Định loại Nấm chẹo (chi Russula) ở vùng Đông Bắc Việt Nam bằng hình thái và sinh học phân tử

Nấm chẹo hay Nấm hồng cô là tên gọi địa phương của loài nấm ăn được thuộc chi nấm xốp Russula tại vùng Đông Bắc Việt Nam. Mỗi năm đến mùa, việc thu hái loài nấm này đã giúp người dân địa phương có thêm nguồn thức ăn và thu nhập để cải thiện sinh kế. Mặc dù việc này đã diễn ra từ lâu, nhưng tên khoa học cho loài Nấm chẹo ở đây vẫn chưa được xác định rõ.

Nghiên cứu của Chung Như Anh và cộng sự (2023) đã tiến hành định loại dựa trên các đặc điểm về hình thái, kết hợp hai chỉ thị phân tử ITS rDNA và LSU rDNA (thuộc vùng gen nhân) của các mẫu Nấm chẹo tại khu vực Đông Bắc Việt Nam, bao gồm ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Giang và Quảng Ninh.

Kết quả nghiên cứu về hình thái như màu sắc, hình dạng, kích thước của quả thể được mô tả, kèm hình ảnh minh họa cụ thể cho các giai đoạn khác nhau từ khi còn non cho đến lúc trưởng thành. Ngoài ra, các đặc điểm hiển vi, gồm: bào tử và các cấu trúc bất thụ khác cũng được phân tích.

Định loại Nấm chẹo (chi Russula) ở vùng Đông Bắc Việt Nam bằng hình thái và sinh học phân tử

Hình 1. Các đặc điểm hình thái của quả thể nấm chẹo

Bên cạnh kết quả về hình thái, khi so sánh vùng gen ITS rDNA và LSU rDNA của các mẫu vật được thu trong nghiên cứu này với 14 loài Russula khác trên GenBank cho thấy Nấm chẹo tương đồng với loài Russula griseocarnosa X.H. Wang, Zhu L. Yang & Knudsen (99,8%). Thêm vào đó, các đặc điểm hình thái của mẫu nghiên cứu phù hợp với mô tả dựa trên mẫu chuẩn của loài R. griseocarnosa, được phát hiện lần đầu tiên tại Khu bảo tồn Xishuangbanna, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Qua đó, nhóm tác giả xác định loài Nấm chẹo hay Nấm hồng cô tại vùng Đông Bắc nước ta là loài R. griseocarnosa.

Định loại Nấm chẹo (chi Russula) ở vùng Đông Bắc Việt Nam bằng hình thái và sinh học phân tử

Hình 2 Cây phả hệ được xây dựng dựa trên phương pháp Maximum Likelihood

Loài Nấm chẹo cũng có kích thước, màu sắc và hình dạng quả thể giống với loài phân bố rộng tại tỉnh Quảng Nam (Russula rosea Pers.), nhưng bào tử, bào tử đảm và các cấu trúc bất thụ thì khác nhau. Nhóm tác giả cho rằng, cần có thêm nghiên cứu về phân loại học của loài này để xác định lại chính xác tên khoa học vì R. rosea là một loài phân bố chính ở châu Âu, nên khả năng hiện diện tại Đông Nam Á là không chắc chắn.

Theo các chuyên gia về nhóm nấm xốp (Russula spp.), màu sắc của mũ nấm không phải là đặc điểm tin cậy và ổn định vì chúng có thể thay đổi. Do đó, cần phải quan sát các đặc điểm hình thái, kết hợp với đặc điểm hiển vi (cấu trúc sinh sản và cấu trúc bất thụ) một cách kỹ lưỡng khi định danh nhóm nấm này.

Thông tin chi tiết được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp: Chung Như Anh, Nguyễn Minh Chí, Trịnh Tam Kiệt, Phạm Duy Long, Phạm Thị Thu Thủy, Vũ Văn Lợi, Bernard Dell, 2023. ĐỊNH DANH LOÀI NẤM CHẸO THU THẬP TẠI VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp. Số 15: 50-59. http://journal.vnuf.edu.vn/journal/15-2023/dinh-danh-loai-nam-cheo-thu-thap-tai-vung-dong-bac-viet-nam.html

SIE/THÀNH LỰC/N.T.Q.TRUNG

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/nam-cheo-a40231.html