Những điều chỉ có ở Bhutan
"Hạnh phúc là gì vậy ông?" - tôi hỏi một người đàn ông Bhutan ngồi bên vệ đường.
Ông liền chỉ vào cụ bà đang khuân túi phân bón trên vai. Vài tuần trước, nhà bà bị nước lũ cuốn trôi. Không còn nơi ở, bà liền đến hoàng gia Bhutan cầu cứu, nhà vua lập tức cho mảnh đất mới và xây dựng căn nhà nhỏ.
Hạnh phúc mà ông kể cho tôi là ở Bhutan không có ăn xin, không có người vô gia cư. Ai khó cứ gõ cửa quốc vương và nhận sự trợ giúp. Đất nước không có nhà tù vì tỉ lệ tội phạm rất thấp. Để giữ được quan niệm đó, họ lập hẳn Bộ Hạnh phúc. Bộ trưởng đảm trách giúp người dân cảm thấy hài lòng với thực tại.
Trên thực tế, quốc gia Nam Á kề bên dãy Himalaya này đã sử dụng chỉ số hạnh phúc (GNH) làm thước đo cho sự phát triển của quốc gia, thay vì GDP.
Những ngày ở Bhutan, tôi cảm nhận quần jean, áo sơ mi và điện thoại thông minh là thứ vô giá trị. Người dân mặc quốc phục rảo bước trên những ngọn đồi, tu viện, cửa hàng. Họ làm việc vừa đủ cho cuộc sống cơ bản và dành thời gian rảnh đến chùa để cầu nguyện.
Đây là nơi duy nhất trên thế giới cấm nhập khẩu chất hóa học, trong đó có thuốc trừ sâu và chất tăng trưởng. Vì vậy, thực phẩm ở đây rất an toàn. Thuốc lá bị cấm bán, nếu bạn hút không đúng nơi sẽ bị phạt rất nặng.
Bhutan không có đèn giao thông vì họ muốn không thấy những thứ "vô cảm" ở đường phố giao tiếp với con người. Vì vậy, ở ngã tư luôn có người điều tiết phương tiện. Bảng hiệu cảnh báo cũng là những câu triết lý sống.
"Hãy chạy thật chậm, hít thở thật sâu, để yêu đời". Đó là cách họ dặn dò tài xế chạy đúng tốc độ thay vì biển báo.
Theo lời kể của hướng dẫn viên, Bhutan cho phép phụ nữ có thể có nhiều chồng. Việc kết hôn nhiều lần, với nhiều người tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là hợp pháp.
Bài học quý giá từ Bhutan
Để đến với Bhutan, khách du lịch phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ, khoảng 200-250 USD/ngày, tùy vào thời điểm trong năm. Mức giá này chưa bao gồm chi phí hướng dẫn viên, khách sạn, di chuyển và ăn uống.
Mức phí này đã tăng gấp 3 lần, so với thời điểm trước dịch Covid-19. Đây là đáp án của Bhutan khi đứng trước bài toán phát triển kinh tế hay giữ cuộc sống bình yên của người dân.
Trước đó, khi lượng khách du lịch đến quá nhiều, các điểm tham quan thường xuyên xảy ra cảnh chen chúc, người dân địa phương không còn cảm thấy hạnh phúc. Việc tăng phí nhằm để Bhutan theo đuổi phương châm "giá trị cao, số lượng thấp".
Chúng tôi đến với Bhutan theo đoàn, có sự hướng dẫn của người địa phương. Tổng chi phí bỏ ra đắt ngang ngửa với một chuyến du lịch châu Âu nhiều ngày. Tuy nhiên, những giá trị mà quốc gia này mang lại hoàn toàn khác biệt.
Đất nước vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với 60% diện tích rừng, được bao bọc bởi những dãy núi cao, khí hậu mát mẻ. Người dân dựng nhà bằng gỗ, đất sét và buộc phải trồng cây thay thế.
Những sớm mờ sương, chúng tôi đi dọc triền đồi, hít thật sâu để lồng ngực căng tràn bầu không khí trong lành. Người Bhutan yêu mẹ thiên nhiên, họ trân trọng từng cánh rừng, dòng sông, nhành hoa, ngọn cỏ…
Trong chuyến đi này, tôi dành hẳn một ngày để trekking vách núi đá cao hơn 3.000m đến với tu viện linh thiêng nhất Bhutan, có niên đại 13.000 năm. Đường đi chỉ là một lối mòn rất nguy hiểm.
Dọc đường, tôi gặp rất nhiều nhà sư, ông bà lão ngồi đọc chú, lặng lẽ dõi theo dòng người đi hành hương. Với người dân Bhutan, họ phải một lần trong đời chinh phục được ngọn núi này. Giữa dòng người đông đúc ấy, họ vẫn tuần tự, nhẹ nhàng không chen lấn, xô đẩy, lớn tiếng với nhau.
Người Bhutan sống chậm, chấp nhận và hài lòng với thực tại. Họ nở nụ cười hiền lành với khách du lịch, khi đưa những chú ngựa lững thững về chuồng, khi trồng hoa, nhặt rau... Buổi chiều, khói lại tỏa ra từ những mái nhà nhỏ. Bữa ăn người Bhutan thường là rau, củ, nấm và phô mai.
Hạnh phúc được định nghĩa bằng những điều giản dị nhất.
Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/bhutan-a64577.html