Du lịch miền Bắc thời gian này sẽ là thiếu sót lớn nếu không được tận hưởng mùa vàng ở Tây Bắc, ngửi hương lúa chín ngọt ngào, check-in những cung đường đèo uốn lượn đẹp như mơ mà không lo gặp phải cơn mưa rừng bất chợt, chiêm ngưỡng màu xanh bất tận của cánh đồng chè trên những sườn núi cao, bên cạnh là con suối thơ mộng róc rách hiền hòa và rồi thưởng thức các món ngon làm từ măng rừng, măng đắng, rau cải mèo đang vào mùa. Đây cũng là thời điểm Lào Cai thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm một mùa thu đậm bản sắc vùng cao.
Đối với nhiều du khách, mùa thu miền Bắc với không khí se lạnh mỗi sớm mai, vẻ dịu nhẹ và mềm mại của nắng trưa và những tối gió lạnh se sắt là thời điểm đẹp nhất trong năm.
Mùa thiên nhiên đổi sắc - Mùa ấm no
Mùa này ở vùng cao Lào Cai là mùa thiên nhiên liên tục đổi sắc. Bước vào đầu tháng 8 với tiết lập thu, những thửa ruộng bậc thang nơi đây chưa hoàn toàn phủ lớp vàng óng mà mang dáng vẻ một bức tranh chuyển màu: từ gam xanh đậm, xanh nhạt, vàng chanh rồi đến khoảng tháng 10 là vàng rực rỡ, báo hiệu một mùa màng no ấm.
Chị Thùy Dung (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã dành cả 2 tuần nay để nghỉ ngơi tại homestay Comlam Eco House (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) chỉ để thưởng thức tiết trời thu và trekking (đi bộ dã ngoại) ở bản làng. Chị cho biết, ngày nào cũng đi lang thang khắp thửa ruộng ở bản Tả Van, Nậm Cang, Lao Chải... để ngắm lúa chín, ngắm sắc lúa dần chuyển màu. Chị cho biết: "Cùng check-in với đồng lúa ngay trước homestay, nhưng những bức ảnh được lưu giữ của tôi mỗi ngày lại một vẻ đẹp khác với gam màu mới ngày càng tươi, sáng hơn".
Cũng là lúa chín, nhưng lúa trồng ở vùng cao Lào Cai đặc biệt hơn ở đồng bằng vì mỗi năm chỉ có một lần. Nhờ lúa được trồng trên những thửa ruộng uốn lượn cong cong trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên vẻ đẹp của ruộng lúa vùng cao cũng ấn tượng và đặc sắc hơn.
Đối với anh J. Beavis (du khách Pháp), mùa này đặt chân đến Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý... không chỉ là thời gian lý tưởng để anh tham gia các hoạt động ngoài trời như trekking, leo núi, hoặc dạo chơi trong các ngôi làng dân tộc bản địa mà còn có cơ hội tham gia vào các lễ hội địa phương như: Lễ hội Cốm, Tết Trung thu - nơi anh có thể trải nghiệm văn hóa độc đáo của người dân địa phương. Anh J. Beavis cho biết: "Năm ngoái tôi được tham gia vào các công đoạn làm cốm ở bản người Tày Bắc Hà như: dậy sớm ngắt lúa, rang lúa, giã cốm và thưởng thức sản phẩm từ cốm. Đó là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời và đáng nhớ".
Không chỉ có những thửa ruộng bậc thang hút khách, tại Lào Cai, thời điểm tháng 8 hằng năm là thời điểm hoa dơn thóc nở rộ tại thị xã Sa Pa, cả vạt núi được phủ kín một màu cam đỏ quyến rũ, rực sáng giữa nền trời xanh và mây trắng. Đối với người vùng cao, vì mang trong mình sức sống bền bỉ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt mà vẫn đẹp rực rỡ nên hoa dơn thóc là loài hoa biểu trưng cho mùa màng no đủ, sự may mắn và vẹn toàn trong cuộc sống. Hòa mình vào tiết trời mát mẻ và trong lành của mùa thu, hàng nghìn người đổ về Sa Pa, đặc biệt là vào dịp cuối tuần, để ngắm nhìn bức tranh dơn thóc rực rỡ.
Đặc biệt, càng lên cao, nhất là tại đỉnh Fansipan, hoa dơn thóc càng nở nhiều và rực rỡ hơn, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ. Lễ hội hoa dơn thóc 2024 - một sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh loài hoa mang ý nghĩa sâu sắc của núi rừng Tây Bắc đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc. Du khách có cơ hội tham gia vào hoạt động giã bánh giầy ở khu vực chùa Hạ. Sau những phút giây vui vẻ làm bánh cùng bạn bè thập phương, những chiếc bánh giầy dẻo ngon sẽ được dâng lên chùa Hạ, rồi chia cho du khách. Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ sẽ thích thú với hoạt động thổi xôi ngũ sắc, tự tay đóng khuôn thành phẩm thật đẹp để thưởng thức cùng mọi người; hay thử sức với các trò chơi dân gian, nhảy sạp...
Làm mới sản phẩm du lịch Lễ hội mùa thu
Nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, đồng thời tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo riêng có, các địa phương của Lào Cai đang xây dựng và làm mới nhiều sản phẩm du lịch trong Lễ hội mùa thu nhằm khai thác thế mạnh từng vùng.
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu diễn ra từ đầu tháng 7 đến hết tháng 10/2024, với lợi thế về địa hình, huyện biên giới Bát Xát tập trung khai thác hoạt động du lịch thể thao như Giải leo núi “Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn", Giải đua xe ô tô địa hình “Bat Xat Offroad Challenger”...
Đặc biệt, dự kiến vào đầu tháng 9, Bát Xát sẽ tổ chức Giải đua xe đạp địa hình “Đi giữa biển mây-LCC8”, năm 2024 với cự ly thi đấu là 16 km. Chặng đua xuất phát từ thôn Choản Thèn, xã Y Tý và về đích ở thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù. Đây là cung đường với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, những ngọn đồi chênh vênh thơ mộng trong ánh nắng thu rực rỡ, những vạt rừng xanh thẫm, bao phủ bởi làn mây trắng bồng bềnh huyền ảo đang thu hút nhiều vận động viên đăng ký tham gia.
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, với chủ đề "Sa Pa mùa vàng", năm nay, Sa Pa sẽ tổ chức một số hoạt động chính trong Lễ hội mùa Thu như: Khai mạc lễ hội và đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với thác Bạc và đỉnh Fansipan; Ngày hội Văn hóa bản Mông tổ chức tại Khu Du lịch Cát Cát, trong đó trình diễn quá trình làm cốm, thưởng thức các món ăn từ cốm và tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa; Lễ hội mùa vàng bản Mây; Đêm hội Trăng rằm; Giải Marathon vượt núi Việt Nam...
Trong đó, mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Sa Pa, ngày 17/8, Lễ hội mùa vàng bản Mây sẽ chính thức khai mạc tại bản Mây Fansipan, mở ra không gian văn hóa sôi động, đầy sắc màu cho vùng cao Sa Pa, và tạo nên một điểm đến trải nghiệm mới đặc biệt thú vị dịp Quốc khánh 2/9.
Lễ hội mùa vàng bản Mây tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend là sự kiện đặc biệt, tái hiện những nghi lễ và sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Lào Cai trong mùa vàng bội thu. Cho đến hết 1/9, bản Mây sẽ ngập tràn sắc vàng của lúa chín, tạo nên khung cảnh đẹp mắt với rơm rạ, ngô lúa tỏa hương và sắc vàng no đủ. Đặc biệt, vào mỗi cuối tuần, một lễ hội đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại đây sẽ được tổ chức, dành tặng du khách những trải nghiệm nghi lễ truyền thống, sinh hoạt văn hóa địa phương và các trò chơi dân gian Tây Bắc vô cùng đa dạng.
Ngoài ra, trong dịp này, để triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Lào Cai tổ chức một số hoạt động khảo sát, đánh giá tính khả thi để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Kết nối di sản từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần (Hà Giang).
Hoạt động này nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch mới, đặc sắc; tăng cường kết nối, trao đổi thị trường khách du lịch giữa các địa phương, hoạt động lữ hành, liên kết giữa các đơn vị doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong Nhóm hợp tác và quảng bá tại các thị trường trong nước, quốc tế.
Hương Thu
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/mua-thu-o-vung-cao-a64667.html