Ngứa da có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý da liễu hoặc bệnh toàn thân nào đó. Đây là triệu chứng phổ biến được bắt gặp ở nhiều người. Cùng tìm hiểu về các bệnh lý có thể gây ngứa da qua bài viết dưới đây nhé!
1Ngứa da là gì?
Ngứa da là tình trạng các thụ thể thần kinh cảm giác dưới da bị kích thích bởi tác nhân bên trong, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và muốn được gãi.[1]
Triệu chứng này thường gặp vào mùa đông do độ ẩm không khí thấp, ở người lớn tuổi vì da khô, lão hóa hoặc người có cơ địa khô da. Tuy nhiên, ngứa da có thể là biểu hiện của các bệnh dị ứng, thần kinh hoặc bệnh toàn thân khác.[2]
Ngứa da là tình trạng kích thích thụ thể thần kinh cảm giác khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, muốn được gãi
2Một số nguyên nhân gây ngứa
Ngứa da có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân và cơ chế khác nhau từ sinh lý, bệnh lý đến tác dụng phụ của thuốc.
Nguyên nhân sinh lý
Ngứa da sinh lý là hiện tượng các thụ thể thần kinh dưới da tăng mức độ nhạy cảm với các tác động bình thường từ môi trường vào cơ thể và không gây ra bất cứ hậu quả gì như:[3]
- Da khô do thời tiết.
- Người cao tuổi có lớp da mỏng, nhăn nheo.
- Phụ nữ mang thai do tăng nhạy cảm.
Nguyên nhân bệnh lý
Ngứa da có thể là dấu hiệu ban đầu gợi ý đến một số bệnh lý:[4]
- Dị ứng: do tiếp xúc với một số tác nhân lạ như phấn hoa, khói bụi, lông thú, chất tẩy rửa hoặc thức ăn có thể dẫn đến viêm da cơ địa do dị ứng, viêm mũi dị ứng, sưng môi…
- Bệnh về da: có thể gây ngứa ngáy, mẩn đỏ trên bề mặt da bao gồm bệnh da không nhiễm trùng như bệnh chàm, vảy nến, côn trùng cắn hoặc bệnh da nhiễm trùng như ghẻ, nấm da đầu…
- Bệnh toàn thân: ngứa ngáy có thể là biểu hiện của sự kích thích hoặc gây rối loạn thụ thể thần kinh dưới da, thường gặp trong bệnh đái tháo đường, suy thận, xơ gan, thiếu máu thiếu sắt, viêm da cơ thần kinh hoặc zona thần kinh…
- Bệnh tâm lý - tâm thần: do sự rối loạn về cảm giác của người bệnh. Ngứa da có thể gặp trong ảo giác, hoang tưởng, rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt hoặc ám ảnh cưỡng chế (OCD)....
Bệnh da liễu như viêm da, nấm da có thể gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh
Tác dụng phụ của thuốc
Việc sử dụng một số loại thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống để điều trị bệnh có thể gây ra tình trạng kích ứng khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu như:[5]
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc kháng nấm.
- Thuốc chống động kinh.
- Một số thuốc giảm đau.
- Vitamin nhóm B.
3Yếu tố nguy cơ gây ngứa da
Ngứa da có thể xuất hiện ở cả hai giới với mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, triệu chứng này thường biểu hiện rõ ràng hơn nếu kết hợp với một vài yếu tố nguy cơ:
- Người có cơ địa dị ứng.
- Người bệnh hen suyễn (hen phế quản).
- Người cao tuổi.
- Phụ nữ mang thai.
- Người bệnh mạn tính, có suy giảm miễn dịch như ung thư, xơ gan, đái tháo đường hoặc nhiễm HIV…
Phụ nữ mang thai thường dễ bị ngứa da hơn bình thường
4Ngứa da ảnh hưởng đến cơ thể thế nào
Ngứa da dữ dội, thường xuyên hoặc kéo dài trên 6 tuần có thể là biểu hiện bệnh lý cần được điều trị sớm và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh:
- Tạo ra các vết xây xát trên da do người bệnh gãi.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
- Để lại sẹo.
- Gây khó ngủ, mất ngủ.
- Làm nặng thêm tình trạng bệnh sẵn có vì không được điều trị kịp thời.
5Khi nào cần gặp bác sĩ
Bạn nên đến khám bác sĩ sớm để được điều trị và hạn chế biến chứng của bệnh nếu tình trạng ngứa da kèm theo các biểu hiện sau:[6]
- Ngứa da đột ngột, không rõ nguyên nhân.
- Khó thở, sưng đỏ mí mắt, sưng môi.
- Gây rối loạn giấc ngủ.
- Các dấu hiệu kéo dài trên 2 tuần, không thuyên giảm.
- Cơ thể mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần, sút cân nhanh chóng.
Ngứa da kèm theo sưng môi là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
6Một số chẩn đoán khi da bị ngứa
Để chẩn đoán nguyên nhân gây triệu chứng ngứa da, các bác sĩ sẽ tiến hành nhiều phương pháp khác nhau:[7]
- Hỏi bệnh sử, tiền sử: bao gồm các bệnh lý và thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng cũng như thời điểm, diễn biến hoặc triệu chứng kèm theo của ngứa da.
- Thăm khám lâm sàng: bác sĩ có thể quan sát, căng vùng da ngứa để phân biệt các bệnh lý ngoài da.
- Công thức máu: nhằm phát hiện các nguyên nhân gây ngứa da như dị ứng, thiếu máu hoặc rối loạn sinh tủy…
- Sinh hóa máu: giúp bác sĩ phát hiện các rối loạn về chức năng gan, thận, mức độ tăng đường huyết.
- Test lẩy da: nhằm tìm kiếm tác nhân gây dị ứng.
7Xử trí khi bị ngứa da
Tùy theo nguyên nhân gây ngứa da mà bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp điều trị khác nhau nhằm giảm triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân:[4]
Một số biện pháp giảm ngứa da
Người bệnh ngứa da sinh lý hoặc mức độ bệnh nhẹ có thể áp dụng một vài biện pháp giảm giảm bớt triệu chứng như:
- Hạn chế gãi nhằm giảm vùng da bị ngứa.
- Sử dụng sữa dưỡng ẩm để khắc phục tình trạng khô da.
- Mặc quần áo mỏng nhẹ, hấp thu tốt mồ hôi giúp tránh kích ứng da.
- Vệ sinh da sạch sẽ bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý.
Sử dụng sữa dưỡng ẩm có thể giúp giảm triệu chứng khô da, ngứa da
Thuốc điều trị triệu chứng
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp người bệnh giảm ngứa ngáy, khó chịu như:
- Thuốc kháng histamin: có thể sử dụng dạng bôi ngoài da hoặc uống giúp chống lại chất trung gian hóa học histamin gây kích thích thụ thể thần kinh dưới da.
- Thuốc chống viêm corticoid: giúp giảm tình trạng viêm, đỏ, kích ứng ngoài da.
Điều trị theo nguyên nhân
Việc phát hiện và điều trị theo nguyên nhân gây ngứa da là rất cần thiết, giúp hạn chế nguy cơ tái phát và biến chứng của bệnh:
- Sử dụng thuốc hạ đường huyết: với bệnh nhân đái tháo đường kết hợp với các biện pháp chăm sóc và vệ sinh da hàng ngày.
- Các thuốc an thần, chống loạn thần: đối ngứa ngứa da do bệnh lý tâm thần.
- Điều chỉnh các rối loạn chức năng gan, thận: thông qua các loại thức ăn, thuốc uống giúp thải độc gan, thuốc lợi tiểu…
8Phòng tránh ngứa da
Bạn có thể phòng ngừa ngứa da tại nhà bằng một số phương pháp đơn giản như:[7]
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân lạ, có thể gây dị ứng.
- Dưỡng ẩm da hàng ngày với kem dưỡng ẩm, sữa tắm.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí vào mùa khô.
- Bổ sung đầy đủ từ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Uống nhiều nước mỗi ngày có thể phòng ngừa ngứa ngáy do da khô
9Chế độ ăn uống khi da bị ngứa
Để nhanh chóng giảm triệu chứng ngứa da, gây khó chịu thì chế độ ăn uống là rất cần thiết với bệnh nhân:[8]
- Bạn nên tích cực bổ sung vào thực đơn các loại rau xanh, hoa quả tươi mát để giúp bổ sung các loại vitamin và khoáng chất giúp da chắc khỏe.
- Ăn các đồ ăn quen thuộc, ít gây kích ứng như thịt lợn, thịt gà, cá và các loại ngũ cốc.
- Hạn chế ăn các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng.
- Không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu hoặc đồ uống có gas…
Người bệnh ngứa da nên tích cực ăn các loại rau củ, trái cây tươi mát
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về các nguyên nhân có thể gây ngứa da và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hãy chia sẻ thông tin này đến với những người thân và bạn bè xung quanh bạn nhé!