Trong tâm thức người Việt Nam, rằm tháng 7 là ngày rằm quan trọng bậc nhất trong năm, được biết đến là ngày xá tội vong nhân, Vu lan báo hiếu. Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, người ta đã nhắc đến và chuẩn bị để các nghi lễ trong ngày này được tổ chức long trọng, chu đáo nhất.
Năm nay, âm lịch "đi sau" dương lịch gần tròn một tháng. Ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch nhằm vào 29/7 dương lịch. Còn ngày rằm tháng Bảy nhằm vào thứ Sáu ngày 12/8 dương lịch.
Như vậy, chỉ còn 2 tuần nữa là các gia đình Việt đón ngày xá tội vong nhân, cũng như làm lễ Vu lan báo hiếu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Người Việt Nam thường thắp hương rằm, mùng 1 đúng ngày hoặc trước một ngày, vào tối hôm trước. Tuy nhiên với dịp rằm tháng Bảy, việc cúng lễ có thể diễn ra khá nhiều ngày trước đó, thậm chí từ mùng 2. Có nhiều gia đình luôn cúng trước rằm vì cho rằng nếu đợi đến rằm mới cúng là quá muộn. Điều này xuất phát từ quan niệm dân gian rằng hằng năm, Diêm vương cho mở quỷ môn quan từ ngày mùng 2 đến ngày 14/7 âm lịch để các vong trở về dương gian, thụ hưởng lễ vật cúng tế. , vật phẩm mà người dân, người thân cúng tế. Ngày 15 là ngày Diêm vương đóng Quỷ môn quan, các vong hồn phải trở về âm giới nên nếu đợi lúc đó mới cúng thì hồn không kịp nhận.
Tuy nhiên, cũng rất nhiều gia đình cúng đúng vào ngày rằm. Không có quy chuẩn rõ ràng cho việc này, nhìn chung mọi người có thể theo quan niệm, tập quán gia đình, địa phương... và cả điều kiện thực tế để thực hiện.
Để có mâm cúng rằm tháng 7 đầy đủ, hãy tham khảo những mâm cúng dưới đây.
Mâm cúng Phật: Bạn chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật, nên cúng vào ban ngày. Sau khi cúng, mâm cúng Phật thường sẽ được gia đình thụ lộc ngay tại nhà.
Mâm cúng thần linh, gia tiên: Thường là mâm cúng mặn, nên chuẩn bị tươm tất, các món ăn đa dạng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn. Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm... kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã. Nhiều gia đình còn dâng cúng những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy như quần áo, giày dép...
Mâm cúng chúng sinh: Đây là mâm cúng ngoài trời, gọi là cúng chúng sinh hoặc cúng cô hồn với mục đích bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa. Lễ cúng cô hồn được thực hiện vào chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 âm lịch, xuất phát từ quan niệm đây là khoảng thời gian các vong linh trên đường trở về địa ngục.
Mâm cúng chúng sinh thường bao gồm: Muối, gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), trái cây (5 loại 5 màu), các loại bỏng ngô, bánh, kẹo, 12 cục đường thẻ, quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, tiền lẻ và tiền vàng mã, 3 ly nước, nhang và nến.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/le-cung-ram-thang-7-nam-2022-a32325.html