á, chiếm 85% tổng số ca mắc mới trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư vòm họng nằm trong số 9 ung thư thường gặp nhất ở cả hai giới, với 6040 ca mắc mới vào năm 2020, và 3076 ca tử vong, đứng hàng thứ 7 trong các nguyên nhân tử vong do ung thư (theo Globocan). Nam giới mắc bệnh nhiều gấp 3 lần nữ giới.

Các loại tế bào thường gặp nhất trong ung thư vòm họng là ung thư biểu mô không sừng hóa (biệt hóa hoặc không biệt hóa), ung thư biểu mô tế bào gai sừng hoá, ung thư biểu mô tế bào gai dạng đáy. Trong đó, ung thư biểu mô không sừng hóa - không biệt hóa là loại thường gặp nhất.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng

Hút thuốc lá, dùng nhiều thức uống có cồn, sử dụng quá mức thực phẩm tẩm ướp nhiều muối (cá khô, mắm, dưa muối…).

Ở châu Á và châu Phi, ghi nhận có sự liên quan giữa các yếu tố nhiễm HPV (Human Papilloma Virus) và EBV (Epstein Barr Virus) kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác trên các bệnh nhân ung thư vòm họng. (1)

Ở Hoa kỳ, tỷ lệ nhiễm HPV và EPV trên các bệnh nhân ung thư vòm họng thường ít gặp hơn, có thể do việc chủ động tiêm ngừa HPV được thực hiện sớm và nhiều hơn.

Dấu hiệu ung thư vòm họng dễ nhận biết

Ung thư vòm họng có diễn tiến thầm lặng, triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý mũi xoang khác (như viêm xoang, viêm mũi, vẹo vách ngăn mũi…). Triệu chứng ung thư vòm họng chỉ thường xuất hiện khi bướu đã xâm lấn cấu trúc xung quanh hoặc chèn ép, di căn đến các cơ quan khác.

Bệnh nhân thường đến bệnh viện do một trong ba bệnh cảnh sau: (2)

Hạch cổ

Hạch cổ có thể do nguyên nhân lành tính (viêm mũi họng, nhiễm siêu vi đường hô hấp…), nhưng cũng có thể do bệnh lý ác tính di căn hạch. Nếu các hạch cổ xuất hiện trong một thời gian và tự biến mất, thường là hạch lành tính. Hạch do ung thư sẽ không biến mất, ngược lại nó sẽ lớn dần theo thời gian.

Các triệu chứng do bướu gây ra

Khi bướu gây chèn ép vùng vòm họng và các cấu trúc xung quanh, có thể gây ra các triệu chứng tương ứng như: nghẹt mũi, chảy máu hoặc dịch mũi, đau tai, ù tai, giảm thính lực, nhìn đôi, nhìn mờ, đau đầu… (3)

Các triệu chứng toàn thân

Sụt cân, xanh xao, mệt mỏi, ăn uống kém…

Nếu các triệu chứng này kéo dài, không cải thiện với các phương pháp điều trị nội khoa thông thường, cần nghĩ đến việc loại trừ bệnh lý ung thư vùng vòm họng; người bệnh nên tới bệnh viện kiểm tra sớm với bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc bác sĩ tai mũi họng. (4)

triệu chứng ung thư vòm họng

biểu hiện ung thư vòm họng nổi hạch
Đau, nổi hạch cổ là các triệu chứng thường gặp ở ung thư vòm hầu (họng)

Mạng lưới hạch bạch huyết là một thành phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, bao gồm đường dẫn lưu dịch bạch huyết (mạch bạch huyết) và các hạch bạch huyết. Không giống như các tĩnh mạch có nhiệm vụ chuyên chở máu từ các cơ quan trong cơ thể trở về tim, mạch bạch huyết dẫn lưu dịch bạch huyết. Dịch bạch huyết chứa các tế bào bạch cầu, giúp chống lại các thành phần lạ xâm nhập vào cơ thể chúng ta (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, tế bào ung thư…).

Một khi thoát ra khỏi bướu, tế bào ung thư sẽ di chuyển trong cơ thể bằng đường mạch máu và mạch bạch huyết. Đối với đường mạch bạch huyết, các tế bào ung thư sẽ kết thúc ở những chặn hạch bạch huyết. Đa số các tế bào ung thư sẽ tự tiêu hủy hoặc bị tiêu diệt trước khi chúng có thể gắn vào một cơ quan khác trong cơ thể và sinh sôi. Nhưng cũng có một số tế bào ung thư có thể gắn vào một cơ quan và tiếp tục phát triển thành khối bướu mới. Sự lan tràn này được gọi là di căn.

Người bệnh cần làm gì khi có triệu chứng ung thư vòm họng?

Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi nhấn mạnh, người bệnh không nên đợi đến khi có đầy đủ các triệu chứng kể trên mới tới bệnh viện. Chỉ cần thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào về tai mũi họng kéo dài và không cải thiện với các phương pháp điều trị nội khoa thông thường, cần đến ngay bệnh viện, nơi có chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra.

Tầm soát ung thư vòm họng tại BVĐK Tâm Anh

Tầm soát ung thư là chủ động phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn càng sớm càng tốt, để có kế hoạch điều trị tốt nhất, giúp chữa khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống không bệnh, giúp giảm nguy cơ tử vong.

Khi tầm soát ung thư vòm họng, người bệnh sẽ được:

Hỏi bệnh sử

Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử của bệnh nhân và gia đình, bao gồm các vấn đề về lối sống, dinh dưỡng, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vòm họng.

Thăm khám vùng đầu cổ

Bác sĩ thăm khám vùng cổ, kiểm tra có hạch cổ nghi ngờ hay không.

Nội soi tai mũi họng

Nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể bấm sinh thiết để lấy một mẫu mô. Mẫu mô này sẽ được các bác sĩ giải phẫu bệnh đánh giá nhằm phát hiện các tế bào ung thư.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và/hoặc cộng hưởng từ (MRI) vùng đầu cổ

Nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ vùng vòm họng, người bệnh sẽ được chỉ định chụp CT hoặc MRI vùng đầu cổ để đánh giá các đặc điểm bướu tại chỗ và tình trạng di căn hạch vùng.

Chụp PET-CT hoặc CT vùng khác của cơ thể

Có thể được dùng để đánh giá bướu đã di căn đến các cơ quan khác hay chưa.

Cách phòng ngừa ung thư vòm họng

Bất cứ điều gì làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vòm họng đều được xem là yếu tố nguy cơ. Do đó, để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi khuyến nghị mỗi người nên thực hiện những điều sau:

Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia

Nguy cơ mắc ung thư vòm họng tăng khi vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu bia. Trong đó, hút thuốc lá được coi là nguy cơ lớn nhất gây ung thư vòm họng, trước khi yếu tố nguy cơ nhiễm HPV được phát hiện.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Tỷ lệ mắc ung thư vòm họng cao ở các vùng châu Á, Bắc Phi và vùng Bắc Cực, có thể liên quan đến chế độ ăn rất nhiều cá và thịt ướp muối ngay từ khi còn nhỏ. Quá trình nấu thực phẩm ướp muối sẽ tạo ra các hóa chất, chẳng hạn như nitrosamine, là chất có thể gây ung thư.

Tỷ lệ ung thư vòm họng đang giảm ở đông nam Trung Quốc và Singapore trong thời gian gần đây có thể một phần là do việc điều chỉnh thói quen ăn uống (giảm uống rượu bia, giảm tiêu thụ các thực phẩm ủ muối như cá muối, mắm, dưa muối…).

Phòng ngừa lây nhiễm HPV (Human Papilloma Virus)

HPV có thể truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc da kề da. Con đường lây lan chính của HPV là qua hoạt động tình dục, bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. HPV có thể lây lan ngay cả khi người nhiễm bệnh không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng, hoặc lây lan qua tiếp xúc bộ phận sinh dục mà không có quan hệ tình dục (tuy nhiên tỷ lệ này không phổ biến).

Bất kỳ ai đã có quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm ít nhất một loại HPV sinh dục vào một thời điểm nào đó. Khả năng lây nhiễm HPV cao hơn ở những người có nhiều bạn tình. Ngay cả khi một người trì hoãn sinh hoạt tình dục cho đến khi kết hôn, hoặc chỉ có một bạn tình, họ vẫn có nguy cơ nhiễm HPV nếu bạn tình của họ đã bị phơi nhiễm.

chẩn đoán dấu hiệu ung thư vòm họng
Tiêm vaccin phòng HPV là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư vòm họng

Tiêm phòng vaccin HPV là biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho những bệnh do loại virus này gây ra, trong đó có ung thư vòm họng.

Hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng, mỗi người chỉ nên có một bạn tình trong cùng một thời điểm.

Nhiễm EBV (Epstein Barr Virus)

Nhiễm EBV rất phổ biến trên toàn thế giới, thường xảy ra ở trẻ em.

Nhiễm EBV được ghi nhận có liên quan đến sự phát triển của ung thư vòm họng, cũng như một số u lympho. EBV thường được tìm thấy trong loại ung thư vòm họng không sừng hóa - không biệt hóa. Tuy nhiên, chỉ nhiễm EBV đơn độc không đủ để gây ra ung thư vòm họng.

Các yếu tố khác, chẳng hạn như đột biến gen hoặc thói quen hút nhiều thuốc có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng chống lại EBV, từ đó dẫn đến nguy cơ hình thành và phát triển ung thư vòm họng.

Tiêm vaccin phòng HPV, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh sử dụng nhiều thực phẩm ướp muối, quan hệ tình dục lành mạnh, hạn chế quan hệ qua đường miệng, chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư vòm họng khi có khuyến nghị của bác sĩ thăm khám… là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư vòm họng tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:

Nhận biết dấu hiệu ung thư vòm họng và chủ động tầm soát bệnh ở giai đoạn sớm, giúp điều trị đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời giúp giảm gánh nặng kinh tế và giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh. Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi nhấn mạnh, khi có triệu chứng bất thường tai mũi họng kéo dài và không cải thiện với các phương pháp điều trị nội khoa thông thường, chúng ta nên thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp lúc.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/ung-thu-vom-hong-co-bieu-hien-nhu-the-nao-a41337.html