Gia tăng bệnh trĩ ở người làm việc văn phòng

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận khoảng 900 bệnh nhân trĩ trong ba tháng đầu năm, trong đó 50% là dân văn phòng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Gia tăng bệnh trĩ ở người làm việc văn phòng

Ngày 12/4, Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết thông tin trên. Thêm rằng, theo nghiên cứu của Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, bệnh trĩ chiếm tỷ lệ 35-50% các ca bệnh về đại trực tràng. Mặc dù không phải là bệnh ác tính nhưng bệnh trĩ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Khối trĩ gây ra cảm giác ngứa rát, đau đớn vùng hậu môn, nhất là khi đại tiện.

Nhóm đối tượng ngồi nhiều đa phần là giới văn phòng, là những đối tượng có công việc ngồi nhiều 8-9 tiếng mỗi ngày, và phải làm việc suốt 5-6 ngày/tuần và thường đến thăm khám ở giai đoạn bệnh nặng. Ngoài ra, trĩ còn xuất hiện ở những đối tượng ít vận động, lạm dụng rượu bia, người béo phì, phụ nữ mang thai, táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính. Thói quen ngồi bồn cầu lâu, rặn nhiều khi đi đại tiện, chế độ ăn thiếu rau xanh cũng góp phần gây bệnh.

Đơn cử như trường hợp của chị Hương (25 tuổi) là nhân viên kế toán, đến thăm khám trong tình trạng vùng hậu môn đau rát, đi tiêu máu, khối sa hậu môn sau mỗi lần đi đại tiện, phải dùng tay để đẩy vào. Sau khi thăm khám, bác sĩ Hậu chẩn đoán chị Hương bị trĩ hỗn hợp hình vòng tắc mạch ở giai đoạn 3 (giai đoạn nặng), kèm da thừa ở hậu môn. Bác sĩ Hậu cho biết, trường hợp này cần tiêm xơ trĩ nội soi phần trĩ nội, đồng thời đốt điện và tiểu phẫu phần trĩ ngoại và da thừa.

Tương tự, chị Liên (38 tuổi) là thư ký giám đốc, đến khám vì ngứa, đau, khó chịu do sưng vùng hậu môn xung quanh, thậm chí những lúc ngồi xổm cũng bị chảy máu. Lúc đầu, chị cứ nghĩ mình bị táo bón, do không đau nhiều, cơn đau chỉ xuất hiện khi đi đại tiện và thấy có chút máu tươi ở giấy vệ sinh. Tuy nhiên, gần đây, chị Liên đau nhiều khi cầu, búi trĩ sa ra ngoài. Bác sĩ Hậu chẩn đoán, bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp giai đoạn 3, kèm chứng bệnh nứt hậu môn. Bác sĩ Hậu chỉ định tiêm xơ trĩ phần trĩ ngoại, đồng thời mổ cắt bán phần cơ thắt trong để điều trị chứng nứt hậu môn mạn tính ở người bệnh.

Sau khi điều trị tiêm xơ trĩ nội soi phần trĩ nội và trĩ ngoại ở hai bệnh nhân giúp cố định dây chằng treo trĩ với cơ vòng trực tràng, cố định niêm mạc trực tràng sa, đồng thời làm triệt mạch máu nuôi búi trĩ, nhờ đó sẽ làm teo búi trĩ tức thì ngay sau tiêm. Với phương pháp tiêm xơ trĩ nội soi, bác sĩ quan sát rõ từng chi tiết ở gốc búi trĩ, niêm mạc và trực tràng, đường đỉnh búi trĩ và đáy búi trĩ giúp bác sĩ tiêm chính xác búi trĩ và bệnh nhân chỉ tiêm một lần duy nhất. Sau khi điều trị, bệnh nhân hết sa trĩ, hết tiêu máu, vết thương liền tốt, và được xuất viện một ngày sau đó.

trĩ do ngồi lâu
Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu đang khám, tư vấn bệnh trĩ cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Hậu cho biết, trên đây là 2 trong rất nhiều trường hợp bị bệnh trĩ nặng được bác sĩ thăm khám và điều trị thuộc đối tượng dân văn phòng. Đây là đối tượng chiếm 50% bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện. Đối tượng này thường liên quan đến tính chất công việc phải ngồi nhiều như: nhân viên văn phòng, dân IT, tài xế đường dài… là yếu tố thuận lợi hình thành búi trĩ.

Lý giải về tình trạng bệnh trĩ xuất hiện nhiều ở giới văn phòng, bác sĩ Hậu cho biết, việc ngồi nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, khiến máu bị tắc nghẽn, khó lưu thông đến hậu môn, trực tràng, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng này. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các búi trĩ hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt với những người bị sa búi trĩ, việc ngồi nhiều sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn, gây đau đớn.

Bên cạnh đó, những đối tượng ngồi nhiều thường làm việc trí óc, do đó yếu tố căng thẳng, stress với công việc sẽ làm giảm nhu động ruột chính là nguyên nhân gây táo bón. Việc rặn nhiều khi đi đại tiện sẽ làm tăng tổn thương và áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn, hình thành búi trĩ, hoặc là bệnh diễn tiến nặng hơn.

Ngoài ra, thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ nhưng lại ăn ít chất xơ, uống không đủ nước… chính là những yếu tố cộng hưởng khiến bệnh trĩ xuất hiện phổ biến ở những đối tượng này. Tuy nhiên, thường người bệnh không biết bản thân mắc bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ, hoặc ngại đi khám, cho đến khi búi trĩ phát triển lớn, có triệu chứng đau rát hoặc chảy máu mới đi thăm khám và điều trị (chiếm 90%).

ca chữa trĩ do ngồi lâu
Bác sĩ Văn Hậu trong một ca phẫu thuật cắt búi trĩ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tùy thuộc vào loại trĩ, nguyên nhân gây bệnh, yếu tố đi kèm, mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần dùng thuốc, thay đổi lối sống (điều chỉnh dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt). Trường hợp nặng cần phải can thiệp bằng thủ thuật, phẫu thuật như thắt dây chun, tiêm xơ, đốt laser, quang đông hồng ngoại (HCPT), longo, doppler. Một số biến chứng nặng nề của bệnh trĩ như hoại tử búi trĩ có thể gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hậu khuyến nghị, đối với những người làm công việc văn phòng nên tập thói quen sau 30 -60 phút nên đứng dậy đi lại 5-10 phút, đi ra ngoài, lấy nước uống hoặc có thể đứng tại chỗ để giãn cơ, giúp cơ thể được thư giãn. Điều này sẽ thúc đẩy máu đi khắp cơ thể. Đặc biệt, những người làm việc trí óc cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress, tập đi cầu một khung giờ nhất định, uống nhiều nước (2-2,5 lít nước/ngày), tránh thức khuya, hạn chế chất kích thích, đồ cay nóng, ăn nhiều rau xanh và trái cây, duy trì chế độ vận động phù hợp, không nên ngồi bồn cầu quá lâu.

Đặc biệt, khi người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, chảy máu và đau đớn khi đi đại tiện thì cần thăm khám ngay. Bệnh phát hiện sớm sẽ giúp việc chữa trị đơn giản, giảm đau đớn, giảm biến chứng, cũng như giảm được chi phí điều trị.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/not-ruoi-gan-hau-mon-a38524.html