Theo quy định hiện hành, quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Cấp cơ sở (trường - cụm trường, viện nghiên cứu), cấp ngành - liên ngành và cấp Nhà nước. Ứng viên nộp hồ sơ cho Hội đồng cơ sở để xét từ dưới lên.
Sau khi các ứng viên được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thì các trường đại học mới tiến hành bổ nhiệm.
Vừa qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được thí điểm bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư, thay vì thông qua Hội đồng Giáo sư Nhà nước như hiện nay.
Để mở rộng và hiểu rõ hơn về quy trình, tiêu chí, quyền lợi cũng như trách nhiệm của giáo sư, phó giáo sư trên thế giới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia hiện đang công tác tại một số đại học ở nước ngoài.
Chức vụ giáo sư tại Úc có hiệu lực 5 năm
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Úc; Giáo sư Y khoa (kiêm nhiệm) Đại học New South Wales chia sẻ, ở Úc cũng như ở các nước Mỹ, Anh, Canada,... việc bổ nhiệm và đề bạt các chức vụ khoa bảng như giáo sư do đại học phụ trách, quy trình có thể tóm tắt trong 4 bước:
Bước 1, ứng viên soạn hồ sơ mô tả thành tựu trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy cũng như những đóng góp cho đại học và quốc gia.
Bước 2, ứng viên đệ trình hồ sơ lên đại học. Sau đó đại học sẽ thành lập một hội đồng để thẩm định hồ sơ.
Bước 3, hội đồng tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu thấy ứng viên có triển vọng, hội đồng sẽ gửi ra ngoài trường cho các giáo sư khác bình duyệt.
Bước 4, sau khi có báo cáo bình duyệt của các giáo sư bên ngoài trường, hội đồng sẽ quyết định đề bạt ứng viên đó hay không. Trước đây, hội đồng có thể phỏng vấn ứng viên để có thêm thông tin, nhưng hiện nay các hội đồng hiếm khi thực hiện khâu này.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, thông thường, hội đồng thẩm định hồ sơ của ứng viên qua 3 tiêu chí chính, đó là nghiên cứu khoa học; giảng dạy và đào tạo; hoạt động chuyên ngành, xã hội, lãnh đạo.
Tiêu chí nghiên cứu khoa học được thể hiện qua quá trình nghiên cứu và công bố khoa học; phẩm chất khoa học; tầm ảnh hưởng. "Tại Úc, không có bất cứ một quy định là ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được bổ nhiệm hay đề bạt. Đồng thời cũng không có bất cứ một con số nào về trích dẫn để nói là xứng đáng chức vụ giáo sư, bởi vì đây chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn. Hội đồng sẽ đánh giá toàn diện quá trình nghiên cứu", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tiêu chí giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách các khóa học, thể hiện sự sáng tạo trong giảng dạy, kèm theo chứng cứ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho giáo sư ngạch nghiên cứu). Ngoài ra, giảng dạy ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn học viên sau đại học như nghiên cứu sinh và hướng dẫn postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ).
Tiêu chí phục vụ qua các hoạt động chuyên ngành, xã hội và lãnh đạo bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn, đó là: Đóng góp cho chuyên ngành; đóng góp cho quốc gia nói chung; vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học.
Trong đó, đóng góp cho chuyên ngành thể hiện qua các vai trò tình nguyện trong các hiệp hội cấp quốc gia và quốc tế, qua vai trò bình duyệt và biên tập trong các tập san khoa học chính thống. Đóng góp cho xã hội thể hiện qua vai trò trong các hội đồng tư vấn cấp quốc gia cho Chính phủ và các tập đoàn kĩ nghệ; tham gia tranh luận các vấn đề xã hội trên các diễn đàn cấp quốc gia và quốc tế.
Lãnh đạo tri thức và khoa học rất quan trọng, đặc biệt ở cấp giáo sư thực thụ. Lãnh đạo thể hiện qua các vai trò lãnh đạo trong hiệp hội và tập san khoa học. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các bài xã luận, bình luận được các tập san mời viết hay các giải thưởng và chức danh danh dự từ các đại học khác.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhìn nhận, việc giao quyền công nhận giáo sư, phó giáo sư cho các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, nhất là trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Khi một đại học có hội đồng bổ nhiệm và đề bạt giáo sư, thì đơn vị đó sẽ chủ động hơn trong việc tuyển chọn những ứng viên thích hợp cho sứ mệnh và mục tiêu của mình", Giáo sư Tuấn nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney cho biết thêm, tại Úc, khi một ứng viên được đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư, ngoài việc được tăng lương, họ còn được giao thêm nhiệm vụ quản lý trong đại học và tham gia các hội đồng quan trọng của đại học. Các đại học Úc xem mỗi giáo sư là một nhà lãnh đạo - không chỉ là lãnh đạo trong đại học mà còn là lãnh đạo tri thức ngoài xã hội.
Theo quy định tại Úc, chức vụ giáo sư có hiệu lực 5 năm. Sau 5 năm, đại học đánh giá lại và quyết định có nên tiếp tục bổ nhiệm hay không.
"Nếu một giáo sư đã nghỉ hưu thì theo quy định họ không được sử dụng chức danh này nữa. Tuy nhiên, đối với một số giáo sư có công lớn hay có những thành tích mà đại học trân trọng, thì họ sẽ có một ‘nghị quyết' trao chức danh ‘Emeritus Professor’ (có nơi viết là ‘Professor Emeritus’, cựu giáo sư) cho giáo sư đã nghỉ hưu", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thêm.
Quy trình công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư tại Mỹ do đại học tự quy định
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật (hiện đang công tác tại Đại học Texas - Austin, một trong 10 đại học công lập hàng đầu của Mỹ về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ, theo US News) cho biết: "Quy trình công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư ở Mỹ là một quy trình phức tạp và đa dạng, thường được quy định bởi từng trường đại học và từng khoa cụ thể. Ở đây tôi chỉ đưa ra tổng quan về quy trình và các tiêu chí chính.
Đầu tiên, có 3 tiêu chí chung được dùng để đánh giá, đó là chất lượng về nghiên cứu và công bố khoa học; Chất lượng về giảng dạy; Sự đóng góp trong khoa, trong trường, cũng như trong ngành".
Theo Giáo sư Minh Nhật, về nghiên cứu và công bố khoa học, để được bổ nhiệm ứng viên giáo sư cần có thành tích nghiên cứu xuất sắc và công bố nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học, hội nghị uy tín trong lĩnh vực của họ.
Đặc biệt, ở các đại học hàng đầu, ứng viên cần chứng minh được bản thân đã trở thành chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực. Ngoài ra, kinh nghiệm và khả năng của ứng viên trong việc hướng dẫn sinh viên, đặc biệt là thạc sĩ, tiến sĩ và sau tiến sĩ trong các dự án nghiên cứu cũng được xem xét.
Thêm vào đó, các giải thưởng về nghiên cứu, danh hiệu học thuật và sự công nhận từ cộng đồng học thuật cũng là các yếu tố được quan tâm khi bổ nhiệm ứng viên lên phó giáo sư và giáo sư. Cuối cùng, ở một số ngành thực nghiệm, khả năng của ứng viên trong việc thu hút các nguồn tài trợ nghiên cứu từ các quỹ nghiên cứu và các tổ chức tài trợ là rất quan trọng trong việc bổ nhiệm.
Về giảng dạy, ứng viên cần chứng minh được chất lượng giảng dạy, bao gồm cách trình bày bài giảng, khả năng truyền đạt kiến thức cũng như sự tương tác với sinh viên. Các thông số này được các trường thu thập dựa vào phản hồi từ sinh viên thông qua các cuộc khảo sát về đánh giá giảng dạy. Ngoài ra, khả năng của ứng viên trong việc phát triển và cập nhật chương trình giảng dạy, thiết kế các khóa học mới và cải tiến phương pháp giảng dạy cũng là những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng giảng dạy của ứng viên.
Cuối cùng, sự đóng góp của ứng viên vào các hoạt động ngoài giảng dạy và nghiên cứu, như tham gia vào các ủy ban của trường, các tổ chức học thuật và các dịch vụ cộng đồng,... cũng là các yếu tố được xem xét khi bổ nhiệm lên phó giáo sư và giáo sư.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giáo sư Minh Nhật đánh giá, khi các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền công nhận giáo sư, phó giáo sư sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có sự linh hoạt hơn trong việc đánh giá các ứng viên. Chẳng hạn, các trường có thể điều chỉnh quy trình bổ nhiệm phù hợp với mục tiêu và tiêu chuẩn cụ thể của từng đơn vị. Từ đó, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tuyển dụng và phát triển nhân lực.
Bên cạnh đó, việc các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự công nhận giáo sư, phó giáo sư sẽ tạo động lực cho các ứng viên xây dựng và đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và giảng dạy vì họ có thể thấy rõ con đường phát triển nghề nghiệp cũng như các cơ hội thăng tiến trong trường. Điều này cũng giúp thu hút và giữ chân các giảng viên có trình độ cao.
Hơn nữa, việc các trường được tự chủ trong việc công nhận giáo sư và phó giáo sư giúp thúc đẩy sự cạnh tranh tích cực giữa các cơ sở giáo dục đại học. Việc này nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu giữa các trường đại học.
Giáo sư Đại học Texas - Austin cho biết thêm, về cơ bản, sau khi được bổ nhiệm thành phó giáo sư, giáo sư, các trách nhiệm của ứng viên về nghiên cứu, giảng dạy và đóng góp trong trường, khoa cũng sẽ tăng lên nhiều so với trước đó.
"Về nghiên cứu, họ cần tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu của bản thân (thông qua việc tiếp tục công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí và hội nghị uy tín). Ngoài ra, giáo sư, phó giáo sư phải đảm bảo nguồn tài trợ cho các dự án nghiên cứu luôn ở mức ổn định nhằm hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên, đặc biệt là sinh viên sau đại học, trong việc thực hiện nghiên cứu, viết luận án cũng như phát triển nghề nghiệp.
Về giảng dạy, các giáo sư, phó giáo sư phải nâng cao hiệu quả giảng dạy và luôn cải tiến chương trình giảng dạy ở mức cao nhất. Họ cũng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ủy ban trong khoa như ủy ban về tuyển dụng, ủy ban về đánh giá và các hoạt động quản lý học thuật khác", Giáo sư Minh Nhật nhấn mạnh.
Sau khi được bổ nhiệm, giáo sư và phó giáo sư sẽ nhận mức lương cao hơn so với vị trí trước đó. Trong một số trường hợp, họ có thể được hưởng các phụ cấp nghiên cứu, phụ cấp giảng dạy và các khoản trợ cấp khác. Ngoài ra, vị trí giáo sư và phó giáo sư cũng mang lại uy tín và tầm ảnh hưởng cao hơn trong cộng đồng học thuật, nghiên cứu. Họ thường được công nhận như là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình.
Giáo sư Minh Nhật cho hay: "Ở Mỹ, theo tôi biết có hệ thống bổ nhiệm vĩnh viễn (Tenured), nghĩa là sau một khoảng thời gian thử việc (thường là từ 5 đến 7 năm), giáo sư có thể được xem xét để cấp vị trí vĩnh viễn, gọi là “tenured”. Tenured không phải là hàm trọn đời, nhưng nó mang lại sự ổn định và bảo vệ việc làm cao hơn, với khả năng bị sa thải chỉ trong các trường hợp các giáo sư vi phạm một số vấn đề rất nghiêm trọng trong giảng dạy và nghiên cứu".
Giáo sư Nhật chia sẻ thêm, tại Mỹ, khi một giáo sư hoặc phó giáo sư rời khỏi trường đại học đã công nhận chức danh của họ, chức danh này có thể sẽ không được giữ lại. Nếu cá nhân đó chuyển đến một trường đại học khác, họ sẽ được xem xét và cấp chức danh mới dựa trên các tiêu chí của trường đó.
Tại Singapore, giáo sư, phó giáo sư là một vị trí việc làm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trợ lý giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Minh Tân (hiện đang công tác tại Đại học Quốc gia Singapore) đánh giá, có sự khác biệt lớn giữa chức danh giáo sư, phó giáo sư ở một số quốc gia như Singapore, Canada hay các nước châu Âu so với ở Việt Nam.
Thầy Minh Tân lý giải: “Tại Singapore thì giáo sư, phó giáo sư chỉ là tên của một vị trí trong trường đại học thôi. Chẳng hạn, khi chúng ta làm việc tại các công ty có các vị trí như kỹ sư, nhân viên bậc 1, bậc 2 thì chức danh giáo sư, phó giáo sư tại các trường cũng tương tự như thế, đó chỉ là một vị trí việc làm. Bên cạnh đó, trường đại học hoàn toàn có quyền được công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, miễn là ứng viên đủ điều kiện theo quy chuẩn của trường”.
Liên hệ thực tế tại Đại học Quốc gia Singapore, thầy Tân cho biết, để trở thành giáo sư, phó giáo sư thì ứng viên cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định.
Về nghiên cứu, ứng viên cần có các công bố khoa học tại các hội nghị lớn hay các tạp chí uy tín; các công bố có chỉ số ảnh hưởng cao, mỗi trường sẽ tùy chọn từng phương thức khác nhau đo lường mức độ trích dẫn của một ấn phẩm so với các ấn phẩm tương tự.
Tiếp theo là thư giới thiệu từ các giáo sư tại các trường xếp hạng cao hơn Đại học Quốc gia Singapore. Trong thư, ứng viên phải được các giáo sư đó công nhận là chuyên gia hàng đầu về một hoặc hai mảng nghiên cứu.
Ngoài ra, ứng viên cũng cần đáp ứng tiêu chí về giảng dạy, đạt thang điểm đánh giá từ sinh viên. Đối với ứng viên giáo sư, cần thêm một số điều kiện như tham gia hội đồng tuyển sinh, tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề; làm chủ tọa tại các hội nghị, biên tập tại tạp chí lớn…
Về quyền lợi sau khi được bổ nhiệm, thầy Minh Tân cho biết: “Các đại học sẽ đảm bảo quyền lợi làm việc lâu dài, nếu không vi phạm các vấn đề đạo đức hay nội quy của trường, giáo sư, phó giáo sư có thể làm đến khi nghỉ hưu. Đây cũng là điều kiện đảm bảo để họ có thể tập trung làm nghiên cứu, thậm chí cả những nghiên cứu “high risk, high reward” (rủi ro cao, giá trị cao) cũng không lo sợ bị nghỉ việc nếu có thất bại. Bên cạnh đó, tiền lương mà các giáo sư, phó giáo sư nhận được cũng tương xứng, tăng theo từng vị trí”.
Cũng theo thầy Tân, trong trường hợp giáo sư, phó giáo sư thôi giảng dạy, công tác tại Đại học Quốc gia Singapore thì người đó sẽ không được giữ chức danh này nữa.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/giao-su-voi-tien-si-ai-cao-hon-a67445.html