HÌNH XĂM NHẬT CỔ - Xăm hình nghệ thuật Era Tattoo

NGUỒN GỐC CỦA HÌNH XĂM NHẬT CỔ

Trên khắp thế giới, có lẽ khó có một nét văn hóa nào như hình xăm Nhật Bản Irezumi - vừa là lịch sử, vừa là văn học, nghệ thuật, đã từng được yêu, nhưng cuối cùng lại bị chối bỏ tại chính nơi mà nó sinh ra.

2b01522afef070367aefca9883d22257

Nguồn gốc nghìn năm của hình xăm Nhật Bản

Di tích khảo cổ cho thấy, dấu hiệu của hình xăm có thể đã xuất hiện ở đây vào khoảng 10.000 năm trước công nguyên. Đến thời kì Yayoi (thời kì đồ sắt, 300 năm trước công nguyên), xăm hình Nhật Bản không chỉ thuần vì mục đích trang trí, làm đẹp cơ thể nữa. Nó được dùng như một loại đánh dấu, phân biệt nô lệ, tù nhân hay kẻ phạm tội. Từ chỗ là món trang sức trên cơ thể, hình xăm bị biến thành một hình thức trừng phạt của người Nhật xưa.

4ad4e647571dc62e75ea0e5b0f3e6270

Bị cuốn theo dòng chảy của lịch sử thời đại, phải đến cuối thế kỉ thứ 17, tức là vào thời Edo (1603 - 1867), nghệ thuật xăm hình tại Nhật Bản mới thực sự phát triển nở rộ. Ít ai biết được rằng, xăm hình ở vương quốc mặt trời mọc có thể phát triển lên đỉnh cao như thế trong thời Edo, là nhờ nghệ thuật in khắc gỗ (Ukiyo-e).

Năm 1827, nghệ nhân in khắc gỗ Utagawa Kuniyoshi tạo ra những bức tranh bằng gỗ nhiều màu sắc, khắc họa chân dung những vị anh hùng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thời bấy giờ tại Nhật Bản là Suikoden. Những vị anh hùng này cương trực, dũng cảm, và ai ai cũng trang trí cơ thể bằng những bức họa rồng, hổ, hoa,… khổng lồ. Gần như ngay lập tức, người dân Edo đổ xô đi sở hữu cho mình một hình xăm trên cơ thể, rồi dần dần lan ra khắp các tỉnh thành khác, tạo thành một làn sóng văn hóa.

9e24e6cfefebae68a1fd01c2e5cf5738

Ở Kyushu, công nhân than mỏ xăm hình rồng trên cả cánh tay, ngụ ý sẽ luôn được thần linh bảo hộ trước nhiều rủi ro nghề nghiệp. Ở Hokkaido hay Edo, phụ nữ khắc lên tay những họa tiết nhỏ, tượng trưng cho nét quyến rũ và sự trưởng thành.

Hình xăm Nhật Bản - Irezumi khác hoàn toàn so với hình xăm phương Tây. Irezumi là những hình xăm lớn, nhiều họa tiết, màu sắc và có thể che phủ các bộ phận của cơ thể (lưng, ngực, tay, chân). Irezumi thiên về tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh trên cơ thể người hơn là những chi tiết nhỏ, tối giản như hình xăm phương Tây. Nhân vật chính trong các bức tranh cơ thể của Irezumi có thể kể đến như rồng (tượng trưng cho sức mạnh), cá koi (nghị lực), oni (yêu tinh, tượng trưng cho khả năng bảo vệ con người) hay sóng, nước (mạnh mẽ, dồn dập nhưng cũng có nét dịu dàng, bình thản).

74be3e72c90a2d73b65bb28b0f21ebbe

Hình xăm lớn, lại xăm thủ công, vì thế, có không ít người phải bỏ ra tận 5 năm mới hoàn thành được một “bức tranh” tinh xảo trên lưng.

“Rễ sâu, cây ắt phải vươn cao.” Câu nói ngụ ý những gì có nguồn gốc chắc chắn, lâu đời thì sẽ phát triển vững mạnh.

Nghệ thuật xăm hình ở Nhật Bản có bề dày lịch sử như vậy, nhưng chặng đường phát triển của nó lại không đi theo quĩ đạo thẳng sau thời Edo.

5500a4d1fef8f12ee4df14138f16ee38 (1)

Khi nghệ thuật bị quay lưng

Nửa cuối thế kỉ 19, chính phủ Nhật Bản bắt đầu cấm các hình thức xăm hình. Irezumi dần trở nên thất thế trước những làn sóng văn hóa khác đổ dồn vào xứ sở Phù Tang lúc bấy giờ. Những người trót sở hữu hình xăm trên cơ thể, để tránh sự soi xét của chính phủ, phải tìm mọi cách để giấu hình xăm sau lớp quần áo.

Mọi chuyện ngày càng tồi tệ khi Yakuza - băng đảng khét tiếng ở Nhật Bản dùng những hình xăm lớn để nhận diện lẫn nhau và thị uy với người khác. Những tên xã hội đen khắc hình xăm lên cơ thể, vô tình “khắc” luôn cả định kiến xấu về nghệ thuật này vào tâm trí của những người dân Nhật.

Yakuza xăm mình. Vậy những người xăm mình là tội phạm của Yakuza.

Cứ như thế, người Nhật sợ hãi và bài trừ chính loại hình nghệ thuật mà họ đã phát triển đến độ rực rỡ trong quá khứ.

5500a4d1fef8f12ee4df14138f16ee38

Toru Hashimoto, thị trưởng thành phố Osaka, đã thiết lập những điều luật kì lạ về hình xăm. Cụ thể, người xin việc phải khai báo tất cả hình xăm trên cơ thể cho công ty biết. Những địa điểm công cộng như suối tắm nước nóng, phòng tập gym, hồ bơi,… cấm những người “vẽ lên da” đi vào.

Cây viết Jon Mitchell đã đặt tên cho bài viết về hình xăm Nhật Bản của mình là “Được quốc tế đón nhận, nhưng bị quê nhà quay lưng”. Trong bài viết, Jon Mitchell cho biết sự đón nhận của quốc tế và người dân Nhật Bản đối với Irezumi cách nhau tận… 150 năm.

Những năm gần đây, phong trào đấu tranh bảo vệ và gìn giữ nét văn hóa hình xăm Nhật Bản ngày càng trở nên sôi nổi. Tháng 3/2018, Bảo tàng quốc gia Nhật Bản - Hoa Kì ở Los Angeles đã tổ chức một buổi triển lãm hình xăm truyền thống Nhật Bản với tên gọi “Giữ gìn truyền thống hình xăm Nhật Bản trong thế giới hiện đại”.

f360d3b4819b79a9e2a4b8f7680be96e

Buổi triển lãm kéo dài 6 tháng, gây ấn tượng với những khóa học về lịch sử của hình xăm Nhật Bản, đồng thời trưng bày những tác phẩm của những nghệ nhân xăm hình nổi tiếng của Nhật từ trước đến nay.

Greg Kimura, người tổ chức buổi triển lãm, chia sẻ:

“Hình xăm Nhật Bản cần được nhìn nhận công bằng như những loại hình nghệ thuật khác. Gìn giữ nó còn là gìn giữ lịch sử, văn học của Nhật Bản. Tôi hi vọng những buổi triển lãm irezumi như thế này không chỉ được tổ chức ở ngoại quốc nữa. Một ngày, nó sẽ được mang về Nhật Bản, và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật cho chính người dân quê hương chiêm ngưỡng.”

Cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị xưa cũ của văn hóa Nhật Bản vẫn diễn ra dai dẳng như vậy. Cuộc chiến chống lại những tiềm thức đã ăn quá sâu vào tâm thức người dân xứ mặt trời mọc về quan niệm hình xăm sẽ đòi hỏi thật nhiều nghị lực và tâm huyết. Song, trên khắp thế giới, có lẽ khó có một nét văn hóa nào như hình xăm Nhật Bản irezumi - vừa là lịch sử, vừa là văn học, đã từng được yêu, nhưng cuối cùng lại bị chối bỏ.

Link nội dung: https://tcquoctesaigon.edu.vn/index.php/tattoo-nhat-co-a63490.html