1. Theo dõi sức khỏe hàng ngày khi nhiễm Covid-19
Việc theo dõi triệu chứng của người nhiễm Covid-19 là rất quan trọng bởi nó cho biết tình trạng bệnh cũng như cách điều trị phù hợp. Vậy người mắc Covid-19 nên theo dõi những chỉ số sức khỏe nào?
Điều trị Covid-19 thế nào là quan tâm của nhiều người dân (ảnh: internet)
1.1. Theo dõi chỉ số sống
Các chỉ số sống thể hiện tình trạng sức khỏe của người bệnh cần theo dõi bao gồm: nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, mạch, huyết áp, chỉ số SpO2.
1.2. Theo dõi triệu chứng
Triệu chứng thường gặp khi nhiễm Covid-19 bao gồm: ho, mệt mỏi, ớn lạnh, ho ra đờm, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, thở dốc, khó thở, ho ra máu,...
Một số triệu chứng khác có thể gặp bao gồm: chóng mặt, chán ăn, nhức đầu, đau họng, buồn nôn và nôn mửa, đau nhức cơ,...
Các triệu chứng nguy hiểm cần chú ý: khó thở, tinh thần lơ mơ, li bì, nôn mửa, sốt cao mất ý thức hoặc co giật, tím môi, huyết áp thấp, mạch đập nhanh…
Khi gặp các triệu chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ hoặc các đối tượng nguy cơ cao, cần liên hệ với Cán bộ Y tế địa phương để được xử trí cấp cứu kịp thời.
2. Thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19
Hiện nay việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vẫn chủ yếu là điều trị theo triệu chứng, cấp cứu nếu bệnh nhân có tiến triển bệnh nặng ảnh hưởng đến hô hấp và sự sống. Do vậy, theo dõi triệu chứng và thông tin đến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị là vô cùng quan trọng.
Điều trị Covid-19 hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng
2.1. Thuốc điều trị trong trường hợp sốt
Sốt là triệu chứng nhiễm Covid-19 rất thường gặp, với người sức khỏe tốt, đã có miễn dịch do tiêm phòng vắc xin thường chỉ sốt nhẹ đến sốt vừa. Trẻ nhỏ có thể sốt cao đến rất cao đặc biệt nguy hiểm, do vậy theo dõi thân nhiệt và sử dụng thuốc hạ sốt khi cần thiết là rất quan trọng.
Điều trị sốt với người lớn
Với người lớn bị sốt trên 38.5 độ C hoặc đi kèm với đau người, đau đầu nhiều, nên uống thuốc hạ sốt paracetamol viên 0.5 g. Uống lặp lại mỗi 4 - 6 giờ/lần, không quá 4 viên/ngày để hạ sốt, có thể uống kèm dung dịch oresol để cân bằng điện giải.
Điều trị đối với trẻ em
Trẻ em sốt từ 38.5 độ C trở lên cần uống thuốc hạ sốt paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần, uống lặp lại 4 - 6 giờ/lần để kiểm soát tình trạng sốt.
Với cả trẻ nhỏ lẫn người lớn, nếu dùng thuốc nhưng không hạ sốt, vẫn tiếp tục sốt cao thì cần thông báo với cơ quan y tế để được hỗ trợ.
2.2. Điều trị với thuốc kháng virus
Về thuốc kháng điều trị Covid-19, có thể lựa chọn một trong các loại thuốc sau:
-
Favipiravir 200mg, 400mg dạng viên.
-
Molnupiravir 200 mg, 400 mg dạng viên.
2.3. Điều trị với các loại thuốc khác
Thuốc chống viêm Corticosteroid dạng uống: thuốc phải dùng theo liều kê đơn của bác sĩ, không tự ý mua và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các thuốc có thể dùng như Methylprednisolon 16 mg dạng viên nén, Dexamethason dạng viên nén.
Thuốc chống đông máu đường uống: Giống như thuốc chống viêm Corticosteroid, cũng chỉ dùng thuốc chống đông máu đường uống theo kê đơn của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng. Các thuốc thường được chỉ định gồm Apixaban 2.5 mg, Rivaroxaban 10 mg.
Các thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu thường chỉ chỉ định trong trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 có dấu hiệu suy hô hấp, cần kê đơn điều trị trong 1 ngày khi chờ chuyển viện.
Các trường hợp nên liên hệ với cơ quan y tế để được nhập viện điều trị và theo dõi bao gồm: người có dấu hiệu của thiếu oxy, viêm phổi, nhịp thở ngắn, thở bất thường với các dấu hiệu như rút lõm lồng ngực, thở rên, phập phồng cánh mũi, thở rít, thở khò khè,...
3. Hướng dẫn điều trị Covid-19 theo Bộ y tế tại nhà
Ngoài dùng thuốc hạ sốt, uống bù nước và điện giải cũng như các thuốc điều trị triệu chứng, người bệnh Covit-19 sẽ được dỡ bỏ cách ly, ngừng tự điều trị tại nhà khi đáp ứng những điều sau:
Người nhiễm Covid-19 cần tự cách ly và điều trị đủ 7 ngày
3.1. Thời gian cách ly và điều trị đủ 7 ngày
Sau khi cách ly và điều trị 7 ngày, khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với Virus Covid-19 được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc kết quả được nhân viên y tế công nhận thì được xác nhận là khỏi bệnh.
3.2. Cách ly và điều trị trên 7 ngày
Nếu sau 7 ngày, kết quả xét nghiệm vẫn dương tính thì cần cách ly tiếp đủ 10 ngày với những người đã tiêm đủ liều vắc xin, đủ 14 ngày với người chưa tiêm vắc xin hoặc tiềm liều không đủ theo quy định.
Với kết quả âm tính sau cách ly và điều trị, cơ quan y tế nơi quản lý người bệnh sẽ xác thực thông tin cũng như kết quả khỏi bệnh. Các biện pháp cách ly cũng được dỡ bỏ, người bệnh có thể đi làm và sinh hoạt như bình thường.
Nhiễm Covid-19 triệu chứng nhẹ có thể tự điều trị tại nhà
Trên đây là những thông tin hướng dẫn điều trị Covid-19 theo Bộ Y tế được cập nhật mới nhất, hi vọng sẽ giúp bạn đọc có thể tự chăm sóc, điều trị và xử lý khi bản thân hay gia đình không may mắc phải.
Số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam hiện đã ở mức cao, các trường hợp nhẹ có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà để giảm tải cho hệ thống y tế và giảm nguy cơ lây nhiễm. Hãy tuân thủ những hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như giúp đất nước ứng phó tốt nhất với dịch bệnh.
Nếu cần hỗ trợ thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.