Đã bao giờ có ai đó nhận xét về bạn những câu như: “Sao nhạy cảm vậy?", “Nghĩ gì phức tạp thế?’ hay “Mong manh dễ vỡ vừa thôi!”. Có khi nào bạn dành ra hàng giờ đồng hồ để chiêm nghiệm một tác phẩm nghệ thuật hay liên tục dằn vặt mình vì một lỗi lầm vụn vặt?
Nếu như những câu nói, suy nghĩ và hành động trên không chỉ từng xảy ra mà tần suất quay lại còn khá thường xuyên thì chào mừng bạn đến với “Hội những tâm hồn nhạy cảm".
Đối với phần lớn xã hội, nhạy cảm là một từ miêu tả tính cách mang nghĩa tiêu cực. Mọi người thường nghĩ người nhạy cảm là những người sống rất cảm tính, yếu đuối, dễ kích động và hay phản ứng quá mức đối với mọi thứ xung quanh, trong khi đó có thể là một chuyện hết sức bình thường.
Nhận định trên không hoàn toàn là sai nhưng cũng chưa chắc đúng, nếu chỉ đơn giản hiểu theo cách này thì rất dễ đi đến những phán xét mang tính chủ quan, sai lệch và áp đặt đối với người nhạy cảm.
Cũng giống như vui, buồn hay giận dữ, nhạy cảm là một phần cảm xúc trong tâm hồn mỗi con người và chỉ xuất hiện trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, ở một số cá nhân, phần cảm xúc này lại chiếm phần hơn và được bộc lộ theo nhiều cách khác nhau. Các đặc điểm dễ dàng nhận thấy ở một người nhạy cảm thường gặp là:
- Tiếp nhận và xử lý các kích thích từ môi trường một cách sâu sắc
- Phản ứng mạnh mẽ với tác động (theo hướng tiêu cực lẫn tích cực)
- Hành vi và suy nghĩ thiên về cảm xúc nhiều hơn lý trí
- Nhận thức rõ ràng về những khác biệt nhỏ
- Tính cá nhân cao, cần nhiều thời gian riêng tư
- Dễ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng và phán xét của người khác
- Suy nghĩ nhiều dẫn đến thường xuyên bị quá tải
- Có ngưỡng chịu đựng thấp (về thể chất lẫn tinh thần)
Nếu bạn là một người có hầu hết những đặc điểm trên thì nào, dừng lại một giây và khoan hãy thất vọng về chính mình. Theo thống kê, số người mang tính cách nhạy cảm chiếm đến gần 20% dân số bạn không hề cô đơn mà nghĩ theo hướng tích cực còn có cả một cộng đồng, chỉ là họ vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những nhận xét tiêu cực từ xã hội và có phần ngại mở lòng chia sẻ.
Hãy nhớ rằng mỗi vấn đề luôn có nhiều hơn một mặt nhìn nhận, nhạy cảm chẳng có gì là khác biệt hay dị biệt. Phụ thuộc vào cách nhìn nhận và hành xử của mỗi người, phần cảm xúc này có thể khiến bạn trở nên đặc biệt, không bị xa cách mà còn dễ dàng kết nối với mọi người xung quanh. Nếu bạn vẫn chưa tin thì sau đây là 5 lý do tại sao nhạy cảm hoàn toàn có thể là món quà của tạo hoá.
Khác với phần đông, quá trình cảm thụ một vấn đề của nhóm đối tượng nhạy cảm diễn ra phức tạp và kéo dài. Họ dễ dàng rung cảm với cái đẹp, âm nhạc, ngôn từ,… và nhiều thứ trong cuộc sống. Chính những suy nghĩ có phần sâu sắc này tạo nên cho người nhạy cảm góc nhìn đachiều. Từ việc hiểu rõ bản chất của sự vật sự việc, họ trở nên trân trọng, biết ơn và hiểu rằng càng phải sống trọn vẹn mỗi ngày với những gì mình đang có.
Vì luôn dành thời gian “quay vào” bên trong tâm hồn, nhìn nhận vấn đề có chiều sâu, vượt khỏi suy nghĩ thông thường nên khả năng sáng tạo những điều mới mẻ của người nhạy cảm cũng tỉ lệ thuận với mức độ suy nghĩ của họ. Một số nghề nghiệp đòi hỏi tần suất nảy sinh ý tưởng cao và liên tục nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân như tác giả, nhà soạn nhạc, diễn viên,… là mảnh đất màu mỡ của nhóm này.
Tuy phản ứng có phần mạnh mẽ hơn bình thường nhưng ở góc độ khác, người nhạy cảm lại có khả năng lắng nghe và cho lời khuyên rất tốt. Bởi lẽ, họ có thể thấu hiểu những cảm xúc của người đối diện đang gặp phải, thế nên lời khuyên không sáo rỗng mà đến từ sự cảm thông chân thành. Cũng chính vì thế, một khi đã thực sự kết nối thì mối quan hệ đôi bên trở nên rất bền chặt và lâu dài.
Biết cách ứng xử từ sự tinh ý
Nói ít nhưng quan sát và nghĩ nhiều là thói quen mỗi ngày của những người nhạy cảm. Hôm nay đồng nghiệp trong công ty vừa thay đổi kiểu tóc mới, nước hoa người yêu đang dùng có mùi khác mọi khi, cách nói chuyện của sếp có vẻ hơi nghiêm trọng, người nhạy cảm chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong câu nói, hành động, bề ngoài của người đối diện. Từ đó có thể dự đoán tình huống và biết cách ứng xử phù hợp cho từng hành động phát sinh để hạn chế sai lầm nhất có thể.
Luôn chú ý mọi chuyện xung quanh bao gồm những ý kiến tiêu cực lẫn tích cực từ xã hội cùng khả năng nhìn nhận sự kiện, cân nhắc mối tương quan trong quá khứ, hiện tại và tương lai, người nhạy cảm từ rất sớm đã có ý thức chủ động trong việc bảo vệ bản thân để hạn chế những tổn thương và tác động từ bên ngoài.
Sống tích cực là một nỗ lực phi thường. Không có gì sinh ra đã hoàn hảo hay khiếm khuyết tuyệt đối. Cách chúng ta nhìn nhận vấn đề và nỗ lực thay đổi để hướng đến những điều tốt đẹp mới là yếu tố quyết định giá trị cuộc sống. Bạn có thể là một người nhạy cảm, nhưng việc chấp nhận nó như một “vết sẹo" luôn muốn giấu đi hay xem đó là một món quà và tận dụng phát huy những ưu điểm để sống tốt hơn mỗi ngày hoàn toàn nằm ở lựa chọn bản thân.
>>> Bài viết liên quan:
Những sự thật bất ngờ về cảm xúc con người có thể bạn chưa biết
Vì sao thời tiết cũng có thể khiến ta trở nên trầm cảm?
Trầm cảm trước và sau khi cưới: Những điều mà bạn cần phải lưu ý
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/van-de-nhay-cam-a67213.html