“Tôi sẽ bắt tất cả trẻ em học tiếng Anh: sau đó ai thông minh nhất sẽ được học tiếng Latin như một vinh dự, học tiếng Hy Lạp như một phần thưởng.”
- Winston Churchill, My Early Life: A Roving Commission
Tiếng Latin là gì?
Ai đi học Méo Miệng ắt hẳn rất mệt mỏi vì tôi hay khoe rằng tôi biết tiếng Latin. Mong các bạn thông cảm, học lòi con ngươi mới được vài chữ, chả nhẽ không khoe?
Thế nhưng tiếng Latin là gì?
Nếu bạn là dân thiết kế, chắc hẳn bạn đã nhìn thấy tiếng Latin bao năm nay mà không hề biết. Đoạn dummy text “Lorem ipsum” mà bạn cho vào các mẫu thiết kế trang web, tờ rơi, chính được viết bằng tiếng Latin.
Nhiều người cho rằng, đoạn chữ Lorem Ipsum là một dạng chữ được sắp xếp ngẫu nhiên và không có ý nghĩa. Nhưng trong thực tế nó bắt nguồn từ phần 1.10.32 và 1.10.33 của đoạn “De Finibus Bonorum et Malorum” (Đỉnh tối thượng của Cái Tốt và Cái Xấu) viết bởi Cicero vào năm 45 trước Công Nguyên.
Nếu bạn là dân học Luật, bạn hẳn phải nhìn tiếng Latin suốt ngày. Những cụm từ như ad hoc, ad valorem, bona fide, de facto, ipso facto, persona non grata… chính là Latin.
Nếu bạn là dân học Y/ Dược, bạn ăn ngủ với thứ tiếng này. Đã bao giờ bạn tự hỏi những chữ aspera, alba, adrenaline bắt nguồn từ đâu?
Ở Việt Nam, mọi người thường nhầm lẫn rằng Latin là thứ tiếng của Châu Mỹ Latin (tức là Nam Mỹ). Nam Mỹ thực ra nói tiếng Tây Ban Nha (trừ Brasil).
Latin là tiếng nói chính thức của một quốc gia khổng lồ: Đế chế La Mã (tên Latin: Imperium Romanum hoặc Senatus Populusque Romanus (SPQR). Cho dễ tưởng tượng, bạn có thể hình dung La Mã giống các nước đế quốc như Anh, Mỹ, Đức khi xưa: từ một vùng đất nhỏ, họ bành trướng và chiếm rất nhiều quốc gia. Vào thời cực thịnh, Đế chế La Mã kiểm soát phần lớn Châu Âu, phía bắc Châu Phi, vùng Balkan, Địa Trung Hải, Biển Đen, Tiểu Á và Trung Đông.
Nếu tính theo biên giới hiện đại, 48 quốc gia từng nằm dưới trướng của Đế chế La Mã.
Latin là nguồn cội của nhiều thứ tiếng Châu Âu, điển hình như Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Romanian. Tiếng Anh cũng có rất nhiều từ vay mượn hoặc biến thể từ Latin.
Latin có độ phổ biến giống như tiếng Anh ngày nay: nó từng là ngôn ngữ chính thức trong giao tiếp quốc tế và học thuật cho đến tận thế kỷ 18. Hiện tại Giáo hội Công Giáo vẫn sử dụng Latin làm ngôn ngữ chính thức. Rất nhiều trường học trên thế giới dạy Latin như một học phần bắt buộc.
Cảnh học tiếng Latin trong bộ phim kinh điển The Dead Poets Society
Học tiếng Latin để làm gì?
Chả để làm gì cả. Tôi nhắc lại: học tiếng Latin chả để làm gì cả.
Latin ngày nay được xem như một tử ngữ (ngôn ngữ chết). Học tiếng Anh thì bạn có thể nói chuyện với người Mỹ, người Úc. Nhưng học tiếng Latin thì bạn không nói chuyện được với ai hết: cộng đồng duy nhất còn dùng Latin là Giáo hội Công Giáo, nhưng ngay cả trong giáo hội, phần lớn các linh mục chỉ biết đọc mà không nói được thứ tiếng này. Chưa kể đến chuyện Giáo hội sử dụng Ecclesiastical Latin, trong khi các học giả cho rằng Classical Latin mới là phiên bản chuẩn, đặc biệt là về khía cạnh phát âm.
Vậy tại sao trên thế giới vẫn có người học tiếng Latin?
Người ta học Latin chỉ vì niềm đam mê: nó là ngôn ngữ hấp dẫn nhất thế giới, và dùng Latin nghĩa là bạn đang dùng chung một ngôn ngữ với các vĩ nhân thời cổ đại: Ceasar, Cicero, Augustus, Livy, Aurelius…
Bạn sẽ bất ngờ khi nghe điều này: Tom Hiddleston (diễn viên đóng vai Loki) có thể xài tiếng Latin rất khá.
Danh sách người nổi tiếng học Latin còn bao gồm:
- C.S Lewis (tác giả Biên niên sử Narnia),
- J.K. Rowling (tác giả Harry Potter),
- Chris Martin (ban nhạc Coldplay),
- Oscar Wilde (tác giả The Picture of Dorian Gray),
- Thomas Jefferson (Tổng Thống Hoa Kỳ, tác giả Tuyên ngôn độc lập; ngoài ra còn rất nhiều Tổng thống Mỹ khác thạo thứ tiếng này),
- Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook),
- Karl Marx (thôi khỏi giới thiệu nhé, ông này làm tiến sĩ Classics hẳn hoi),
- Friedrich Nietzsche (triết gia Đức)
- Paul McCartney (ban nhạc The Beatles)
- Và Giáo Hoàng (tất nhiên)
Ở Việt Nam, người nói tiếng Latin nổi tiếng nhất có lẽ là ông Ngô Đình Nhu. Ông từng học ở ngôi trường thuộc hạng danh tiếng nhất nước Pháp: École Nationale des Chartes, nơi Latin là môn học bắt buộc. (Năm 1961, khi ở đỉnh cao quyền lực, ông Nhu có đi qua Paris và gặp gỡ cá nhân với ngoại trưởng Pháp là Couve de Murrville, đại sứ Pháp ở VN và Étienne Manach - phụ trách Châu Á của bộ ngoại giao Pháp. Nhờ hào quang của trường Chartes nên các cuộc gặp chỉ là cá nhân mà ông Nhu đã phá băng quan hệ Pháp Việt.)
Motto (khẩu hiệu) của hầu hết các trường đại học danh giá trên thế giới đều viết bằng Latin.
Motto của trường Harvard
Tiếng Latin có khó học không?
Rất khó. Điều gây choáng ngợp lớn nhất đối với người mới học tiếng Latin là độ phức tạp của việc xử lý động từ. Mỗi động từ tiếng Anh chỉ có 12 cách chia và rất dễ nhớ. Latin thì không.
Một từ Latin đơn giản như amare (yêu) có đến…249 cách chia khác nhau.
Tự học tiếng Latin như thế nào?
Dưới đây tôi liệt kê một số tài liệu học Latin mà tôi đã dùng và thấy hữu ích. Vì lý do bản quyền tôi không thể post link lên đây được. Nếu bạn thật sự muốn học Latin, hãy liên hệ với tôi. Tuy nhiên tôi bận và không thể hứa sẽ trả lời tin nhắn của bạn. Dùng google bạn nhé!
Wheelock’s Latin
Workbook for Wheelock’s Latin
Collins Latin Dictionary & Grammar