Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ Vu Lan báo hiếu, là dịp để con cháu tưởng nhớ tới các cụ, ông bà, cha mẹ. Vì vậy những gia đình theo đạo Phật càng không thể bỏ qua nghi lễ cúng Phật.
Mâm cúng Rằm tháng 7 dâng lên các vị chư Phật gồm những món chay, đảm bảo thanh tịnh và nhằm thể hiện sự kính trọng, tuân theo luật nhân quả, tránh sát sinh.
Những lễ vật thường xuất hiện trên mâm cúng Phật có thể kể đến hoa tươi có hương thơm (hoa sen, mẫu đơn, hoa huệ, hoa ngâu, không dùng hoa dại, hoa tạp), nhang, đèn, nước trà, quả chín có hương vị, xôi, chè, cơm chay, nấm kho, rau xào, canh củ, quả chay…
Mâm cúng không cần chuẩn bị hoành tráng. Quan trọng hơn cả là đồ cúng lễ phù hợp với hoàn cảnh gia đình, được thực hiện trang nghiêm và thành tâm.
Mâm cúng thần linh, gia tiên dịp Rằm tháng 7 có thể gồm cơm chay hoặc mặn. Mâm cúng cần chuẩn bị tươm tất nhằm thể hiện sự kính trọng đối với thần linh và tổ tiên đã khuất. Đồ lễ cho mâm cúng này thường có trà, rượu, trái cây, hoa tươi, gà luộc, xôi đậu xanh, bánh chưng, canh mọc...
Lễ cúng chúng sinh thường có gạo muối, cháo trắng, hoa quả, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng, nước, ba cốc nhỏ, ba cây nhang, hai ngọn nến nhỏ. Lễ cúng chúng sinh không nên làm lễ mặn vì có thể khơi dậy tham, sân si.
Khi hoàn tất lễ cúng chúng sinh, gạo, muối được vãi ra sân.
Lễ cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà. Gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện thể hiện lòng thương đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ.
Khi lễ cúng chúng sinh hoàn tất thì gạo, muối được vãi ra sân hoặc đường, vàng mã thì đem đốt. Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).
Nhiều năm trở lại đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo tăng ni, Phật tử và nhân dân không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí.