Sự kiện trong nước
- Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê - tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ngày nay. Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 21/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 89-HĐBT lấy ngày 22/5 hằng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam”.
Ngày này được tổ chức nhằm tôn vinh, ghi nhận chặng đường vinh quang và đầy tự hào của ngành, đồng thời động viên phong trào thi đua lao động, công tác, khơi dậy và phát huy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia công tác phòng, chống thiên tai trên khắp mọi miền đất nước.
Với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững của đất nước, ngày 13/02/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai; theo đó, hàng năm lấy tuần lễ từ ngày 15 đến 22 tháng 5 làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai
Chủ đề Tuần lễ Quốc gia năm 2024: “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai” nhằm tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2024.
- Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam - quân đội chính quy của một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Các Chi đội Vệ quốc đoàn được cải tổ thành các 32 trung đoàn và các tiểu đoàn độc lập. Các quân chủng, binh chủng, bộ đội chuyên môn từng bước được xây dựng, phát triển. Đến ngày 28/8/1949, Đại đoàn Bộ binh 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được thành lập. Năm 1950, Quân đội quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày nay.
- Ngày 22/5/1968, Quốc hội nhất trí thông qua lời kêu gọi của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa III, Kỳ họp thứ 4 gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Trong đó, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước phát huy thắng lợi to lớn ở cả hai miền, nêu cao truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, quyết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm và liên tục, giành thắng lợi ngày càng to lớn, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Đồng bào và chiến sĩ miền Bắc đẩy mạnh cuộc động viên chính trị toàn dân theo khẩu hiệu "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"; hết lòng hết sức ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng của đồng bào miền Nam; ra sức chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ miền Bắc, phát triển mạnh mẽ các lực lượng vũ trang, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân, đánh bại hoàn toàn chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ...
Đồng bào và chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam xiết chặt hàng ngũ, thừa thắng xông lên, theo lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, đều khắp, bảo đảm càng đánh càng mạnh, càng đánh mạnh càng thắng to… hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc.
- Ngày 22/5/1993, Chính phủ ra nghị định số 23/CP về việc thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân vǎn quốc gia.
Theo đó, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Trung tâm là cơ quan khoa học trực thuộc Chính phủ, hoạt động theo quy chế riêng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chịu sự quản lý Nhà nước về hoạt động khoa học của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia có chức năng nghiên cứu những vấn đề về khoa học xã hội và nhân văn trọng điểm của Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học để các cơ quan lãnh đạo định ra đường lối, chính sách xây dựng và phát triển đất nước; xây dựng và phát huy tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.
Trung tâm khoa học xã hội và nhân vǎn quốc gia gồm có các viện nghiên cứu khoa học và các cơ quan phục vụ nghiên cứu khoa học gồm: Viện Triết học; Viện Xã hội học; Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật; Viện Kinh tế học; Viện Kinh tế thế giới; Viện Sử học; Viện Khảo cổ học; Viện Dân tộc học; Viện Văn học; Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian; Viện Ngôn ngữ học; Viện Nghiên cứu hán nôm; Viện nghiên cứu Đông Nam Á; Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Viện Tâm lý học; Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản khoa học xã hội; Viện thông tin khoa học xã hội; Tạp chí Việt Nam khoa học xã hội (bằng tiếng Anh).
Sự kiện quốc tế
- Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học.
Năm 2024 Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là thông điệp và là lời kêu gọi các bên liên quan cùng tham gia, đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, hướng tới ngăn chặn, giảm bớt suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Thông điệp cũng nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal tại Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học dự kiến diễn ra từ ngày 21/10 - 1/11 tại Cali, Colombia.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục, đồng thời thúc đẩy lối sống hài hoà với thiên nhiên.
Các cơ quan cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal; phổ biến, hướng dẫn, thực hiện các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, chỉ thị trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đồng thời tăng cường các hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương, như các Khu bảo tồn, Vườn Quốc gia và các khu vực được công nhận là Di sản thiên nhiên…/.