LGBT đang trở thành một trong những đề tài hấp dẫn, được khai thác tinh tế và thú vị bởi các nhà làm phim từ châu Á đến châu Âu.
Tháng 6 hằng năm là thời điểm mà cộng đồng LGBT kỷ niệm cuộc nổi loạn đòi quyền lợi cho người đồng tính diễn ra ở Stonewall, New York năm 1969. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng xem lại những bộ phim đình đám về chủ đề LGBT.
1. I Told Sunset About You (2020)
I Told Sunset About You (Giải Mã Tình Yêu Anh Bằng Trái Tim Em) là một series đến từ Thái Lan của Nadao Bangkok, bao gồm 5 tập, với thời lượng lên gần 70 phút cho một tập phim. Bộ phim kể về nội dung quen thuộc là mối quan hệ giữa hai nhân vật chính Teh và Oh-aew, từ thuở còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành đối mặt với những ngã rẽ cuộc đời khác nhau.
Mặc dù được gắn mác là bộ phim "boy love", nhưng có lẽ I Told Sunset About You đơn giản chỉ là bộ phim học đường, về những đứa trẻ đang học cách trưởng thành và lắng nghe trái tim mình. Không phải quốc gia nào, mà chính Thái Lan đã giúp khán giả hiểu về “no gender” trong quan hệ tình cảm con người. Dù là "boy-love", "girl-love" thì đều xứng đáng yêu và được yêu. Tình yêu trong bộ phim, cho dù là tình bạn bè, tình mẫu tử, tình anh em hay tình tri kỷ, ở khía cạnh nào cũng được biên kịch khai thác một cách khéo léo và tinh tế.
Giống như một bộ phim điện ảnh, I Told Sunset About You có những thước phim chỉn chu và mang màu sắc nghệ thuật, khiến khán giả liên tưởng đến bộ phim Dear Ex, với tông màu vàng ấm và bối cảnh Thái pha trộn văn hóa Trung Hoa.
Ngoài ra soundtrack phim cũng là điều khiến khán giả thực sự bị thu hút và chinh phục ở bộ phim này. Ngay từ khâu kịch bản, cả 2 nhân vật chính, do Billkin và PP thủ vai, đã được tham gia trò chuyện cùng biên kịch để chia sẻ những suy nghĩ, câu chuyện của chính bản thân, và rồi tự mình hóa thân vào nhân vật, đến cả lời hát cũng chính là do hai nhân vật trên thực hiện để thả cảm xúc vào giai điệu minh họa câu chuyện này.
Thưởng thức một bộ phim mãn nhãn về cả hình ảnh lẫn âm thanh, cơ bản đã tạo hứng thú rất nhiều cho người xem. Thay vì quá nhiều tình tiết, I Told You About Sunset mang lại cho người xem cảm thực sự thư giãn qua mỗi khung hình.
2. Blue Is The Warmest Color (2013)
Blue Is The Warmest Color (Sắc Xanh Ấm Nhất) là bộ phim dài dần 3 tiếng đến từ nước Pháp. Bộ phim kể về mối tình đầu của Adèle (Adèle Exarchopoulos) từ khi cô còn là một nữ sinh trung học yêu thích văn chương và ngôn ngữ, loay hoay tìm kiếm con người thực sự của mình trong câu chuyện tình ngắn ngủi với một nam sinh khác và làm tan vỡ trái tim của cậu ta.
Cho tới khi Adèle yêu Emma (Léa Seydoux) - một sinh viên mỹ thuật, đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, thứ tình yêu mà ở đó Emma đóng vai trò như một người dày dạn kinh nghiệm, kẻ quyết định và chỉ lối còn Adèle đã cứ lao vào để rồi nhận lãnh những đau khổ và xa cách về sau.
Câu chuyện tình yêu của Emma và Adele cũng là một trong những kịch bản tình yêu kinh điển. Sa vào nhau, điên cuồng, nồng nhiệt, thấu hiểu, bất hòa, tan vỡ và gặp lại. Nhưng khi gặp lại nhau, họ nhận ra ở người kia một con người hoàn toàn mới, một con người mà họ chưa từng nhận ra, hoặc giả đã nhận ra, nhưng vẫn bất ngờ khi gặp lại.
Adele chưa bao giờ ngừng yêu Emma, nhưng cô đã vụng về dập tắt tình yêu ấy, để khi ngồi lại bên đống tro tàn, cô chỉ có thể nhỏ những giọt nước mắt xót thương. Còn Emma, việc Adele bước ra khỏi cuộc đời cô hóa ra lại là cơ hội để cô nhận ra trái tim mình hướng về nơi nào. Sự đổ vỡ không phải là kết thúc, mà nó lại là tiền đề để những mối quan hệ mới ra đời. Emma mang lại cho Adele một tình yêu thực sự, Adele tặng cho Emma nỗi khắc khoải về cái gọi là “người đặc biệt”
Trong tiếng Anh, khi sử dụng màu sắc để nói về cảm xúc, màu xanh lam (blue) được gán cho nỗi buồn, thậm chí người ta cũng dùng cả từ “blue” để nói đến tâm trạng u buồn. Xuyên suốt bộ phim, Adele bị vây quanh bởi màu xanh, giống như bị vây quanh bởi nỗi buồn. Ngay cả trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của Adele và Emma, vẫn thấp thoáng những sắc xanh ở đâu đó, như những ánh mắt buồn rầu chơi vơi.
Trong tình yêu đẫm màu xanh ấy, trong những tháng ngày cả hạnh phúc, cả u tối, họ thay đổi, họ trưởng thành, để rồi mỗi người lại bước đi trên một con đường riêng, mãi mãi không còn hướng về phía nhau nữa. Một mối tình đã qua đọng lại nhiều đau khổ, nhưng trong nỗi đau khổ ấy ta tìm được những mảnh tình yêu nhỏ bé, ấm áp, đủ sức sưởi ấm cho ta vượt qua nỗi cô đơn, đủ sức là ta mỉm cười và hạnh phúc. Đó chính là sắc xanh ấm nhất.
3. Brokeback Mountain (2005)
Brokeback Mountain (Chuyện Tình Sau Núi) là một bộ phim kinh điển không thể không nhắc tới khi bàn về chủ đề LGBT. Đạo diễn Lý An kể câu chuyện về anh chàng Jack Twist (Jake Gyllenhaal) và Enni Del Mar (Heath Ledger) khi họ làm việc cùng nhau ở vùng núi bang Utah. Chuyện bắt đầu vào một đêm Jack say rượu và kéo dài đến tận hai thập kỉ sau đó. Dù mỗi người đều có cuộc sống riêng, cả hai vẫn không thể quên được kỷ niệm đã có với nhau.
Vì e sợ định kiến xã hội và sự ghét bỏ của người chung quanh với tình yêu đồng tính lúc bấy giờ, Jack và Ennis cố ép mình lấy vợ, sinh con. Tình yêu của hai người bị đè nén và dằn vặt qua nhiều năm tháng, mãi đến khi Jack chết đi và Ennis sống với kí ức về người yêu đến cuối đời, anh mới hiểu rõ tình yêu của mình sâu đậm dường nào. Khi xem phim, khán giả được thấy một khía cạnh khác của tình yêu đồng tính. Đạo diễn Lý An đã thể hiện tài năng tuyệt vời của mình khi vừa bám sát cốt truyện vừa khắc họa một tình yêu thật đẹp, thật xúc động.
Bất kì ai khi xem phim cũng không còn quan trọng chuyện đó là hai người đàn ông yêu nhau nữa, cái duy nhất còn đọng lại trong đầu họ đó là tình yêu giữa hai người. Có rất nhiều hình ảnh đẹp trong phim, nhưng 2 cảnh phim làm người xem ghi nhớ và ám ảnh nhất có lẽ là cảnh Ennis ôm Jack từ đằng sau và cảnh cuối cùng khi Ennis treo chiếc áo sơmi cũ của Jack lên và nghẹn ngào nói: “Jack…tôi thề..”.
Nụ hôn giữa Jack và Ennis được bình chọn là “nụ hôn đẹp nhất” trong lễ trao giải MTV Awards, Lý An đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất của Oscar 2006. Bộ phim có thể bao trùm bạn bằng sự buồn bã và rất nhiều cảm xúc đau lòng khác, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng.
4. Call Me By Your Name (2017)
Call Me By Your Name kể về câu chuyện tình giữa Elio (Timothée Chalamet) - một cậu thanh niên 17 tuổi, ngây ngô, vô tư, tâm hồn mong manh dễ vỡ và Oliver (Armie Hammer) - một chàng sinh viên 24 tuổi, cứng cỏi, thông minh, lý trí. Oliver và Elio gặp nhau gói gọn trong 6 tháng hè ở miền Bắc nước Ý, và chỉ thực sự tìm thấy nhau trong 3 tháng còn lại cuối cùng của mùa hè năm ấy.
Elio, Oliver dường như là hai thế giới đối lập nhau. Hai người là hai bức tranh hoàn toàn khác. Thế nhưng bằng một cách nào đó, họ lại tìm thấy lỗi rẽ thâm nhập vào thế giới của nhau, để từ đó mắc kẹt mãi mãi trong tận sâu tâm hồn nhau. Thứ tình cảm của Oliver và Elio dành cho nhau giống như một sự thử thách. Bởi sự khác biệt và định kiến xã hội là những gì khiến hai tâm hồn đồng điệu này phải mất quá lâu để có thể dũng cảm đối mặt với cảm xúc của chính mình.
Hai tháng có thể không phải là một quãng thời gian dài và đủ để một mối tình trở thành cái gọi là tình yêu. Nhưng tình yêu thì chẳng bao giờ có định nghĩa nhất định, không giới hạn, không đóng khung, không có đúng sai, trái phải. Oliver và Elio cũng vậy. Họ yêu nhau bằng một cách tự nhiên nhất, trân trọng những gì đang có ở hiện tại, và sống trọn từng khoảnh khắc của cái thời gian đẹp đẽ bên nhau.
Về phần tên của bộ phim, rất nhiều khán giả thắc mắc tại sao lại không dịch tên tiếng Việt của phim. Trong nguyên tác, có những đoạn miêu tả rất rõ nội tâm lưỡng lự của Elio - “Liệu tôi muốn ở bên anh ta, hay muốn trở thành anh ta”, hay thậm chí khi Oliver hỏi cậu có thích mình không, Elio nói “Em sùng bái anh”. Không phủ nhận đó là tình yêu, nhưng cậu trai phần nhiều đã từng khao khát Oliver như một tượng đài đẹp đẽ.
Hành động khi Oliver yêu cầu Elio gọi mình bằng tên của cậu ấy, đã cho thấy rằng anh cũng khao khát trở thành cậu ấy như vậy. Gọi tên nhau là cách chứng minh rằng họ đã tìm thấy mảnh ghép còn thiếu của thân thể. Gọi tên nhau là bổ sung khiếm khuyết vào phần hồn trước kia cả hai chưa từng hoàn thiện. Gọi tên nhau là sự bù trừ cho những ngày chia cách. Elio chính là Oliver và Oliver chính là Elio, trước khi họ bị Thượng Đế tách làm hai nửa.
5. Portrait Of A Lady On Fire (2019)
Dịu dàng mà mãnh liệt, Portrait Of A Lady On Fire (Bức Chân Dung Của Quý Bà Trong Lửa) xoay quanh hồi ức về mối tình đã qua giữa nữ họa sĩ tài năng Marianne (Noémie Merlant) với nàng thơ một thời Heloise (Adèle Haenel). Đó là người con gái mặc chiếc váy bắt lửa, hiện thân của niềm đam mê thầm kín trong suốt tuổi trẻ phiêu bồng của cô. Hai người gặp nhau lần đầu tiên trên một hòn đảo ngoài khơi vùng Brittany, Pháp.
Marianne, lúc bấy giờ là một họa sĩ với lối sống tự do, phóng khoáng, đặt chân đến nơi xa xôi hẻo lánh này theo lời mời của mẹ Heloise. Bà cần cô cần hoàn thiện gấp một bức chân dung con gái để gửi cho vị hôn phu của nàng ở Milan.
Trong Portrait Of A Lady On Fire, Marianna và Heloise hoàn toàn không bất ngờ trước khát khao của mình. Đạo diễn đã quyết định làm một bộ phim thuần nghệ thuật, không cần bất cứ một hứa hẹn về doanh thu nào để chiều ý số đông, không mâu thuẫn, không sex, không chết chóc hay hận thù. Portrait Of A Lady On Fire là một bộ phim thuần về tình yêu với những giá trị nguyên thuỷ và sâu sắc nhất của những người yêu nhau. Bộ phim như mang lời chất vấn: Tại sao phim về đồng tính và lesbian lúc nào cũng phải là nghịch cảnh, là tội lỗi? Tại sao các nhà làm phim không có cách kể nào mới hơn là cứ đem một chuyện ra nói mãi?
Nếu như thường lệ điều người ta mong chờ là những “cảnh nóng đồng tính”, tựa như Blue Is The Warmest Color, Cruel Intentions hay thậm chí cả The Handmaiden, là nơi vẫn có những cái nhìn nam giới thống trị, vì yêu thì phải sex, và cảnh sex thì đầy sắc dục, và sự thân mật gần gũi ở hai người yêu nhau phải là những đụng chạm hữu hình, nhưng Portrait Of A Lady On Fire thì không.
Đạo diễn phim đã đưa tất cả yêu đương chuyển ngữ qua những ánh mắt, buộc mọi người phải lắng lại và quan sát tinh tế, để thấu cảm được sự thân mật không lời, sự nhạy cảm, tình cảm nồng ấm được đặt để kín đáo đến mức bạn phải hạ xuống những ước vọng tầm thường để nhìn sâu hơn vào tâm hồn mình, vào cảm xúc mình.
Hơn cả một câu chuyện tình yêu, đây là tác phẩm điện ảnh xuất sắc của nữ đạo diễn người Pháp Céline Sciamma, là một khám phá đầy lý thú về sáng tạo nghệ thuật và khát vọng tự do của phụ nữ thế kỷ 18.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/phim-dam-my-chau-au-a36574.html