Ngài Quả Khanh bảo: “Chúng ta từ khi sinh ra trong cõi dục giới này, vì chấp trước ái luyến mà biến thành ngu si, do ngu si nên chìm đắm trong tình yêu nam nữ, hám danh mê lợi, sa vào đầm lầy ái kiến, do vậy mà mất đi chánh lộ. Cũng do tham ái, bị sân, si, mạn, nghi trói buộc vì vậy trôi lăn trong tam giới lục đạo, chìm trong biển khổ sinh tử chẳng biết hồi đầu, càng khó biết được nghiệp duyên kiếp trước. Đời này không những tự tạo đủ ác nghiệp làm ô nhiễm bản tâm, còn dạy người tạo ác, tàn phá tịnh mệnh.
Chẳng hạn như hướng dẫn người sát sinh ăn thịt, các chương trình gia chánh dạy giết vật chế biến… ca ngợi giết, hoặc giới thiệu, chỉ điểm các chỗ ăn nhậu, uống rượu, tà dâm, xúi giục vọng ngữ, trộm cắp, nói phải thành trái v.v… đều thuộc tội phá tịnh mệnh người. Trong Kinh Địa Tạng giảng: Người trong thế giới Ta bà “cử tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”.
Có những chuyện nhìn theo phàm phu thì thấy hỗ trợ người là tốt, nhưng nhìn theo con mắt xuất thế thì là tội! Thế gian như mộng huyễn, đều là không cứu cánh, mà pháp xuất thế là pháp chân chánh giúp người giác ngộ.
Tu là không tạo nghiệp
Chẳng hạn như việc bạn giết gà mổ cá cho cha mẹ dùng, nếu nhìn theo con mắt thế gian thì bạn là hiếu tử, nhưng nhìn theo pháp xuất thế ắt sẽ định là: Bạn phạm tội sát sinh bao gồm cả tội giới thiệu hoặc mời thỉnh, xúi giục người ăn nhậu hải sản v.v… vì vậy mà khi báo, đài, các chương trình quảng cáo cho trình chiếu cảnh giết thịt làm thức ăn… đều là tạo nghiệp trong vô hình mà không hay.
Do không hiểu Phật pháp nên ngu muội, thành ra làm việc thiện ác lẫn lộn không biết phân biệt. Hiếu thuận đương nhiên là tốt, tương lai bạn sẽ sinh được con hiếu thuận. Nhưng do bạn phạm lỗi sát sinh ăn thịt, tội này nhất định kiếp sau bạn phải đem thân hoàn trả. Vậy bạn nói xem? Chuyện này có quan trọng không?
Không ai phủ nhận nết tốt: Bạn đã tiết kiệm nhín nhút để mua thịt cá, hải sản về cho cha mẹ dùng. Nhưng chính vì nghiệp sát này mà sẽ có một con hoặc vài con vật tìm đến báo oán và sẽ đầu thai làm con bạn, để tương lai chúng sẽ dồn bạn vào cảnh thống khổ tận cùng. Đến lúc đó, do bạn không hiểu nên sẽ khởi tâm oán trời trách người: Vì sao một kẻ hiếu thuận như bạn lại sinh ra nghịch tử? Mà hoàn toàn không biết đó là do bạn tự làm tự gánh.
Thế nên, đã muốn hiếu thuận cha mẹ đúng pháp trọn vẹn, thì phải học thuộc câu Phật dạy: “Các điều ác không làm” và sáng suốt hành theo, đây mới là chánh đạo. Bạn cần khuyên cha mẹ giữ ngũ giới, tu thập thiện, niệm Phật. Đó mới là hiếu chân chánh.”
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Từ sáng đến tối mình tạo thân nghiệp, tạo khẩu nghiệp, tạo ý nghiệp. Thử xét tư tưởng của mình: Hết tưởng người nầy không tốt lại tưởng người kia đối với mình không đẹp; tưởng người nọ đối với mình nghĩ như vầy, nói thế kia, cho nên trong lòng tạo ra đủ thứ nghiệp tham, sân, si. Ở nơi miệng, mình cũng tạo nghiệp, nào là nói thị phi, hoặc là nói láo, nói lời thêu dệt, nói điều ác ôn, nói điều đâm chọc hai đầu làm cho người nầy người kia bất hòa.
Có những người một ngày không nói những chuyện thị phi thì giống như một ngày họ không sống vậy. Một ngày không nói láo giống như ngày đó họ không có cơm ăn vậy, họ cảm thấy rất là khó chịu, nên từ sáng tới tối phải nói chuyện thị phi, nói chuyện láo lếu thì họ mới sống được. Các vị coi thử mấy người nầy có kỳ quái chăng? Thật làm cho người ta tốn công giải thích!
Những người có tật xấu mà tự mình không nhận lỗi, lại còn che đậy, bao che cho cái tội của mình. Cho rằng mình đâu có nói dối, mình nào có vọng tưởng, mình cũng chẳng có dục niệm, đeo cái mặt nạ giả để đi lừa người khác. Kỳ thật ở đời nầy làm sao mình có thể lừa được ai? Chẳng những mình không lừa được người khác mà tự mình cũng không lừa được chính mình. Tại sao vậy? Tại vì khi mình có vọng tưởng, thì thử hỏi xem mình có biết hay không? Nếu mình biết thì mình không cách gì lừa được mình. Nếu không lừa được chính mình, thì làm thế nào để lừa người khác chứ? Chỉ có người ngu si thì mới đi lừa kẻ khác thôi.
Người không thật sự tu hành thì mang mặt nạ, lòng dạ đen tối, không giữ quy luật, chẳng làm chuyện quang minh chính đại, song không chịu thừa nhận. Do đó trong sự sinh hoạt hằng ngày, y giống như kẻ được sinh ra trong say đắm, chết đi trong mộng mị.”