Theo quan niệm dân gian ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép lên Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế tất cả điều tai nghe mắt thấy ở trần gian. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra mức thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Dân gian cũng lưu truyền những điều lưu ý khi thực hiện lễ cúng.
Không cúng sau 12h ngày 23 tháng Chạp
Theo truyền thống dân gian, thời gian cúng phải kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp vì đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời. Vì vậy, lễ cúng cần được thực hiện đúng thời gian thời điểm để trang nghiêm, thành tâm nhất.
Ngày cúng ông Công ông Táo được người Việt coi trọng.
Lễ cúng ông Công ông Táo có thể thực hiện sớm nhất là từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Lưu ý, tránh làm lễ cúng vào ngày rằm tháng Chạp và sau 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Bởi theo quan niệm dân gian, đúng thời khắc này, các vị Táo Quân sẽ về Trời diện kiến Ngọc Hoàng.
Không đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp
Lễ cúng ông Công ông Táo được nhiều gia đình quan tâm. Theo đó, lễ cúng không cần cầu kỳ nhưng phải đầy đủ, chu đáo. Mâm cúng cần được chuẩn bị với vật phẩm thanh tịnh, trang nghiêm. Người sắm lễ nên chuẩn bị hương, hoa, trà, quả, xôi chè hoặc bát cơm trắng, bộ mũ áo Táo Quân...
Mâm cúng được nhiều gia đình chuẩn bị chu đáo, đầy đủ.
Bên cạnh đó, nơi đặt mâm cúng cũng cần được chú ý hơn cả. Theo dân gian, ông Táo là các vị thần bếp nên một số người cho rằng nên đặt mâm cơm và đồ lễ cúng ông Công ông Táo ở dưới bếp.
Tuy nhiên, khi thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo người dân nên thắp hương trên ban thờ. Bởi theo ý nghĩa tâm linh, ban thờ được coi là nơi kết nối giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần với các vị thần linh, do đó khi tiến hành thờ cúng, gia chủ chỉ được phép dâng đồ lễ và cầu thỉnh tại chính ban thờ của gia đình.
Không nên cầu xin tài lộc, tình duyên
Ý nghĩa lớn nhất khi cử hành lễ cúng ông Táo nhằm tiễn các vị Táo quân khi các vị về Trời, diện kiến và trình tấu với Ngọc Hoàng công việc của gia đình trong một năm.
Do đó, để tránh phạm phải việc khấn sai lạc với ý nghĩa, mục đích của lễ cúng ông Táo, người làm lễ không phát tâm khẩn cầu các khía cạnh như cầu tài lộc, tình duyên, sung túc trong lễ này.
Không nên dâng tiền âm phủ khi làm lễ cúng ông Công ông Táo.
Không dâng tiền âm phủ
Nhiều người có quan niệm khi làm lễ cúng, càng dâng hóa nhiều tiền vàng, chư vị Thần linh càng chứng giám và ban cho nhiều tài lộc.
Tuy nhiên xét về xuất xứ, ông Táo thuộc cõi Thượng Giới (chầu Trời) được xem là bậc thần tiên chứ không phải âm vong (vong hồn người âm). Vì vậy, cúng tiền âm phủ vào dịp này là lãng phí, ô nhiễm môi trường, không thành tâm khi làm lễ cúng.
Không phóng sinh cá chép sai cách
Cá chép được dâng cúng dịp này theo quan niệm, được xem là phương tiện để tiễn các vị Táo quân về chầu Trời.
Vì vậy, việc phóng sinh cá chép không thể tùy tiện. Khi thả cá, cần lưu ý đến địa điểm phóng sinh để sau khi phóng sinh cá có thể tiếp tục sinh tồn. Tránh thả cá nơi ao tù, nước đọng, ô nhiễm.
Khi phóng sinh cá chép cần chọn nơi sát mặt nước, tránh thả cá từ trên cao xuống.
Người thực hiện nghi thức phóng sinh cần chọn nơi sát mặt nước nhất để thả cá, không đứng ở khu vực cao thả cá xuống. Không quăng cả túi ni lông xuống nước, vừa không đúng ý nghĩa phóng sinh vừa gây ô nhiễm môi trường.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/thap-huong-ong-cong-ong-tao-a66930.html