Bệnh trĩ gây ra những phiền toái, khó chịu tới sức khỏe và cuộc sống, là vấn đề chung mà hàng triệu người gặp phải. Mặc dù mọi người thường cảm thấy xấu hổ nhưng việc điều trị sớm bệnh trĩ là rất quan trọng. Trong bài viết sau, chúng ta hãy cùng tìm hiểu việc dùng thuốc giãn cơ vòng hậu môn hay thuốc suy giãn tĩnh mạch trĩ trong điều trị bệnh trĩ.
1. Thế nào là bệnh trĩ?
Bệnh trĩ là tình trạng khi các tĩnh mạch ở trực tràng hoặc hậu môn bị sưng lên và viêm. Mặc dù bệnh trĩ thường không quá nghiêm trọng nhưng có thể gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Theo báo cáo thống kê cho thấy, ở Hoa Kỳ, trung bình 20 người sẽ có 1 người bị bệnh trĩ. Ở những người độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, tỷ lệ mắc bệnh trĩ lên tới 50%.
Các triệu chứng thường gặp là chảy máu trực tràng, ngứa và đau. Bệnh trĩ xảy ra bên trong trực tràng là trĩ nội hoặc gần cửa hậu môn là trĩ ngoại. Khi một khối trĩ đẩy qua lỗ hậu môn thì được gọi là trĩ lồi hoặc trĩ sa ra ngoài. Các búi trĩ ngoại có thể hình thành các cục máu đông sưng tấy và đau đớn.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh trĩ có thể bao gồm:
- Chảy máu trực tràng là triệu chứng phổ biến nhất.
- Đi tiêu đau đớn.
- Ngứa hậu môn.
- Sưng mô trực tràng.
- Rò rỉ phân.
- Trĩ nội có thể dẫn đến chảy máu do rặn và táo bón, máu có thể đẩy qua lỗ hậu môn.
- Chảy máu búi trĩ thường để lại màu đỏ tươi trên giấy vệ sinh, trong phân hoặc trong bồn cầu.
2. Nguyên nhân nào gây ra bệnh trĩ?
Tình trạng sưng tấy hậu môn gây ra trĩ có thể do một số nguyên nhân, bao gồm
- Sự gia tăng áp lực trong các tĩnh mạch của hậu môn như khi mang thai hoặc béo phì, thừa cân có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng trĩ.
- Tăng áp lực hậu môn do có khối u vùng chậu.
- Đứng hoặc ngồi quá nhiều trong thời gian dài do đặc tính của một số công việc như nhân viên văn phòng ngồi máy tính nhiều giờ,...
- Căng thẳng, khó khăn khi đi vệ sinh do những thói quen như đọc sách khi đi đại tiện,...
- Táo bón mãn tính, kéo dài.
- Vận động ít, hạn chế.
- Chế độ ăn nghèo chất xơ.
- Ho, hắt xì, nôn mửa nhiều.
- Nín thở khi cố gắng dùng sức trong lao động chân tay,...
Trong đó, táo bón là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh trĩ.
3. Thuốc giãn cơ vòng hậu môn là thuốc gì?
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ như thuốc mỡ, thuốc xịt, kem bôi trĩ và thuốc đạn. Các sản phẩm điều trị bệnh trĩ có thể chứa các chất gây tê cục bộ với mục đích giảm đau, hoặc chứa corticosteroid nhằm giảm ngứa hay thuốc co mạch tại chỗ hay để giảm sưng, và thuốc giãn cơ vòng hậu môn. Dạng thuốc kem bôi và thuốc mỡ thường được sử dụng cho bệnh trĩ nội và cả trĩ ngoài, còn thuốc đạn được sử dụng bằng cách đưa vào bên trong trực tràng để điều trị bệnh trĩ nội.
Tác dụng của thuốc giãn cơ vòng hậu môn chủ yếu tác động vào cơ vòng hậu môn. Thuốc giãn cơ vòng hậu môn làm giãn cơ vòng, từ đó làm giảm co thắt. Nhờ tác dụng của thuốc giãn cơ vòng hậu môn, các tổ chức tổn thương sẽ không bị đè ép do búi trĩ nên giúp giảm ngay cơn đau. Có thể nói, chỉ khoảng 15 phút ngay sau khi vừa dùng thuốc giãn cơ vòng hậu môn là người bệnh đã có thể cảm thấy dễ chịu ngay.
Thuốc trimebutin (proctolog) là thuốc giãn cơ vòng hậu môn điển hình được dùng để điều trị bệnh trĩ. Thuốc giãn cơ vòng hậu môn trimebutin (proctolog) có tác dụng kháng muscarin, ngoài ra còn có một phần tác dụng giống như opioid - một chất giảm đau trung ương đặc biệt mạnh, cũng như một phần có tác dụng giãn cơ thắt hậu môn. Ngoài tác dụng chính là kháng muscarin để giảm nhu động ruột, thuốc giãn cơ vòng hậu môn trimebutin (proctolog) rất có tác dụng với cơ thắt hậu môn, làm cơ thắt hậu môn giãn ra đúng như mong muốn điều trị bệnh trĩ.
Thuốc giãn cơ vòng hậu môn được điều chế dưới hai dạng là thuốc mỡ và thuốc đạn. Thuốc giãn cơ vòng hậu môn dạng thuốc đạn dùng bằng cách nhét vào hậu môn. Trong khi đó, thuốc giãn cơ vòng hậu môn thuốc mỡ thì được bôi bên ngoài và bơm vào trong hậu môn. Dùng thuốc giãn cơ vòng hậu môn vào buổi tối hoặc ngay khi có cơn đau cấp tại hậu môn. Một ngày dùng thuốc giãn cơ vòng hậu môn không quá 2 lần hoặc không quá 2 viên đạn.
4. Bên cạnh việc dùng thuốc giãn cơ vòng hậu môn điều trị bệnh trĩ cần lưu ý gì?
Ngoài việc dùng thuốc giãn cơ vòng hậu môn, dưới đây là những biện pháp giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ hiệu quả:
- Tránh táo bón và rặn khi đi cầu.
- Tránh ngồi trong thời gian dài, hãy nghỉ ngơi hoặc đi dạo ít nhất một đến hai giờ một lần.
- Có một chế độ ăn nhiều chất xơ và ít thực phẩm chế biến sẵn như ăn chủ yếu là rau, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc để tránh táo bón.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt, hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung chất xơ.
- Uống nhiều nước (khoảng 6 cốc đến 8 cốc nước mỗi ngày) và tập thể dục thường xuyên, ít nhất 20 phút mỗi ngày bằng cách đi bộ nhanh hoặc các bài tập thể dục nhịp điệu khác.
- Khi cảm thấy muốn đi tiêu, đừng hoãn việc đi vệ sinh.
- Có thể dùng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để trị táo bón và giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh trĩ.
- Hãy đi khám nếu bị táo bón liên tục, lâu ngày.
- Ngâm mình trong bồn nước ấm để xoa dịu vùng hậu môn và cải thiện lưu lượng máu: Ngồi trong khoảng 3 inch nước ấm trong 15 phút hoặc lâu hơn, vài lần một ngày sẽ giúp giảm sưng ở khu vực trĩ và thư giãn cơ vòng hậu môn đang siết chặt. Cách làm này đặc biệt tốt sau khi đi đại tiện.
- Cho một ít thuốc mỡ vào bên trong hậu môn để làm giảm đau rát hoặc sử dụng kem hydrocortisone 1% thoa lên vùng da bên ngoài hậu môn (không phải thoa vào bên trong) cũng có thể làm giảm ngứa.
- Sau khi đi đại tiện, hãy lau nhẹ nhàng bằng khăn lau trẻ em, khăn ướt hoặc miếng tẩm thuốc.
- Hãy thử chườm một túi lạnh đơn giản lên vùng đau trong vài phút để làm tê và giảm sưng.
- Mặc quần áo rộng rãi bằng vải thoáng khí như cotton có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.
Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Bài viết tham khảo: nld.com.vn, benhvienninhbinh.vn, suckhoedoisong.vn, medlatec.vn, webmd.com, drugs.com, healthline.com