Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân và được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau ở mỗi vùng miền như lễ tế cá “Ông”, lễ rước cốt ông, lễ cúng “Ông”, lễ cầu ngư, lễ nghinh “Ông”, lễ nghinh ông Thuỷ tướng,... Tuy nhiên, tất cả đều mang một quan niệm rằng cá “Ông” là sinh vật linh thiêng ở biển, là vị thần bảo trợ của những người đánh cá và làm nghề trên biển.
Trên thực tế, tín ngưỡng thờ cá Ông, cá voi đã được lưu truyền từ lâu trong đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người dân làng biển. Tục thờ cá Ông của ngư dân bắt nguồn từ quan niệm cá Ông cứu dân biển lúc đánh bắt xa bờ khi không may gặp phải thời tiết xấu như cuồng phong hay giông tố.
Lễ hội Lăng Ông Phú Quốc - Lễ hội bày tỏ lòng biết ơn với cá Ông trên đảo Phú Quốc (Ảnh: Sưu tầm)
Theo lịch sử, ngày lễ tế cá Ông bắt nguồn từ tục thờ Cá Ông của người Chăm. Phong tục này được du nhập vào nước ta từ rất sớm, trải qua sự giao thoa văn hóa, đến nay tục thờ cá Ông đã trở thành tín ngưỡng quan trọng của người Việt lẫn người Hoa. Theo dòng chảy thời gian, phong tục thờ cúng này đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam nói chung và đảo Phú Quốc nói riêng, mang ý nghĩa cầu cho sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, ngư dân gặp nhiều may mắn và có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được tổ chức trên đảo vào ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội thường kéo dài khoảng 3 ngày bao gồm cả những hoạt động trên bờ và dưới nước. Nếu du khách có ý định đến thờ cúng hay dâng lễ và trải nghiệm bầu không khí trang nghiêm của buổi lễ thì nên đến ngay ngày đầu tiên. Bởi những ngày tiếp theo của lễ hội sẽ chủ yếu là các hoạt động giao lưu nên không khí sẽ nhộn nhịp và náo nhiệt hơn.
Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc - nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo và lâu đời (Ảnh: Sưu tầm)
Cũng như ngư dân vùng biển khác, hình ảnh lễ hội Nghinh Ông từ lâu đã nằm sâu trong tiềm thức của người dân Phú Quốc. Đây là tục lệ để các ngư dân tưởng nhớ và tôn thờ “Đức ngài Cá Ông” linh thiêng, vị thần mà trong quan niệm của người dân địa phương đã che chở và bảo vệ cho họ mỗi lần ra khơi.
Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc - Lễ hội cầu ngư lớn nhất đảo Ngọc (Ảnh: Sưu tầm)
Chính vì vậy, ý nghĩa của lễ hội Nghinh Ông là cầu cho sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, ngư dân mỗi lần ra khơi đánh bắt xa bờ thì đều có thể thu được mẻ cá to và nhanh chóng, thuận lợi trở về đất liền, gặp nhiều may mắn và có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Nghi thức của lễ hội Nghinh Ông được chia thành 2 giai đoạn là phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ rước và lễ tế.
Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân là hoạt động đầu tiên nằm trong phần lễ của nghi thức lễ hội. Nghi thức rước kiệu được tổ chức linh đình và trang nghiêm nhằm tái hiện lại cảnh Nam Hải tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, bà con sống trên biển sẽ bày lễ vật với khói nhang nghi ngút để nghênh đón. Ngoài ra, cùng với thuyền rồng rước thuỷ tướng còn có hàng trăm ghe lớn nhỏ khác nhau được trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển đón ông. Đặc biệt, trước mỗi mũi ghe là hương án và mâm lễ vật, chở theo hàng ngàn khách tham dự đoàn rước. Cuối cùng, đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước ông về lăng ông Thuỷ tướng (nếu có ở địa phương đó). Ngay tại bến những đoàn múa lân sư tử và rồng đang đợi sẵn để đón ông về lăng.
Tưng bừng Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc (Ảnh: Sưu tầm)
Tiếp theo lễ rước kiệu là phần lễ tế, được diễn ra trang trọng với nghi thức cổ truyền cùng sự góp mặt của đông đảo người dân địa phương vùng biển. Các nghi lễ cầu an, hát bội, xây chầu đại bội diễn ra tại lăng ông Thuỷ tướng,… làm cho lễ nghinh Ông thêm phần tôn nghiêm.
Sau phần lễ trang nghiêm là phần hội vui tươi và nhộn nhịp. Lúc này, người dân sẽ tổ chức ăn mừng cho việc lễ Nghinh Ông đã diễn ra thành công. Hàng trăm chiếc thuyền và con tàu đánh bắt của ngư dân được trang hoàng cờ hoa rực rỡ nối đuôi nhau neo đậu dưới dòng sông. Tất cả chuẩn bị cho mọi nghi thức đón Ông trên bờ cùng với những lễ tế trang nghiêm. Lúc này, cả đảo Phú Quốc lung linh sắc màu hòa cũng màu xanh biếc của nước biển. Tiếng kèn và tiếng trống thi nhau khua vang hết sức rộn ràng. Phần lễ cũng có nhiều trò chơi dân gian thú vị như hát bội, đua thuyền, bắt vịt, trói cua…
Đua thuyền rộn ràng ràng tại lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc (Ảnh: Sưu tầm)
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/le-hoi-nghinh-ong-phu-quoc-a66734.html