Trong đợt tuyển dụng các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành theo chương trình VNU350, đợt 1 năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM tuyển được 14 người từ 32 ứng viên nộp hồ sơ.
Chỉ tiêu tuyển dụng đợt này của ĐH Quốc gia TPHCM là 65 người.
Trong 14 gương mặt trúng tuyển, có 6 người trong độ tuổi 9X. Người trẻ tuổi nhất là TS Trương Ngọc Cường, trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa.
TS Trương Ngọc Cường sinh năm 1994, tốt nghiệp chuyên ngành Logistics tại Đại học Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc.
Người lớn tuổi nhất trúng tuyển là TS Thái Khắc Minh, sinh năm 1977, tốt nghiệp chuyên ngành dược học tại Đại học Vienna (Cộng hòa Áo).
Với 115 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, TS Thái Khắc Minh cũng là ứng viên có nhiều bài báo khoa học nhất trong 14 ứng viên trúng tuyển. TS Minh trúng tuyển vào khoa Y.
Đặc biệt, trong 14 ứng viên trúng tuyển, chỉ có duy nhất một người tốt nghiệp tiến sĩ tại đại học trong nước là TS Cao Thị Thùy Như, sinh năm 1987, tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành luật kinh tế tại Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Tất cả 13 người còn lại đều tốt nghiệp tiến sĩ tại các đại học ở nước ngoài.
Chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia TPHCM với mục tiêu thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại đại học này.
Để tham gia ứng tuyển, các ứng viên cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như có trình độ tiến sĩ; có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của Đại học Quốc gia TPHCM.
Đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng ít nhất 1 trong 4 tiêu chí sau: (1) có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; (2) có bằng phát minh, sáng chế đã được đăng ký thành công; (3) có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; (4) có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM.
Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực: (1) đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc Trưởng phòng thí nghiệm; (2) chủ trì đề tài, dựán khoa học - công nghệ; (3) có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; (4) có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; (5) có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế (là thành viên của các tổ chức khoa học - công nghệ quốc tế; tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; biên tập, phản biện bài báo cho các tạp chí quốc tế…).
Về chính sách đãi ngộ, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia Chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ Đại học Quốc gia TP HCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.
Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu sẽ được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng); năm thứ ba được cấp một đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ tư được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng; và năm thứ năm được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cấp Nhà nước.
Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.
Nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).