Về thăm lại Đất Mũi hôm nay, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên vì Đất Mũi Cà Mau đã có nhiều đổi thay tuyệt vời. Khi đến đây, điều tôi thực sự ấn tượng là được tận mắt chiêm ngưỡng Cột Cờ Hà Nội uy nghi tại Khu du lịch Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Cột cờ tại Mũi Cà Mau nằm giữa không gian bao la của rừng đước bạt ngàn và biển rộng mênh mông. Không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử thiên liêng, thể hiện chủ quyền lãnh thổ quốc gia, gắn bó “Bắc - Nam một nhà” mà còn mang tình cảm sâu nặng của người dân thủ đô đối với Đất Mũi - nơi cực Nam tổ quốc.
Cột cờ Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.Ảnh: Yến Nhi
Theo lời cô hướng dẫn viên xinh đẹp, nhiệt tình giới thiệu khi dẫn đoàn chúng tôi tham quan Cột cờ Mũi Cà Mau thì Cột cờ được khởi công từ ngày 16/01/2016 và khánh thành vào ngày 10/12/2019, đây là biểu tượng không chỉ tượng trưng cho ý chí tự cường của Thăng Long Hà Nội mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Mang hình dáng thiết kế mô phỏng kiến trúc của Cột cờ Hà Nội, có tổng diện tích hơn 16.000 m2, chiều cao 45m. Xung quanh Cột cờ có khuôn viên rất rộng có thể phục vụ các chương trình biểu diễn, lễ hội, tổ chức sự kiện.
Chúng tôi vào cửa chính và bắt đầu khám phá bên trong Cột Cờ Mũi Cà Mau. Đầu tiên là tầng trệt có diện tích trưng bày khoảng 400m2, nhiều hình ảnh với chủ đề “Quá trình hình thành và diễn thế tự nhiên” đã giới thiệu khái quát về tỉnh Cà Mau, về lịch sử khai phá, đấu tranh cách mạng và đời sống, sinh hoạt của cư dân vùng Đất Mũi; Ngoài ra, tôi đặc biệt ấn tượng với 02 mô về hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và rừng ngập ngọt U Minh Hạ, thực sự sống động và đa dạng về các loài động thực vật.
Theo đường giữa tôi lên đến tầng 1, có diện tích trưng bày khoảng 320m2, chủ đề tầng này là “Đất Mũi Cà Mau trên đường phát triển”. Có thể thấy, những năm qua Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau đã nỗ lực, quyết tâm cao qua đó đạt được những thành tựu rất quan trọng trong công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng giàu đẹp.
Tiếp đến tầng 2, có diện tích trưng bày khoảng 152m2, trưng bày hình ảnh các di sản văn hóa tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Nhìn lại chặng đường đã qua, trải qua hàng nghìn năm với biết bao thăng trầm, các thế hệ cha anh đi trước đã để lại cho thế hệ hôm nay những truyền thống, di sản văn hóa và lịch sử vẻ vang đáng tự hào, là những mốc son chói lọi, vẫn còn mãi với thời gian.
Một góc nhìn từ đỉnh Cột cờ Mũi Cà Mau. Ảnh: Yến Nhi
Sau đó chúng tôi lại tiếp tục chinh phục Cột cờ Mũi Cà Mau, thân cột Cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên phía trên, trụ hình thang xoáy trôn ốc được rọi sáng và thông hơi bằng những ô cửa sổ hình hoa thị và hình rẻ quạt. Khi lên đỉnh, tôi có thể cảm nhận được không khí xanh tươi, mát mẻ của toàn cảnh rừng ngặp mặn Mũi Cà Mau, những cánh rừng xanh bạt ngàn trải dài từ Đông sang Tây, chiêm ngưỡng cụm đảo Hòn Khoai xinh đẹp giữa biển Đông, những công trình ý nghĩa trong Khu du lịch cũng thấy được rất rõ ràng.
Giờ đây, khi về với Đất Mũi Cà Mau ta không chỉ được chạm tay vào Cột mốc Tọa độ quốc gia, trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước mà còn được tận mắt chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội ở nơi cực Nam của Tổ quốc sừng sững và uy nghi trước biển.
Yến Nhi
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/cot-moc-quoc-gia-dat-mui-a33812.html