Mùa thu vàng của Levitan

Quang cảnh làng quê Nga được vẽ ra với nền trời xanh thắm, những vầng mây lơ lửng như đem lại cảm xúc bâng khuâng vô định. Bên hai bờ sông uốn khúc là những hàng dương ngả màu vàng báo hiệu mùa thu đến. Ánh nắng yếu ớt trải dài trên thảm cỏ. Sắc xanh lam của nền trời lại in bóng trên mặt nước bàng bạc của dòng sông nhỏ phẳng lặng, yên bình. Một phong cảnh mà người ta có thể đọc ra nhiều dự cảm với tấm lòng trắc ẩn.

Vốn là họa sỹ Nga nhưng gốc Do Thái, Levitan sống và lớn lên trong cảnh nghèo túng. Sự kỳ thị dân Do Thái ở Nga cuối thế kỷ XIX đã khiến gia đình ông nhiều lần bị trục xuất khỏi các thành phố lớn ở Nga. Nhưng có lẽ chính dữ liệu cuộc đời đó mà nước Nga đã có được một thiên tài vẽ phong cảnh đầy chân thực và xúc cảm. Các bức tranh của Levitan chủ yếu vẽ phong cảnh nông thôn nước Nga với bút pháp hiện thực tươi sáng, trong trẻo, lay động cảm xúc con người. Hầu hết tác phẩm của Levitan đều như nhuốm nỗi buồn man mát. Càng những bức tranh cuối đời, ánh sắc đó như càng lộ rõ khi ông thường xuyên bị viêm phổi và suy sụp về tinh thần. Bức tranh Mùa thu vàng ra đời trong hoàn cảnh như vậy, năm 1895. Dẫu không cuồng rực như Đêm đầy sao của Van Gogh, nhưng sắc vàng và lối bố cục thoạt nhìn tưởng chừng hết sức bình thường của bức tranh lại bao chứa, ẩn giấu một tâm hồn đa cảm.

Có lẽ điểm quan trọng nhất của bức tranh và khiến nó trở nên nổi tiếng chính là dòng sông. Nó không đơn thuần mô tả sự phản chiếu trời mây với ánh sắc lung linh, huyền ảo, tạo nên điểm nhấn của bức tranh, mà vị trí của dòng chảy đó như thách thức người vẽ. Con sông gần như chia đôi bức tranh, dòng chảy như bắt vào một góc của tác phẩm, điều được xem như là tối kỵ trong bố cục hội họa. Ấy vậy mà với cách xử lý tài tình, bằng việc tạo ra sự hút sâu trong một đoạn ngắn, Levitan đã mang đến cho người xem cảm giác về một dòng sông dài. Nó còn tiếp tục chảy ra ngoài giới hạn của bức tranh. Và chùm hoa đỏ nho nhỏ phía tiền cảnh đã khiến cho dòng chảy như được điều hòa tính phá cách của bố cục. Điều mà không phải họa sỹ vẽ phong cảnh nào cũng có thể làm được nếu không có những am hiểu sâu sắc phép viễn cận trong hội họa.

Bên cạnh đó, những nhát màu tút tát kiểu Ấn tượng cũng được Levitan vận dụng một cách tài tình. Hàng dương ở cận cảnh như được tạo ra bởi những nét màu đan chéo, trong khi hàng dương phía xa xa lại là những mảng phệt lớn với gam màu ít nhiều nhạt nhẹ hơn. Chính những nhát màu không cân chỉnh này đã khiến bức tranh như vẽ ra được cảm giác về gió như xào xạc lay động không gian buổi chiều thu yên tĩnh. Màu vàng vừa tạo ra ấn tượng khó phai của bức tranh, nhưng đồng thời trong cái màu vàng rất thu đó lại như chứa đựng một nỗi buồn sâu kín của Levitan. Một tâm hồn nghệ sỹ cô đơn giữa cuộc đời trong xã hội bất công ở Nga thời bấy giờ. Nhưng vượt lên trên hết những điều đó, ẩn sâu trong không gian, người ta nhận ra ở “mùa thu vàng” một tâm hồn Nga tinh khiết phóng khoáng với những âm điệu Bạch dương thân quen. Điều mà những người từng đến nước Nga không bao giờ có thể quên.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/tranh-mua-thu-vang-cua-levitan-a37419.html