CẢM NHẬN MỘT LẦN ĐẾN NHÀ TÙ PHÚ QUỐC
Ths. Thiều Thị Liên
Tháng 5 lịch sử, cả nước trong không khí kỷ niệm đại thắng mùa xuân 30/4 và ngày sinh nhật Bác 19/5, Chi bộ Giảng viên 3 tổ chức chuyến “về nguồn” đến huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trọng tâm của chuyến đi là đến tham quan khu di tích Nhà tù Phú Quốc - “Địa ngục trần gian”, nơi đây đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc sâu nặng.
Nhà tù Phú Quốc còn được biết đến với tên gọi “Nhà lao Cây Dừa”. Nhà tù nằm ở xóm Cây Dừa, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Năm 1950, thực dân Pháp cho xây dựng tại Phú Quốc trại giam Cây Dừa có diện tích khoảng 40ha, bao gồm bốn khu A, B, C, D, để giam giữ tù binh chống Pháp.
Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm cho sửa trại giam Cây Dừa này thành Trại huấn chính Cây Dừa, còn gọi là Nhà lao Cây Dừa với mục đích giam giữ tù binh cộng sản. Năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho mở rộng diện tích nhà lao. Diện tích Trại giam Phú Quốc lên đến 400 hecta, với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu, trong đó có 02 khu đôi (mỗi khu có 02 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 04 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Phân khu có chiều dài 150m, rộng 50m, gồm 11 ngôi nhà trong đó có 09 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam 20m x 5m. Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 04 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 04 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại. Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp, vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài.
Bao quanh mỗi khu nhà lao là trùng trùng hàng rào kẽm gai 10 - 15 lớp với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc. Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian” là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 25 kiểu tra tấn dã man của kẻ thù.
Tái hiện toàn cảnh khu Nhà tù Phú Quốc.
Ảnh: tác giả
Nhà tù Phú Quốc được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ảnh: tác giả
Đoàn chúng tôi đi tham quan một số điểm di tích như: Nghĩa địa tù binh, Nhà thờ Kiến Văn, Nhà trưng bày bổ sung di tích, Phân khu B2, Đài tưởng niệm liệt sĩ tại Đồi Sim.
Những cảm xúc dâng trào mạnh mẽ khi tôi đến Phân khu B2 của khu di tích. Đây là nơi được chọn để phục dựng lại mô hình nhà tù Phú Quốc xưa. Phân khu B2 với diện tích 17.693 m2, gồm các hạng mục như sau:
+ Vọng gác (chòi canh): nằm ở bốn góc của phân khu giam B2, được làm bằng cột thép, cao khoảng 5m, rộng khoảng 1,5m, mái che bằng tôn.
+ Hàng rào: là hệ thống dây kẽm gai, sắc nhọn, bùng nhùng được quấn thành 8 đến 10 lớp, cách khoảng 2- 3m dọc hàng rào có các cột sắt dùng để treo bóng đèn.
+ Cổng trại giam của phân khu B2: được quấn nhiều lớp rào kẽm gai để bao bọc, có quân cảnh bảo vệ.
+ Dãy nhà vệ sinh: nằm phía sau phòng giam 14 và 16, giáp với hàng rào phía sau khu trại giam. Ở các dãy nhà vệ sinh đều có mô hình mô phỏng cảnh địch bắt tù binh dọn dẹp, khiêng thùng phân đi đổ…
+ Chuồng cọp kẽm gai: nằm bên phải cổng phân khu là các chuồng cọp nằm, chuồng cọp ngồi, chuồng cọp nửa thấp nửa cao. Chuồng cọp dài khoảng 2m, rộng khoảng 0,5m, cao khoảng 0,5m, được để ngoài trời, nằm ngay sát mặt đất, làm bằng kẽm gai, bên trong là các mô hình tù nhân bị giam giữ.
Chuồng cọp, hình thức tra tấn dã man nhất ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc
Ảnh: tác giả
Người tù bị giam trong chuồng cọp Catso
Ảnh: tác giả
Chuồng cọp kẽm gai.
Ảnh: tác giả
Các chiến sĩ cách mạng bị giam vào các chuồng cọp này dưới nắng mưa, da bị “bóc vỏ” từng mảng, còn được chúng gọi là “cọp thay da”.
+ Liền kề với các chuồng cọp kẽm gai là kiểu giam giữ tù nhân bằng thùng cat xô, thực tế đây là một công ten nơ nhỏ. Trên đỉnh có đục một lỗ thông hơi, trên thành đục một cửa sổ nhỏ dùng để đưa cơm, nước vào cho người tù.
+ Dãy nhà bếp và nhà ăn: nằm bên phải của cổng vào, có 04 nhà (loại nhà tiền chế, sườn là khung thép lắp sẵn, vách, mái, cửa sổ đều bằng tôn thiếc), bên trong cũng có mô hình tù nhân đang nấu ăn.
+ Dãy nhà dùng làm nơi ở, giam giữ và tra tấn tù nhân: được đánh số từ 1 đến 18 theo thứ tự từ phải sang trái, là loại nhà tiền chế giống nhà bếp, bên trong mỗi nhà có 02 dãy sàn lát ván gỗ làm chỗ nằm nghỉ cho tù nhân. Sau khi phục dựng, bên trong có mô hình tù nhân, tái hiện các nội dung: phòng 1, cuộc đấu tranh chống địch đàn áp tù binh vào ban đêm; phòng 2, cuộc sống và sinh hoạt của tù nhân vào những lúc địch không tổ chức đàn áp, khủng bố; phòng 3, cuộc đấu tranh biểu tình của tù nhân phản đối địch; phòng 4, cuộc đấu tranh tuyệt thực của tù nhân; phòng 6, cuộc đấu tranh của tù nhân và sự đàn áp đẫm máu của địch ở Phân khu B8; phòng 13, 15, 16, một số hình thức tra tấn tù nhân điển hình của địch ở trại giam; các phòng 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 18, cảnh tù nhân bị giam giữ; phòng 14, đường hầm của tù nhân đào để vượt ngục (đoạn hầm dài khoảng 120m, đường kính rộng khoảng 70 cm); phòng 17, cảnh tù nhân đào hầm và vượt ngục.
+ Phòng biệt giam B2: diện tích 9 x 3m, vách được dựng bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, dưới mái gần đỉnh đầu là lưới rào dây kẽm gai sắc nhọn, nền đất tráng xi măng. Phòng biệt giam tái hiện cảnh tượng địch tra tấn tù nhân bằng chày vồ, bằng giày đinh, cho tù nhân “đi tàu bay”, bị chôn sống…
Một góc của Phòng biệt giam.
Ảnh: tác giả
Mỗi phòng giam có diện tích 100m2, giam giữ từ 70 đến 120 người, có lúc nhiều hơn. Nhà giam này ban đầu nền bằng đất tuy nhiên sau đó có nhiều cuộc vượt ngục của các tù nhân nên Mỹ cho tráng nền xi măng, khung sắt, mái tôn nên ban ngày rất nóng, đêm thì lạnh. Lúc đông người phải thay đổi nhau, người này nằm, người kia phải ngồi.
Cảnh tra tấn từ nhân ở Phòng biệt giam.
Ảnh: tác giả
Cảnh tra tấn từ nhân ở Phòng biệt giam.
Ảnh: tác giả
Mỗi ngày địch phát cho tù nhân một ca nước, hai nắm cơm nhỏ và muối hột. Trước mỗi bữa ăn, địch đánh tù nhân mỗi người 5-10 gậy với lý do để máu lưu thông.
Giữa năm 1968, phong trào đấu tranh của tù nhân lên cao, Mỹ - Nguỵ cho xây dựng các biệt giam 2,4,5,6, trong đó biệt giam B2 là khủng khiếp và tàn ác nhất. Ở đây chúng đã đề ra tổng cộng 45 hình thức tra tấn tù nhân cực kỳ tàn bạo và đã giết chết biết bao nhiêu chiến sĩ kiên cường: đóng đinh vào đầu và các chi, chuồng cọp ngoài trời, đục xương bánh chè, bỏ vào chảo nước sôi, đục răng tù nhân và thậm chí là chôn sống tù nhân.
Tra tấn bằng cách chôn sống tù nhân.
Ảnh: tác giả
Tù nhân bị trói, treo người lên rồi bị đánh bằng roi và vồ gỗ.
Ảnh: tác giả
Dùng đèn cao áp soi thẳng vào mắt cho đến hỏng con ngươi.
Ảnh: tác giả
Đục răng tù nhân.
Ảnh: Tác giả
Chôn sống tù nhân, hoặc nhốt vào các thùng phi và đánh đập .
Ảnh: tác giả
Đánh tù nhân bằng roi cá đuối.
Ảnh: tác giả
Đốt tù nhân.
Ảnh: tác giả
Ép lồng ngực, lộn vỉ sắt.
Ảnh: tác giả
Luộc, ninh nhừ tù nhân.
Ảnh: tác giả
Trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973) trại giam tù binh Phú Quốc có hơn 4.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương tật tàn phế. Thời đó, những hố chôn tập thể hàng nghìn người và những chiếc đinh 8 đến 12 phân còn găm ở xương đầu, ống chân, bàn chân, đầu gối, cánh tay…ở các hài cốt được tìm thấy.
Nhưng ở đây, người Việt Nam đã cho thế giới thấy ý chí sắt đá, lòng trung kiên, anh dũng của con người. Nơi đây những chiến sĩ cách mạng đã khiến cái chết cũng phải ngục đầu để mầm sống vươn xanh. Nhà tù Phú Quốc đã được nhiều thế hệ cha anh biến thành trường học để những người yêu nước rèn luyện phẩm chất, ý chí chiến đấu, và ngày nay, thế hệ trẻ đến thăm khu di tích này để hiểu thêm về lòng kiên trung, sự hy sinh của thế hệ đi trước cho độc lập dân tộc.
Hình ảnh tù nhân chế tạo nhạc cụ tại phòng giam thể hiện sự lạc quan.
Ảnh: tác giả
Không gục ngã trước các đòn tra tấn ác độc, căm phẫn sự tàn ác của địch, đã có hàng trăm cuộc đấu tranh, tổ chức vượt ngục bằng cách đào hầm thông qua khu trại giam. Việc đào hầm vô cùng khó khăn. Các chiến sĩ cách mạng dùng mọi vật dụng có thể để đào hầm như: nắp cà mèm đựng cơm, những chiếc muỗng inox ăn cơm, lợi dụng đêm khuya tiến hành đào hầm. Miệng hầm chọn vị trí dưới giường của tù nhân bị bệnh nan y để tránh sự kiểm tra của cai ngục. Ròng rã nhiều tháng trời, đường hầm vượt ngục mới hoàn thành. Cứ thế trong suốt 4 tháng kiên trì đào liên tục, các chiến sĩ đã đào thông được đường hầm dài khoảng 120 mét.
Cảnh các tù nhân vượt ngục.
Ảnh: tác giả
Cảnh đào hầm vượt ngục của các tù nhân cách mạng.
Ảnh: tác giả
Cảnh các chiến tù nhân vượt ngục.
Ảnh: tác giả
Với tinh thần anh dũng và ý chí sắt đá, các tù nhân tại nhà tù Phú Quốc đã tổ chức thành công 42 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm thoát ra… Hiện nay, hàng năm di tích Trại giam Phú Quốc đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước (trong đó có nhiều cựu tù nhân là chứng nhân sống về lịch sử di tích), góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng bất khuất cho các thế hệ.
Những ngày tháng 5 lịch sử, đoàn chúng tôi đến viếng Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc, thành kính thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương, dâng hiến trọn cuộc đời mình cho dân, cho nước, đang yên nghỉ nơi đây. “Uống ước nhớ ngồn”, chúng tôi luôn nhớ công lao của thế hệ đi trước đã giành độc lập. Thế hệ hôm nay nguyện cố gắng xây dựng non sông đoàng hoàng to đẹp hơn nhiều lần như Bác Hồ từng mong muốn.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/cam-nhan-ve-nha-tu-phu-quoc-a38052.html