Uống bia mặt đỏ là nhóm máu gì? Hiện nay, có 8 nhóm máu chính được xác định và phân loại theo hệ thống ABO và hệ thống Rh. Nhiều người cho rằng những người thuộc nhóm máu O khi uống rượu sẽ bị đỏ mặt. Vậy điều này có thật sự đúng? Hãy cùng chúng tôi làm sáng tỏ qua bài viết sau đây.
Tại sao nhiều người bị đỏ mặt khi uống rượu bia?
Các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng đỏ mặt sau khi uống rượu có thể liên quan đến một biến đổi gen nào đó dẫn đến khả năng xử lý rượu trong cơ thể bị yếu đi. Hiện tượng da ửng đỏ sau khi uống rượu bia là điều khá phổ biến ở người châu Á. Uống bia đỏ mặt có thể do các nguyên nhân sau:
Cơ địa nhạy cảm
Nguyên nhân chủ yếu gây đỏ mặt khi uống bia, rượu là cơ địa nhạy cảm và ít dung nạp thức uống có cồn. Trong đó, ethanol là chất có mặt trong nước uống có cồn, từ đó gây ra tình trạng đỏ mặt. Ethanol khi được nạp vào cơ thể thì hệ tiêu hóa sẽ phân hủy thành chất chuyển hóa để đào thải ra ngoài, trong đó có acetaldehyd - một chất khá độc hại với cơ thể.
Đối với một số người, khi uống lượng bia, rượu vừa phải, cơ thể có thể đào thải khá tốt và không gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở người có cơ địa nhạy cảm hoặc uống quá nhiều rượu, chất acetaldehyde không được đào thảo tốt sẽ tích tụ trong cơ thể. Việc tích tụ acetaldehyde làm giãn nở các mạch máu trên mặt, gây ra hiện tượng đỏ mặt và có thể lan rộng đến cổ và ngực. Ngoài ra, người có cơ địa nhạy cảm còn có thể gặp các triệu chứng khác như: Buồn nôn, tim đập nhanh, mệt mỏi,…
Mức độ đỏ mặt khi uống rượu là khác nhau ở mỗi người, có những người chỉ gặp phản ứng đỏ mặt nhẹ, trong khi người khác có phản ứng rõ rệt hơn. Đồng thời, có những người đỏ mặt sau khi chỉ uống một chút rượu, trong khi người khác cần uống nhiều hơn mới gặp hiện tượng này.
Yếu tố di truyền
Ngoài ra, tình trạng uống bia đỏ mặt còn liên quan đến yếu tố di truyền. Cụ thể là enzyme chuyển hóa trong gan aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2). Chất này có nhiệm vụ phá vỡ acetaldehyd - sản phẩm chuyển hóa gây độc của ethanol và từ đó giảm độ gây hại của acetaldehyde với cơ thể.
Tuy nhiên, do yếu tố di truyền mà một số người có khả năng tổng hợp enzyme ALDH2 kém hơn, vì thế acetaldehyd cũng thường bị tích tụ lại sau khi uống thức uống có cồn.
Uống bia mặt đỏ là nhóm máu gì?
Một số quan niệm cho rằng những người phụ nữ thuộc nhóm máu AB uống rượu bia thì mặt sẽ bị đỏ, và những người đàn ông hay đỏ mặt khi uống rượu thì thuộc nhóm máu O. Tuy nhiên, đây là thông tin hoàn toàn không chính xác và không hề có cơ sở khoa học. Các nguyên nhân về cơ địa và yếu tố di truyền đã thấy rằng rõ ràng không chỉ những nhóm máu này dễ bị đỏ mặt mà tất cả các nhóm máu đều có khả năng.
Bên cạnh đó, quan niệm rằng máu nhóm O uống rượu bia gây đỏ mặt là không chính xác và chưa được khoa học chứng minh. Điều này chỉ là một quan niệm dựa trên kinh nghiệm của người dân thông thường, vì rất nhiều người thuộc các nhóm máu A, B, AB cũng có thể bị đỏ mặt khi uống rượu bia.
Uống bia đỏ mặt có nguy hiểm không?
Tuy rằng, việc uống bia đỏ mặt không nguy hiểm nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn khác. Hiện tượng đỏ mặt khi uống rượu là dấu hiệu cho thấy gan bạn đang quá tải. Những người bị đỏ mặt khi uống rượu có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh về gan, cao huyết áp, đặc biệt là ung thư thực quản.
Ngoài các biến chứng về tim mạch và huyết áp, nếu lạm dụng quá nhiều bia rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe. Nồng độ độc tố acetaldehyde trong máu cao sẽ gây hại và làm biến đổi DNA của tế bào, khiến ung thư phát triển và lan rộng. Các bệnh ung thư đường tiêu hóa có liên quan đến độc tố acetaldehyde gây đỏ mặt bao gồm: Ung thư mũi, ung thư thực quản, ung thư họng,...
Cách làm giảm tình đỏ mặt sau khi uống rượu bia
Theo chia sẻ của một số bác sĩ và người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có cồn, có nhiều phương pháp để giảm tình trạng đỏ mặt khi uống rượu bia, trong đó có những phương pháp mang lại hiệu quả ngay lập tức. Dưới đây là một số biện pháp để cải thiện tình trạng uống bia đỏ mặt như:
- Uống nhiều nước lọc để tránh mất nước.
- Uống trà gừng nhằm giảm nhẹ tình trạng buồn nôn.
- Ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin C,...
- Chườm khăn lạnh lên da sẽ làm co các mạch máu trên khuôn mặt, giảm lưu lượng máu và làm giảm tình trạng đỏ mặt khi uống rượu.
Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường cung cấp một số sản phẩm thực phẩm chức năng có công dụng giải rượu có khá nhiều dạng như viên, nước uống,... Bạn có thể tìm mua một số sản phẩm uy tín tại Nhà thuốc Long Châu như: Nước giải rượu Condition, Nước giải rượu bia Ladodetox , Viên giải rượu ME 21,...
Vậy uống bia mặt đỏ là nhóm máu gì? Trên đây là một vài thông tin về sự tương quan giữa việc uống bia đỏ mặt. Có thể thấy rằng quan niệm nhóm máu O uống bia đỏ mặt là hoàn toàn chưa có căn cứ khoa học. Hiện tượng này cho thấy gan bạn đang bị quá tải. Vì vậy, tốt nhất là nên hạn chế tiếp xúc rượu bia khi bạn thuộc nhóm đỏ mặt khi uống bia.