Tháng 7 âm lịch vừa là tháng cô hồn, vừa có lễ Vu Lan, làm gì để may mắn?

Có nhiều cách lý giải về việc vì sao tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những cách lý giải ấy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả là đề cao việc báo hiếu và làm phúc.

Bên cạnh đó, cũng trong tháng này, lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Tháng 7 âm, người dân cũng hay đi lễ chùa, nhất là ngày Lễ Vu Lan, thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, báo hiếu tốt đẹp của truyền thống người Việt (Ảnh minh họa: TNI).

Vì sao tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn?

Tín ngưỡng Trung Hoa truyền rằng từ ngày 2/7 âm lịch đến hết 12h đêm ngày 15/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ đại xá mở cửa âm phủ cho các vong hồn được trở lại trần gian để thăm lại nơi cũ, về với cháu con. Đây cũng là nguyên nhân mọi người tránh làm các việc quan trọng trong tháng này.

Vì thế tháng 7 âm lịch dân gian còn gọi là tháng cô hồn. Và trong năm 2024, tháng cô hồn sẽ kéo dài từ ngày 4/8 (1/7 âm lịch) đến hết ngày 2/9 (30/7 âm lịch) dương lịch.

Tuy nhiên, theo quan niệm xưa thì sau ngày 15 âm lịch của tháng, các cô hồn không còn nhiều nữa do Diêm vương đã cho đóng cửa Quỷ Môn Quan vào 12h trưa ngày 15/7 Âm lịch.

Tháng 7 âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với sinh nhật của Địa quan Đại đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ma quỷ, vong hồn quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho mọi người, theo quan niệm xa xưa, vì thế, có tục cúng cô hồn, và được bắt nguồn từ Trung Quốc.

cung-ram-thang-7.jpg
Mâm cúng rằm tháng 7 thể hiện lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên, nét đẹp văn hóa của người Việt (Ảnh minh họa: TNI).

Cúng cô hồn - Ý nghĩa nhân văn trong văn hóa người Việt

Tại nước ta, dân gian cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn.

Vào thời điểm này, các chùa cũng thiết lập trai đàn chẩn tế để tài pháp nhị thí cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời.

Theo các chuyên gia về văn hóa dân gian, phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng bi mẫn, thể hiện qua sự quan tâm, chia sẻ đối với những người kém may mắn, bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau. Thông thường, người Việt thường cúng cô hồn vào ngày mùng 2, 15, 16 tháng 7 âm lịch, một số nơi cúng sớm hơn hoặc trễ hơn nhưng đều cúng vào buổi chiều tối.

Phong tục và lễ cúng cô hồn từ đó hình thành trước để khẩn tránh đi sự quấy phá của các linh hồn, sau để an ủi các linh hồn giảm bớt sự tủi khổ từ địa ngục, và để cầu cúng cho vong hồn người thân đã qua đời.

Ngoài sự tri ân đấng sinh thành, lễ Vu lan hàng năm còn là dịp để mọi người cùng nhau lan tỏa tình yêu thương và truyền đi thông điệp về sự sẻ chia trong cuộc sống. Để từ đây có một mùa Vu lan hiếu hạnh, an vui (Ảnh: Thái Bá).

Những điều kiêng kỵ và những việc nên làm để may mắn

Bên cạnh việc cúng cô hồn, dân gian cũng lưu ý những điều nên làm và không nên làm trong sinh hoạt hằng ngày để luôn đem lại may mắn, tốt lành, bởi người xưa tin rằng "có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là điều cần thiết để tránh gặp phải xui rủi, ma quỷ ám theo.

Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên kiêng kỵ hầu hết các công việc lớn như: cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… trong tháng 7 âm lịch.

Một số điều kiêng kị nữa trong tháng cô hồn như: Không đi chơi đêm vào tháng cô hồn, không đốt tiền vàng, vàng mã, không phơi quần áo buổi đêm, không nhặt tiền lẻ rơi,...

Những việc nên làm: Dân gian cũng ghi nhớ mang theo một số vật dụng bên người vào tháng cô hồn theo quan niệm của người xưa để tránh xui rủi vây bám.

Một số vật dụng cần mang theo như: Vòng dâu, muối, tỏi, gạo nếp, lá ngải cứu, tích cực làm việc thiện, vui vẻ, từ tâm...

Ý nghĩa nhân văn ngày Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 âm lịch, gọi là Lễ Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông. Đối với Phật giáo, trong dịp lễ Vu lan, phật tử thường cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...

Ngoài ra, trong dịp lễ Vu Lan, khi đến chùa các phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.

Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nền nếp gia phong, anh em hòa thuận.

Ngày nay, Đại lễ Vu Lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức.

Đó là: Tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh mang lại độc lập, chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau.

Có thể thấy, không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc, một số nước như Ấn Độ, Campuchia, Nhật Bản cũng có chung niềm tin về tháng 7 cô hồn. Riêng ở Việt Nam, những tập tục, thói quen thờ cúng, kiêng kỵ… đã trở thành một phần trong nét đẹp văn hóa dân gian ở nước ta.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/thang-7-am-la-mua-gi-a65735.html