Sau khi nhắc đến chợ Hàng Bè với ngõ Cầu Gỗ mà không nói ngay về chợ Đồng Xuân với ngõ Đồng Xuân thì quả sai sót. Con ngõ này xiên xẹo này nối 2 phố Cầu Đông và Hàng Chiếu. Đứng từ ngoài nhìn vào, ta dễ hoa mắt vì chẳng thấy đường đâu, tinh người với người di chuyển liên tục như những con kiến thợ tất bật.
Chẳng có đường cũng phải, bởi lòng ngõ chỉ rộng chừng 2,5 mét, lúc nào cũng âm u, chẳng mấy khi có ánh nắng. Song, hãy dấn chân vào trong đó, chỉ một vài mét thôi, ta sẽ rơi tõm vào một thế giới khác, một vương quốc của bếp núc, của đồ ăn và những tiếng suýt xoa khoan khoái đầy thỏa mãn.
“Mời bác vào xơi cơm cho chắc dạ”, tiếng mời chào vang lên ở những hàng cơm. Cơm đầu ghế ở ngõ Đồng Xuân là tiền thân của các loại cơm sau này như cơm bụi, cơm bình dân… Gọi là cơm đầu ghế là bởi thực khách đến đây ăn đều ngồi trên những chiếc ghế băng cục mịch, và thường thích ngồi đầu ghế cho dễ xoay xở.
Ừ chẳng cục mịch thì sao, bởi thực khách cũng đâu có đòi hỏi cao sang gì, họ là chị em tiểu thương buôn thúng bán mẹt, dân buôn chuyến, cửu vạn… Nhìn anh cửu vạn ngồi chồm hổm cả hai chân ở mỏm đầu ghế chênh vênh mà vẫn ào ạt gắp - lùa - nhai - nuốt trơn tru, không rớt hạt cơm nào mới thấy thực tài.
Nằm cạnh “cái chạn thực phẩm” lớn nhất của thủ đô, thế nên món ăn ở quán cơm chẳng thiếu thứ gì. Đơn giản như nhộng rang lá chanh, tép riu tươi rang khế, tóp mỡ chưng cà chua “bình dân đến mức không thể bình dân hơn” cho đến chim quay, gà tần, thịt kho tàu, xá xíu chưng Mai Quế Lộ, khâu nhục, măng ninh chân giò, miếng măng mực… cái gì cũng có.
Sự sung túc của chợ Đồng Xuân, nhất là đồ ăn thức uống khiến người ta cứ mê mải, đắm đuối bám lấy chốn này để sinh sống, kiếm ăn.
Thế nên, nhiều kẻ “tiền lưng, bạc bị” cứ chén cơm đầu ghế cho ngon - bổ - rẻ, lại tiện chuyện gặp bạn hàng. Nhiều cái miệng sành ăn cũng thường mò ra đây. Họ ngồi ăn chăm chú, tay nâng chén rượu, tay cầm cái móng giò hầm măng, ngắm nghía như ngắm người tình, rồi cắn cái giòn sựt, nghe thật sướng tê.
Nếu không xơi cơm thì còn cả trăm món ngon khác để lựa, ví dụ như bún chả chợ Đồng Xuân nức tiếng giang hồ. Giữa cái không gian tù mù bởi những mái che quán thấp rịt, những làn khói bốc lên từ những que chả nướng than hoa cứ lảng bảng, cứ vấn vít và quyện với ánh sáng âm âm tạo thành thứ ánh sáng om om vô cùng huyền ảo và diệu vợi.
Tiếng mỡ xèo xèo, mùi thơm của những miếng thịt ba chỉ ướp khéo bốc lên khiến mồm, mắt, mũi, tai của thực khách cứ gào thét như một kẻ đang yêu đơn phương đòi thỏa mãn. Đau khổ đấy nhưng cũng hạnh phúc biết bao, khi tình yêu của y được đền đáp, khi răng lưỡi y vồ vập lấy miếng chả ướt đẫm nước chấm chua cay.
Ngõ Đồng Xuân đâu chỉ có thế! Mọi đặc sản Bắc - Trung - Nam đều hội tụ về đây. Phở gà, phở bò, phở xíu, bún thang, bún ốc, bún đậu mắm tôm, bún bò Nam Bộ, bún bò giò heo Huế, hủ tíu khô, hủ tíu nước, miến trộn, miến lươn, cháo gà, cháo sườn, bánh xèo, bánh tôm, bánh rán lúc lắc, bánh cuốn, bánh bột lọc, nem lụi, gà tần, chim quay, chả rươi, hải sản tươi rói, rồi cả chục loại chè.
Những thứ đặc sản hiếm khó có tìm lại cũng thường xuất hiện. Nào là rau sắng chùa Hương xanh mươn mướt khiến ông Tản Đà ngày vật vã vì thèm hay thúng nhót chua trái vụ để nấu canh thịt thăn. Kể ra có muốn ăn gan rồng thì cứ mạnh dạn hỏi, có khi, chưa nói hết lời đã thấy gan rồng bày trước mặt ấy chứ.
Ở ngõ Đồng Xuân cũng có nhiều hình ảnh đáng yêu, đừng ngoài chợ búa thị phi. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tay nam nhi “mắt phượng, mày ngài, hàm én” cực kỳ uy phong, lại ngồi cuốn gỏi bì trộn thay cho vợ chưa? Họ cuốn rất say mê, chẳng nề hà gì tư cách “đại trượng phu”. Sau khi cuốn xong, lại hớp một hụm trà to tướng bàn tinh những chuyện Nga Mỹ căng thẳng, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nghe dựng hết tóc gáy cả. Thôi mà kệ, cứ bước đi trong con ngõ này. Những quán lại ken những quán. Những người lại ken những người. Những đầu ghế lại ken đầu ghế.
Ngõ cứ nhảy múa trong bản hòa tấu ẩm thực của riêng mình, khiến mọi khách bộ hành đi qua ngõ phải rộn lên thú yêu đương sau khi con tì, con vị được thỏa mãn. Đã bao bàn chân đi qua ngõ Đồng Xuân trìu mến lòng người theo đúng nghĩa đen. Để rồi, khi tâm hồn đói khát, một ngày kia, bàn chân sẽ lần về để được ăn, được ngắm, được nhìn, được hít thở tình yêu của ngõ!