Ngón tay cò súng là tình trạng ngón tay không thể duỗi thẳng và bị kẹt ở tư thế cong vẹo như cò súng. Mổ ngón tay cò súng ở trẻ em có nên không? Các chuyên gia cho biết, ở trẻ nhỏ, ngón tay cò súng có thể được chữa khỏi bằng thuốc và vật lý trị liệu. Nhưng một số khác, trẻ cần được phẫu thuật sớm để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của trẻ.
Ngón tay cò súng ở trẻ em là gì?
Ngón tay cò súng ở trẻ em là tình trạng trẻ gặp khó khăn, có cảm giác hơi cứng, khó gập, có thể có tiếng kêu lách cách thậm chí cảm thấy đau khi cố gắng duỗi thẳng ngón tay. Ngón tay không thể duỗi thẳng và bị kẹt ở tư thế cong vẹo như cò súng ở trường hợp nặng. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào, có thể xuất hiện cùng một lúc nhiều ngón tay và cũng có thể xuất hiện ở cả hai bàn tay. Thường gặp nhất ở ngón cái.
Tình trạng ngón tay cò súng ở trẻ em xảy ra khi bao gân gấp bị viêm, phình to lên gây khó khăn khi di chuyển trong bao gân. Dần dần, vị trí sưng viêm này hình thành khối u sợi, cản trở sự di chuyển của gân, khiến trẻ khó hoặc không thể gập duỗi ngón tay. Nguy cơ ngón tay cò súng ở trẻ tăng cao nếu trẻ có bệnh lý mạn tính: tiểu đường, viêm khớp dạng thấp,…
Phần lớn ngón tay cò súng được phát hiện ở trẻ từ 1 đến 4 tuổi, hiếm khi được phát hiện sớm hơn mặc dù tình trạng này có thể đã hình thành ở giai đoạn bào thai. Tỷ lệ mắc phải ngón tay cò súng là 0.3% trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, thường gặp hơn ở trẻ 2 tuổi. Có 4 cấp độ ngón tay cò súng:
- Cấp độ I: Cấp độ nhẹ nhất, thường gây đau ở ròng rọc A1, có thể bị kẹt khi khám hoặc không.
- Cấp độ II: Cảm thấy ngón tay không thể duỗi thẳng chủ động.
- Cấp độ III: Ngón tay cần duỗi thụ động (IIIA) hoặc không thể gập chủ động (IIIB).
- Cấp độ IV: Ngón tay co rút cố định, không thể gập/duỗi thụ động.
Có nên mổ ngón tay cò súng ở trẻ em?
Điều trị ngón tay cò súng ưu tiên các biện pháp không can thiệp, do đó, phẫu thuật ngón tay cò súng ở trẻ chỉ được thực hiện khi ngón tay cò súng ở mức độ nặng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Nếu trẻ có dấu hiệu ngón tay cò súng, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp. Triệu chứng của ngón tay cò súng dễ nhận thấy vào buổi sáng gồm:
- Ngón tay trẻ cong, khó hoặc không thể duỗi thẳng.
- Gập/duỗi ngón tay càng ngày càng cứng, khó thực hiện hơn.
- Sưng, đau ở gốc ngón tay cò súng.
- Đau lòng bàn tay.
Khi nào nên mổ ngón tay cò súng ở trẻ em?
Dựa vào kết quả thăm khám, độ tuổi, tình trạng và mức độ ảnh hưởng của ngón tay cò súng, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị phù hợp:
- Ở trẻ dưới 1 tuổi: Có khoảng 30% trường hợp ngón tay cò súng có thể tự khỏi, bác sĩ chỉ định nẹp ngón tay cò súng cố định ở tư thế duỗi khớp liên đốt trong khoảng 6 tháng.
- Trẻ trên 1 tuổi hoặc ngón tay cò súng nặng: Mổ ngón tay cò súng sẽ được cân nhắc thực hiện. Sau phẫu thuật, trẻ cần tập vật lý trị liệu để đảm bảo hoạt động bình thường của ngón tay.
Quy trình mổ ngón tay cò súng ở trẻ em
Trong mổ ngón tay cò súng ở trẻ em, bác sĩ sẽ rạch một vết cắt ở ngón tay cò súng nhằm giải phóng gân khỏi bao gân mà nó đang bám vào. Qua đó, giúp phần gân này di chuyển trơn tru trong bao gân, hoạt động gập/duỗi ngón tay dễ dàng hơn. Khi thực hiện phẫu thuật, đa số trẻ sẽ được gây mê. Vết mổ được khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Vị trí mổ sẽ được bảo vệ bằng một lớp băng mềm trong khoảng 5 ngày.
Mổ ngón tay cò súng ở trẻ em diễn ra nhanh chóng và trẻ có thể về nhà ngay sau đó. Tuy nhiên, cho đến khi vết mổ lành hẳn, trẻ nên hạn chế sử dụng bàn tay vừa được mổ ngón tay cò súng. Phụ huynh căn dặn trẻ không sờ, chạm tay hay đưa đồ vật vào vết mổ, đồng thời vệ sinh vết mổ cho trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng. Đưa trẻ đến bệnh viện tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay khi: (1)
- Trẻ sốt cao.
- Trẻ quấy khóc nhiều.
- Trẻ cảm thấy đau dữ dội.
- Ngón tay phẫu thuật hoặc cả bàn tay sưng đau.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng tại vết mổ.
Các liệu pháp điều trị ngón tay cò súng ở trẻ khác
Ngoài phương pháp mổ ngón tay cò súng, trẻ nhỏ bị ngón tay cò súng mức độ nhẹ có thể được điều trị theo các cách dưới đây:
1. Điều trị bằng thuốc
Ngón tay cò súng khởi phát, có triệu chứng sưng viêm, trẻ có thể được điều trị bằng một số loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, acetaminophen hoặc naproxen natri. Thuốc có thể được sử dụng ở dạng thuốc bôi tại chỗ, miếng dán hoặc tiêm tại chỗ (thường là corticosteroid hoặc cortisone - thuốc chống viêm mạnh).
Tiêm thuốc steroid có thể mang lại hiệu quả sau một liều tiêm nhưng cũng có trường hợp các triệu chứng tái lại, cần tiêm liều thứ hai. Nếu sau khi đã tiêm hai liều steroid, ngón tay cò súng không cải thiện hoặc tái lại, trẻ cần can thiệp phẫu thuật. Hiệu quả điều trị của thuốc steroid sẽ kém hơn và cần theo dõi chặt chẽ hơn nếu bệnh nhi mắc bệnh tiểu đường.
2. Tập vật lý trị liệu
Bao gân, gân của của trẻ dưới 1 tuổi còn mềm, tình trạng viêm, xơ nhẹ nên ngón tay cò súng sẽ được điều trị bằng phương pháp tập vật lý trị liệu. Đeo nẹp để giữ ngón tay ở tư thế duỗi thẳng kết hợp với các bài tập gập/duỗi ngón tay hằng ngày có thể giúp cải thiện sự di chuyển của ngón tay.
Địa chỉ mổ ngón tay cò súng ở trẻ đáng tin cậy
Khác với người trưởng thành, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm với chúng có hệ miễn dịch non nớt, chưa nhận thức được sự nguy hiểm của các bệnh lý và phòng ngừa bệnh đúng cách. Mặt khác, trẻ còn có nguy cơ mắc phải các bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý di truyền, cần được tầm soát và can thiệp sớm, hạn chế di chứng.
Do vậy, trẻ bị ngón tay cò súng cần được đưa đến bệnh viện uy tín, có chuyên khoa Nhi - Chấn thương chỉnh hình Nhi để được thăm khám và điều trị.
Khoa Nhi thuộc Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh hiện đang là địa chỉ được nhiều bố mẹ an tâm lựa chọn để thăm khám và chăm sóc sức khỏe của trẻ. Được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, khoa Nhi - BVĐK Tâm Anh cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh thân thiện, hiệu quả và tối ưu nhất:
- Đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội nhi và Ngoại nhi.
- Trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy móc chuyên dụng cho thăm khám Nhi khoa.
- Có sự phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác nhằm mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho trẻ.
- Luôn cập nhật các kỹ thuật thăm khám, điều trị mới nhất, hạn chế xâm lấn và kháng sinh.
- Mỗi bệnh nhi sẽ được thăm khám và điều trị theo một phác đồ riêng, an toàn và tối ưu nhất.
- Nhân viên chăm sóc, phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp.
- Dịch vụ thăm khám, điều trị bệnh đa dạng.
- Tư vấn, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp để trẻ khỏe mạnh.
Câu hỏi thường gặp khi mổ ngón tay cò súng ở trẻ em
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về mổ ngón tay cò súng ở trẻ em:
1. Mổ ngón tay cò súng có nguy hiểm không?
Mổ ngón tay cò súng ở trẻ em được thực hiện bởi các bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm nên thường sẽ không gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể gặp các vấn đề như tổn thương gân, tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng, ngón tay cò súng phát sau phẫu thuật,… (2)
Do vậy, phụ huynh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để điều trị ngón tay cò súng cho trẻ. Trẻ sau phẫu thuật cần được theo dõi chặt chẽ, chăm sóc và thăm khám đúng theo chỉ định.
2. Phẫu thuật ngón tay cò súng ở trẻ bao lâu lành?
Nếu trẻ có diễn tiến tốt, ngón tay cò súng sẽ lành lại và cử động bình thường sau khoảng 6 tuần sau phẫu thuật.
3. Trẻ mổ ngón tay cò súng có bị lại không?
Hầu hết mổ ngón tay cò súng ở trẻ em đều có đáp ứng tốt và khi kết hợp với tập vật lý trị liệu sau mổ, tỷ lệ cử động lại bình thường gần như là tuyệt đối. Nhưng một số trường hợp, trẻ bị tái lại sau khi đã mổ ngón tay cò súng.
Do vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ khi nhận thấy bất thường ở ngón tay đã phẫu thuật và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:
Mổ ngón tay cò súng ở trẻ em chỉ được thực hiện khi ngón tay cò súng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của trẻ. Phát hiện và có biện pháp can thiệp sớm có thể làm giảm nguy cơ trẻ phải mổ ngón tay cò súng.