Boxing (quyền anh, đấm bốc) được khá nhiều bạn trẻ thử sức và luyện tập để cơ bắp săn chắc, tăng cường sức khỏe tim mạch. Nhiều người cho biết sau khi tập boxing họ cảm thấy cơ thể lẫn tinh thần tràn đầy năng lượng hơn. Vậy boxing là gì, lợi ích cụ thể ra sao,... hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin sau đây nhé.
Boxing là gì?
Nếu bạn thắc mắc boxing là gì thì đây là bộ môn thể thao mang tính đối kháng cao. Người chơi boxing sẽ thực hiện các động tác kỹ thuật cơ bản sử dụng cả hai tay, cụ thể là đấm thẳng, đấm vòng và đấm móc. Ngoài ra, môn boxing cũng đòi hỏi người chơi phải di chuyển chân và cơ thể một cách linh hoạt và khéo léo.
Khi tham gia môn thể thao boxing, người chơi sẽ tập trung cao độ, liên tục quan sát, di chuyển, phản đòn và né đòn. Nếu bạn có xem những trận đấu boxing chuyên nghiệp sẽ thấy, người đấu sẽ dùng các kỹ thuật phù hợp nhắm vào những vị trí có thể ra đòn khiến cho đối thủ gục xuống sẽ giành chiến thắng.
Lịch sử Boxing bắt nguồn từ đâu?
Boxing có nguồn gốc sâu xa từ các nền văn minh cổ đại và chuyển sang hình thức có tổ chức, được quản lý mà chúng ta biết ngày nay.
Lịch sử của quyền anh có thể bắt nguồn từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên, như được mô tả trong các bức chạm khắc phù điêu của người Sumer.
Vào thời La Mã cổ đại, quyền anh vô cùng phổ biến, thường xuyên diễn ra giữa các đấu sĩ. Găng tay da dùng để bảo vệ tay đã đổi thành găng tay kim loại đính đá, khiến bộ môn này trở nên nguy hiểm hơn, hậu quả là đã dẫn đến cái chết của vô số đấu sĩ. Cùng với sự suy tàn của Đế chế La Mã, môn quyền anh gần như cũng chìm vào quên lãng trong nhiều thế kỷ.
Cho đến thế kỷ 17, môn đấu boxing có tổ chức đã được hồi sinh lại tại Anh với hình thức đấu tay không. Môn thể thao này nhanh chóng phát triển, kéo theo số tiền mà giới quý tộc giàu bỏ ra đặt cược vào đấu sĩ yêu thích ngày càng cao hơn. Điều này đòi hỏi cần phải thiết lập các quy tắc đối với bộ môn boxing này. Năm 1867, Quy tắc Queensbury được đưa ra, đặt nền móng cho môn quyền anh hiện đại bằng cách tiêu chuẩn hóa kích thước vòng đấu, chiều dài và hành vi của võ sĩ. Những quy định này cũng bắt buộc các võ sĩ phải sử dụng găng tay để bảo đảm an toàn.
Cho đến những năm 90, quyền anh vẫn còn được yêu thích rộng rãi. Tuy nhiên, những năm về sau này, sự yêu thích và quan tâm dành cho quyền anh ngày càng giảm sút, đặc biệt là ở Mỹ. Môn thể thao này hiện dần được chuyển hướng tập trung sang võ thuật tổng hợp (MMA) và các môn thể thao chiến đấu khác của nhiều vận động viên.
Các loại boxing
Sau khi bạn đã hiểu boxing là gì, boxing có nguồn gốc từ đâu thì đến phần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các loại boxing phổ biến.
Boxing hiện đại ngày nay được chia thành hai loại chính, bao gồm boxing nghiệp dư và boxing chuyên nghiệp. Với bộ môn boxing nghiệp dư, người ta sẽ dựa vào điểm số nhiều hơn là sát thương vật lý gây ra cho đối thủ để xác định người chiến thắng. Hơn nữa, thời gian diễn ra trận đấu boxing nghiệp dư cũng không dài như loại boxing chuyên nghiệp; theo đó boxing nghiệp dư sẽ có 3 hiệp, mỗi hiệp dài 3 phút. Các võ sĩ có thời gian nghỉ nghỉ giữa các hiệp là 1 phút.
Trong khi đó, võ sĩ boxing chuyên nghiệp sẽ phải chiến đấu từ 10 đến 12 hiệp. Họ cũng không được phép sử dụng mũ đội đầu. Rất nhiều võ sĩ bắt đầu sự nghiệp từ loại hình nghiệp dư trước khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp.
Các kỹ thuật boxing cơ bản
Để tham gia boxing, người chơi phải nắm các kỹ thuật boxing cơ bản, sau đó sẽ dần phát triển phong cách cá nhân của riêng mình.
Dưới đây là ba phong cách được công nhận rộng rãi gắn liền với các kỹ thuật chơi boxing hiện nay:
Phong cách Swarmer
Đây là phong cách dành cho những người có tầm đánh ngắn, đôi chân phải luôn nhanh nhẹn. Nếu chọn phong cách swarmer, người chơi sẽ chọn vị trí phù hợp gần đối thủ, tấn công liên tục và dồn dập để gây sức ép cho đối thủ, chủ yếu sử dụng kỹ thuật đánh trên và móc là chính. Joe Frazier, Mike Tyson, Manny Pacquiao và Gennady Golovkin là những võ sĩ nổi tiếng của lối chơi này.
Phong cách Out-fighter
Tương tự swarmer, người chơi phong cách out-fighter cũng đòi hỏi phải có đôi chân vô cùng nhanh nhẹn. Tuy nhiên, khác với swarmer, võ sĩ out-fighter sẽ duy trì khoảng cách với đối thủ, chủ yếu sử dụng các kỹ thuật boxing đấm tầm xa, điển hình là đâm và chéo. Muhammad Ali, Sugar Ray Leonard và Floyd Mayweather Jr là những võ sĩ ngoại hạng nổi tiếng theo phong cách này.
Phong cách Slugger
Phong cách Slugger trong boxing là gì? Đó là dùng sức mạnh thô sơ thay cho sự khéo léo. Các tay đấm chọn lối chơi slugger thường sử dụng kỹ thuật chơi chậm chạp, tương đối dễ đoán nhưng có thể chỉ bằng một cú đấm là đã có thể hạ gục đối thủ. George Foreman và Vitali Klitschko là hai võ sĩ nối tiếng của lối chơi này.
Lợi ích khi tập boxing
Dù bạn chọn chơi môn thể thao nào cũng đều tốt cho sức khỏe nếu duy trì đều đặn và tập luyện đúng cách. Vậy tập boxing tốt cho sức khỏe ra sao? dưới đây là những tác dụng đối với sức khỏe của bộ môn boxing:
Phát triển cơ bắp toàn thân
Khi chơi boxing, bạn buộc phải dồn lực nhiều tại cánh tay để có thể thực hiện những cú đấm thẳng, đấm móc,... Ngoài ra, hai chân thường xuyên phải mở rộng bằng vai và tập trung giữ thăng bằng cho cơ thể để việc di chuyển được dễ dàng, vững chắc. Vì vậy, người chơi boxing cơ thể luôn phải vận động hết công suất, các khối cơ nhờ đó cũng phát triển săn chắc hơn.
Tăng phản xạ của tay và mắt
Với bộ môn boxing, người chơi phải phối hợp nhuần nhuyễn tay và mắt để quan sát đối thủ, chọn thời cơ ra đòn nhanh chóng khi đối thủ còn chưa kịp ứng phó. Dần dần thành thói quen, phản xạ né tránh lẫn ra đòn của người chơi boxing cũng trở nên nhạy bén hơn.
Giúp giảm căng thẳng
Theo nghiên cứu cho thấy, tập boxing giúp người chơi xả stress hiệu quả, sau khi tập tinh thần lẫn cơ thể đều được thư giãn và giải tỏa vì liên tục đấm vào đệm đấm. Chắc nhiều người chưa biết, các động tác boxing có khả năng giải phóng hormone endorphin - một hormone có công dụng giảm stress, tăng cường chức năng não bộ cũng như giúp giảm đau hiệu quả.
Đốt cháy calo, giúp giảm cân
Boxing giống như bài tập HIIT với cường độ cao. Tập boxing giúp cơ thể đốt cháy khoảng 400 - 500 calo (vận động viên chuyên nghiệp sẽ nhiều hơn). Do đó, đây là một trong những môn thể thao có tác dụng giúp giảm cân vô cùng hiệu quả, bên cạnh kết hợp một chế độ ăn uống hợp lý.
Chưa kể, tập boxing còn giúp phổi và cơ tim hoạt động tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường cũng như giúp máu lưu thông tốt.
Rèn luyện khả năng tự vệ
Một lợi ích đáng kể của môn boxing là giúp bạn rèn luyện khả năng tự vệ. Trong cuộc sống không thiếu những tình huống bất ngờ xảy ra. Nhờ khả năng phản xạ nhanh nhạy, kỹ thuật phản đòn bằng những cú đấm hoặc đá, bạn có thể bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm hoặc có thể bảo vệ những người khác trước những mối đe dọa.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn boxing là gì, các phong cách chơi boxing cũng như những lợi ích sức khỏe mà môn thể thao này mang lại. Để phát huy hết lợi ích của boxing mang lại, bạn cần tìm hiểu boxing từ những điều cơ bản, tập đúng cách để tránh gây chấn thương đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm:
- 7 bài tập thể dục cho não giúp cải thiện sức khỏe tinh thần
- Tổng hợp các bài tập cơ sàn chậu cực tốt cho nữ giới