Cây trúc bách hợp ý nghĩa phong thủy và đặc điểm sinh trưởng

Chi tiết về cây Trúc Bách Hợp

Cây Trúc Bách Hợp là một trong những lựa chọn yêu thích của các gia đình để trồng trang trí trong nhà. Đây là cây cảnh phong thủy có ý nghĩa rất tốt đẹp, mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm nhiều thông tin thú vị về loài cây này nhé.

Đặc điểm sinh trưởng cây Trúc Bách Hợp

Trúc Bách Hợp hay còn được gọi là Phất Dụ Trúc, có tên khoa học là Dracaena reflexa, thuộc họ Dracaenaceae. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, Trúc Bách Hợp xuất phát từ Bắc Ấn, Ceylon.

Cây có thân cứng, màu nâu, sần sùi nhiều vết hõm do lá rụng để lại. Lá Trúc Bách Hợp mọc xum xuê thành từng bụi, xếp hoa ở chính giữa và tua tủa ra xung quanh. Lá dạng thuôn nhọn ở đầu, mép nguyên, màu xanh bóng xen lẫn dải màu vàng tươi kéo dài từ gốc tới ngọn.

Trúc Bách Hợp ngoài tự nhiên thường mọc thành bụi, cao đến 2m, cây trồng kiểng trong chậu thì thấp hơn. Cây nở những cụm hoa nhỏ màu trắng khá thu hút.

Công dụng của cây Trúc Bách Hợp

Các bác sĩ y học cổ truyền ở Madagascar từ lâu đã tin rằng cây Trúc Bách Hợp chữa được các triệu chứng sốt rét, ngộ độc, kiết lỵ, tiêu chảy, đau bụng kinh và cầm máu. Lá và vỏ cây được trộn với các bộ phận của một số cây bản địa khác và trộn vào các loại trà thảo dược. Tuy nhiên, những công dụng của cây Trúc Bách Hợp vẫn chưa được chứng minh. Do đó, các bạn trồng cây tránh tự tiện sử dụng cây để chữa bệnh khi chưa có toa thuốc của bác sĩ.

Cây Trúc Bách Hợp ngoài tự nhiên có tác dụng khá lớn. Theo NASA thì loại cây này có thể lọc bỏ nhiều khí độc, đem lại môi trường trong lành. Do đó, cây được ưa chuộng trồng làm cây nội thất, ngoại thất sân vườn để thanh lọc không khí.

Ngoài ra, với hình dáng bắt mắt của mình, Trúc Bách Hợp còn được sử dụng để làm cây cảnh trang trí, cho không gian thêm sinh động, giải tỏa căng thẳng. Bạn có thể nhìn thấy cây được đặt ở nhiều nơi như bàn làm việc, cửa sổ, ban công, kệ sách, phòng khách, hiên nhà, quán cafe, cửa hàng,…

Ý nghĩa phong thủy của cây Trúc Bách Hợp

Cây Trúc Bách Hợp trong phong thủy mang ý nghĩa khá tốt đẹp. Ngay từ tên gọi mà người Việt đặt cho cây đã mang hàm ý may mắn. Theo tiếng Hán Việt, “trúc” đồng âm với “chúc”, ấy là lời cầu chúc mọi điều suôn sẻ, hạnh phúc. Người ta cho rằng nếu trồng một cây Trúc Bách Hợp trong nhà thì rất vượng khí, mang đến năng lượng tích cực cho con người.

Chính vì lẽ đó mà Trúc Bách Hợp cũng thường được làm quà tặng nhân dịp khánh thành, khai trương, tân gia, như là lời chúc may mắn đến với người nhận.

Cây Trúc Bách Hợp hợp mệnh gì?

Trong Ngũ Hành, quan niệm cho rằng màu vàng là màu sắc bản mệnh của hành Thổ. Cây Trúc Bách Hợp lại mang dải màu vàng trên lá. Do đó cây đặc biệt thích hợp với người mệnh Thổ. Những người mệnh này có tính cách khá trầm tĩnh, khiêm tốn và không ưa phô trương. Đất là nguồn nuôi dưỡng mọi vật, và nhờ lực hút mà trở thành điểm tựa cho vạn vật. Cũng như vậy, người mệnh Thổ là chỗ dựa an toàn, ấm áp và đáng tin cậy cho gia đình và bạn bè. Trong cuộc sống, sự bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm giúp người mệnh Thổ dễ thành công, nhất là khi có sự trợ giúp của cây Trúc Bách Hợp.

Những người mệnh Thổ sinh nhằm vào các năm: Canh Tý (1960), Tân Sửu (1961), Mậu Dần (1938, 1998), Kỷ Mão (1939, 1999), Bính Thìn (1976), Đinh Tỵ (1977), Canh Ngọ (1930, 1990), Tân Mùi (1931, 1991), Mậu Thân (1968), Kỷ Dậu (1969), Bính Tuất (1946, 2006) và Đinh Hợi (1947, 2007).

Cách chăm sóc cây Trúc Bách Hợp

Ánh sáng và nhiệt độ

Cây Trúc Bách Hợp thích ánh sáng gián tiếp, được lọc qua màn che, lưới che. Kể cả khi thiếu ánh sáng, cây vẫn phát triển khá tốt. Do đó, việc bạn trồng cây trong nhà không có ảnh hưởng gì đến sự sinh trưởng của Trúc Bách Hợp. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bạn cần mang cây ra phơi sáng khoảng 2 tiếng một tuần để cây quang hợp tốt hơn.

Trúc Bách Hợp nên được trồng trong môi trường duy trì ở nhiệt độ từ 18 °C đến 25 °C. Cây không chịu được nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Nếu trồng cây ngoài trời khô hạn và nhiều nắng thì phải là những cây có chiều cao, kích thước lớn để hút được chất dinh dưỡng và nước từ đất thông qua bộ rễ lớn. Cây con, nhỏ chỉ có thể sống dưới bóng râm.

Đất trồng và tưới nước

Trúc Bách Hợp không kén đất trồng. Dù thế, nếu bạn trồng cây trong chậu để làm cảnh thì lại cần đầu tư đất trồng thích hợp. Vì với môi trường chật hẹp của chậu cây, đất thiếu dinh dưỡng có thể khiến cây bị héo úa, hoặc còi cọc, nhanh chết. Bạn nên trộn hỗn hợp đất bao gồm: đất cát, xơ dừa, tro trấu (trấu hun), phân hữu cơ để trồng cây.

Chậu trồng cũng rất quan trọng. Người trồng nên chọn loại chậu có lỗ thoát nước ở đáy, vừa vẹn với cây Trúc Bách Hợp. Sau một thời gian, nếu cây phát triển lớn, rễ ra dài làm chật chậu, bạn nên thay chậu mới cho cây. Khi ấy, có thể cắt bớt phần rễ già, hư thối và trồng vào đất mới.

Nhu cầu nước của cây Trúc Bách Hợp không quá lớn. Trung bình bạn có thể tưới 1-2 lần/ tuần. Nên tưới đến khi nào đất có độ ẩm thì ngưng, tránh để ngập úng. Đợi khi nào đất trong chậu khô ráo thì tưới lại nước.

Dinh dưỡng cho cây

Phân bón cho Trúc Bách Hợp là phân chứa nhiều dinh dưỡng như N,P,K đồng thời cũng cung cấp các nguyên tố vi lượng Cu, Zn, Cr, Mg, Fe,… Các chuyên gia làm vườn khuyên nên bón phân định kỳ 1-2 tháng/lần, có thể dùng Compomix hoặc NPK 20-10-10.

Lưu ý khi chăm sóc cây Trúc Bách Hợp

Nếu lá cây Trúc Bách Hợp của bạn chuyển sang màu vàng, rất có thể do đất quá khô, cây cần bổ sung nước ngay. Nếu lá chuyển sang màu vàng nâu và mềm nhũn, rất có thể cây quá ướt. Lúc này, bạn nên loại bỏ lá úng và thay đất mới khô thoáng cho chậu cây.

Trúc Bách Hợp có những chiếc lá nằm dưới thấp thỉnh thoảng rụng xuống, đó chỉ là bản chất của loại cây này và cách nó phát triển. Bạn không nên quá lo lắng, ngoại trừ trường hợp cây rụng nhiều lá thì mới là vấn đề nguy hại.

Hình ảnh trúc bách hợp

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/cay-truc-bach-hop-a66047.html